QLMT - Nghiên cứu mới cho thấy hoạt động khai thác khoáng sản phục vụ năng lượng sạch đang đe dọa hàng ngàn loài động vật có xương sống trên toàn cầu, với các điểm nóng tập trung ở dãy Andes, Tây và Trung Phi, Đông Nam Á.
Một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Current Biology đã cảnh báo về sự đe dọa của hoạt động khai thác khoáng sản đối với 4.642 loài động vật có xương sống trên toàn cầu. Đáng lo ngại nhất là việc khai thác các vật liệu quan trọng cho quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch như lithium và cobalt, những thành phần thiết yếu cho pin mặt trời, turbine gió và ô tô điện.
Việc khai thác lithium, những thành phần thiết yếu cho pin mặt trời, turbine gió và ô tô điện phát triển mạnh mẽ trong thời gian gần đây. Ảnh: NYT
Giáo sư David Edwards, tác giả chính của nghiên cứu và là chuyên gia thuộc Đại học Cambridge, nhấn mạnh rằng dù việc khai thác các nguyên liệu này là cần thiết để đạt được mục tiêu năng lượng sạch, nhưng các địa điểm khai thác thường nằm trong những khu vực có mức độ đa dạng sinh học rất cao. Điều này đặt ra thách thức lớn trong việc bảo vệ các loài động vật.
Các tác giả của nghiên cứu đã chỉ ra rằng không chỉ những loài sống gần khu vực khai thác mỏ bị ảnh hưởng, mà cả những loài sống xa khu vực này cũng đối mặt với nguy cơ, chẳng hạn như do ô nhiễm nguồn nước và phá rừng để xây dựng cơ sở hạ tầng mới.
Nhóm nghiên cứu đề xuất, cách hiệu quả nhất để giảm thiểu mất mát đa dạng sinh học là giảm thiểu ô nhiễm từ hoạt động khai khoáng. Theo GS. David Edwards, các loài cá đang đối mặt với nguy cơ cao nhất, với 2.053 loài bị đe dọa. Tiếp theo là các loài bò sát, lưỡng cư, chim và động vật có vú. Các loài sống ở môi trường nước ngọt và các loài có phạm vi phân bố hẹp cũng đang gặp nguy hiểm nghiêm trọng.
Tại Mỹ, hàng trăm con chim đại bàng bị chết do va chạm phải các cánh quạt tuabin gió. Ảnh: BI
Nghiên cứu đã sử dụng dữ liệu của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) để lập bản đồ các loài động vật bị ảnh hưởng và xác định những khu vực có nguy cơ đặc biệt cao. Các điểm nóng về khai thác khoáng sản đe dọa quần thể động vật có xương sống bao gồm dãy Andes, vùng ven biển Tây và Trung Phi, và Đông Nam Á.
Công trình nghiên cứu này cũng lưu ý, hoạt động khai thác không chỉ ảnh hưởng đến động vật có xương sống mà còn tác động đáng kể đến các loài động vật không xương sống và thực vật. GS. Edwards nhấn mạnh: dù không thể ngừng hoàn toàn khai thác khoáng sản, nhưng cần phải có những biện pháp giảm thiểu tác động đến môi trường và đa dạng sinh học. Bên cạnh đó, việc thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, tái chế và tái sử dụng vật liệu sẽ là những hướng đi cần thiết trong tương lai.
Những phát hiện này đặt ra câu hỏi cấp bách về cách thức cân bằng giữa nhu cầu khai thác khoáng sản để phục vụ năng lượng sạch và bảo vệ đa dạng sinh học, đặc biệt khi ngành khai thác dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian tới.
LÂM HÀ
Tags
khai thác khoáng sản
động vật
chuyển đổi năng lượng
khai thác
đe dọa
Việc thu gom rác thải trên sông không chỉ cải thiện môi trường nước mà còn ngăn chặn rác thải nhựa từ đất liền đổ ra biển.
Ngày 18/9, tại Hà Nội, Báo Đại biểu nhân dân tổ chức tọa đàm “Tăng cường kiểm soát nguồn thải, quản lý chất thải rắn để cải thiện môi trường”.
Nồng độ khí metan (CH4) trong bầu khí quyển Trái đất đã tăng với tốc độ kỷ lục trong 5 năm qua. Ít nhất 2/3 lượng khí metan phát thải hằng năm đến từ các hoạt động của con người, bao gồm việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch, nông nghiệp và từ các bãi chôn lấp rác thải.
Việc trải qua cơn bão có điểm dị thường như Yagi khiến chúng ta đặt câu hỏi liệu trong tương lai sẽ xuất hiện những cơn bão như vậy không và giải pháp ứng phó với các cơn bão lớn như thế nào.