Bọ chét nước: Giải pháp đột phá cho xử lý nước thải công nghiệp

  • Cập nhật: Thứ sáu, 13/10/2023 | 11:33:35 AM

QLMT - Các nhà khoa học đang thử nghiệm sử dụng bọ chét nước để loại bỏ các chất độc hại như thuốc trừ sâu, hóa chất công nghiệp, và thuốc khỏi nước thải công nghiệp, biến nó thành nguồn nước an toàn và bảo vệ môi trường.


Bọ chét nước. Ảnh: iStock

Hiện nay, các nhà máy xử lý nước thải không thể loại bỏ toàn bộ các chất ô nhiễm hóa học khó phân hủy trong nước thải từ các ngành công nghiệp, và thường kết thúc bằng cách đổ chúng vào môi trường tự nhiên. Hậu quả là làm tổn hại hệ sinh thái, ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng đến nguồn thực phẩm của con người. Ngoài ra, nhiều phương pháp xử lý nước truyền thống tốn kém và gây ra thêm ô nhiễm môi trường.

Trang theguardian.com đưa tin, Luisa Orsini - Giáo sư môi trường tại Đại học Birmingham và các cộng sự đã tìm đến một giải pháp bền vững hơn trong xử lý nước thải công nghiệp. Đó là sử dụng những sinh vật phù du nhỏ bé - bọ chét nước để hút các chất độc hại trong nước thải. Đây được coi là giải pháp thân thiện với môi trường, hiệu quả, chi phí thấp và có thể mở rộng quy mô. Bọ chét nước thực chất là một nhóm gồm hơn 450 loài giáp xác nhỏ thuộc chi Daphnia có khả năng lọc và tiêu thụ các chất độc hại trong nước thải.

Các nhà nghiên cứu đã lựa chọn bốn loài bọ chét nước có khả năng loại bỏ một số chất gây ô nhiễm nguy hại nhất: diclofenac, atrazine, asen, và PFOS. Trong đó, diclofenac gây hại cho đường tiêu hóa, PFOS là một loại hợp chất gần như không thể phá hủy, được sử dụng cho các dụng cụ nấu nướng chống dính, quần áo chống thấm, vật liệu công nghiệp và mỹ phẩm. Chính độ bền của PFOS khiến chúng tích lũy trong môi trường và cơ thể con người, dù chỉ một lượng nhỏ cũng làm tăng nguy cơ mắc ung thư và các vấn đề sức khỏe khác.

Để chọn loài bọ chét phù hợp nhất, các nhà khoa học đã khôi phục phôi "ngủ đông" của chúng từ lớp trầm tích dưới đáy sông. Sau đó, họ đã phát triển và kiểm tra chúng trong môi trường thí nghiệm, từ bể cá tới những bể nước lớn. Kết quả thực nghiệm cho thấy bọ chét nước có khả năng loại bỏ các chất độc hại, bao gồm cả PFOS, mà các phương pháp truyền thống khác gần như không thể làm được.

Trong phòng thí nghiệm, bọ chét nước hút 90% diclofenac, 60% asen, 59% atrazine và 50% PFOS. Trong môi trường ngoài trời với điều kiện tương tự như nhà máy xử lý nước thải, chúng hoạt động tương tự.

Đặc biệt, bọ chét nước có khả năng tự duy trì thông qua việc sinh sản vô tính, cũng như chúng có thể tự điều chỉnh, tăng hoặc giảm số lượng tùy theo chất dinh dưỡng có sẵn. 

Khám phá này mở ra cơ hội phát triển giải pháp xử lý nước thải hiệu quả và thân thiện với môi trường, đồng thời giảm thiểu chi phí và tác động độc hại. Cùng với sự thích ứng và sự phát triển của công nghệ, việc sử dụng bọ chét nước có thể trở thành một bước ngoặt quan trọng trong việc bảo vệ môi trường và nguồn nước trên toàn thế giới.

TÙNG LÂM

Tags sinh vật phù du xử lý nước thải nước thải công nghiệp bọ chét nước

Các tin khác

Việc thu gom rác thải trên sông không chỉ cải thiện môi trường nước mà còn ngăn chặn rác thải nhựa từ đất liền đổ ra biển.

Ngày 18/9, tại Hà Nội, Báo Đại biểu nhân dân tổ chức tọa đàm “Tăng cường kiểm soát nguồn thải, quản lý chất thải rắn để cải thiện môi trường”.

Nồng độ khí metan (CH4) trong bầu khí quyển Trái đất đã tăng với tốc độ kỷ lục trong 5 năm qua. Ít nhất 2/3 lượng khí metan phát thải hằng năm đến từ các hoạt động của con người, bao gồm việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch, nông nghiệp và từ các bãi chôn lấp rác thải.

Việc trải qua cơn bão có điểm dị thường như Yagi khiến chúng ta đặt câu hỏi liệu trong tương lai sẽ xuất hiện những cơn bão như vậy không và giải pháp ứng phó với các cơn bão lớn như thế nào.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục