Đó là một nhận định của Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy trong diễn đàn về "Chuyển đổi số và chuyển đổi xanh cho phát triển bền vững”. Sự kiện thuộc khuôn khổ chương trình Kết nối công nghệ và đổi mới sáng tạo - Techconnect and Innovation Vietnam 2023 do Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) và tỉnh Quảng Ninh tổ chức ngày 30/9 vừa qua.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy phát biểu tại diễn đàn
Chuyển đổi xanh liên quan đến thay đổi cả quy trình sản xuất
Phát biểu tại lễ khai mạc, Thứ trưởng Bùi Thế Duy đã nhấn mạnh rằng chuyển đổi số và chuyển đổi xanh đang trở thành xu hướng tất yếu của thế giới. Tuy nhiên, để hiểu rõ hơn về khái niệm 'chuyển đổi số', chúng ta cần xem xét nó dưới góc độ đổi mới sáng tạo. Điều này không chỉ đơn thuần về việc áp dụng công nghệ thông tin, mà còn đòi hỏi sự thay đổi sâu rộng trong quy trình nội tại, quy trình xử lý công việc, nhằm tăng hiệu suất và tạo ra sản phẩm, dịch vụ mới.
Tương tự, chuyển đổi xanh không chỉ là việc sử dụng công nghệ để bảo vệ môi trường, mà còn liên quan đến thay đổi quy trình sản xuất và kinh doanh nhằm tối ưu hóa hoạt động, giảm phát thải, và thúc đẩy kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.
Thứ trưởng Bùi Thế Duy cũng đưa ra một ví dụ thực tế về sự thành công của chuyển đổi số và xanh. Công ty Rạng Đông, một công ty sản xuất lâu đời của Việt Nam, đã làm điều này một cách xuất sắc. Họ đã đầu tư đáng kể vào hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) cùng với việc số hóa quy trình sản xuất. Rạng Đông đã bắt đầu bằng việc số hóa từng phần riêng lẻ của quy trình, sau đó kết nối chúng lại với nhau để cuối cùng trở thành một nhà máy sản xuất thông minh hoàn chỉnh, sử dụng nguồn lực một cách tối ưu.
Thành quả của họ là tăng năng suất lên gấp đôi. Số lượng đèn LED sản xuất hàng tháng đã tăng từ 5 triệu sản phẩm lên 7 triệu sản phẩm. Họ đã quyết định ngừng sản xuất các bóng đèn huỳnh quang hiệu suất thấp để tập trung hoàn toàn vào việc sản xuất đèn LED hiệu suất cao.
8 biên bản ghi nhớ về hợp tác chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo
Tại sự kiện "Kết nối công nghệ, đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2023 - Techconnect and Innovation Vietnam 2023”, 8 biên bản ghi nhớ về hợp tác chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo được bàn giao. Đó là:
1. Biên bản ghi nhớ hợp tác thúc đẩy công nghệ công nghiệp và đổi mới sáng tạo giữa Việt Nam và Hàn Quốc. Bản kế hoạch triển khai sẽ được trao giữa Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) và Viện Phát triển Công nghệ Hàn Quốc.
2. Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Ninh trao Giấy chứng nhận đăng ký chuyển giao công nghệ đến từ hai đơn vị nước ngoài từ Mỹ và Italia cho Công ty Hóa dầu Stavian Quảng Yên. Nhà máy Hóa dầu Stavian Quảng Yên được xây dựng trên diện tích 30 hecta với tổng mức đầu tư ước tính lên đến 1,5 tỷ USD và quy mô sản xuất 600.000 tấn Polypropylene/năm.
Dự án đã lựa chọn các công nghệ bản quyền tiên tiến tiến bao gồm công nghệ sản xuất Propylene bằng phương pháp khử hydro từ Honeywell UOP từ Mỹ và công nghệ sản xuất Propylene sử dụng công nghệ SPHERIPOL từ LyondellBasell từ Italia.
3. Hợp tác nghiên cứu công nghệ và đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực ô tô giữa Việt Nam - Hàn Quốc đến từ Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ và Viện nghiên cứu ô tô Hàn Quốc.
4. Huyện đảo Cô Tô và Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông trao hợp tác phát triển các giải pháp chiếu sáng xanh, thông minh, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường nhằm đáp ứng định hướng phát triển "tăng trưởng xanh, chuyển đổi số, phát triển bền vững” huyện Cô Tô giai đoạn 2023 - 2025.
5. Biên bản ghi nhớ về lĩnh vực nghiên cứu, chuyển giao công nghệ điện gió giữa Tập đoàn BP, Anh Quốc và Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Ninh.
6. Hợp tác nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới phát triển theo hướng nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại để thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa Việt Nam - Hàn Quốc. Phần ký kết hợp tác được thực hiện bởi hai đơn vị là Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Hiệp hội kinh tế - văn hóa Hàn Quốc.
7. Hợp tác xã Nông nghiệp xanh Yên Thế và Viện cơ điện nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch sẽ trao biên bản Chuyển giao công nghệ, dây chuyền thiết bị giết mổ và cấp đông gà ứng dụng công nghệ cấp đông siêu tốc bằng chất lỏng, công suất 400 con/giờ.
8. Biên bản ghi nhớ hợp tác chuyển giao công nghệ nuôi trồng và chế biến đông trùng hạ thảo, thủy sản, gia cầm để thực hiện dự án trang trại nông nghiệp thông minh công nghệ cao, thân thiện với môi trường. Biên bản ghi nhớ được thực hiện bởi Công ty Cổ phần Đầu tư Công nghệ xanh tỉnh Ninh Bình và Công ty TNHH Nongbu Sanchon C&G Hàn Quốc.
Chuyển đổi số và chuyển đổi xanh không chỉ là một xu hướng, mà còn là một cơ hội để Việt Nam tiến bước vào một tương lai bền vững, thông minh và xanh hơn.
TÙNG LÂM