Ô nhiễm không khí gây ra nhiều hệ lụy cho sức khỏe con người. Ảnh minh họa: Thế Kha
Nghiên cứu mới đưa ra lời cảnh báo đến nhiều quốc gia cần đưa ra nhiều giải pháp ngăn chặn tình trạng ô nhiễm không khí.
Các nhà khoa học xem xét 110 nghiên cứu và dữ liệu hơn 18 triệu trường hợp đột quỵ ở các nước có thu nhập cao, sàng lọc các kích thước hạt khác nhau và chúng đến từ đâu.
Kết quả nhấn mạnh tính cấp bách toàn cầu trong việc thực hiện các biện pháp giảm ô nhiễm không khí, nguyên nhân gây ra 7 triệu ca tử vong mỗi năm.
Tiếp xúc ngắn hạn với ô nhiễm không khí, dù từ khí thải từ xe cơ giới hoặc bụi phát ra từ công trường xây dựng, đều liên quan đến việc tăng nguy cơ đột quỵ.
Trên thực tế, mối liên kết về mức độ phơi nhiễm với đột quỵ đã được thiết lập trong giới hạn vài tuần hoặc vài tháng.
"Nghiên cứu trước đây, cho thấy mối liên kết trong việc tiếp xúc lâu dài với ô nhiễm không khí làm tăng nguy cơ đột quỵ. Tuy nhiên, mối tương quan giữa việc tiếp xúc ngắn hạn vẫn chưa rõ ràng.
Đối với nghiên cứu này, thay vì xem xét mức độ phơi nhiễm hàng tuần hoặc hàng tháng, chúng tôi chỉ xem xét trong 5 ngày và tìm thấy mối liên hệ giữa việc tiếp xúc ngắn hạn với ô nhiễm không khí, nó làm tăng nguy cơ đột quỵ", tác giả nghiên cứu, Ahmad Toubasi, Đại học Jordan giải thích.
Các nhà khoa học thực hiện một phân tích tổng hợp tập hợp từ hơn 110 nghiên cứu, bao gồm hơn 18 triệu trường hợp đột quỵ, phát hiện rằng các chất gây ô nhiễm không khí như nitơ dioxit (NO2), ozone (O3), carbon monoxide (CO) và carbon dioxide (CO2) và lưu huỳnh là một trong những nguyên nhân dẫn đến đột quỵ
Bên cạnh đó, những hạt bụi mịn, bao gồm cả những hạt đến từ khí thải động cơ, nhà máy nhiệt điện, bụi công trường, một số ngành công nghiệp khác hoặc cháy rừng cũng đã được các nhà nghiên cứu phân tích.
Những loại hạt mịn trong khí quyển?
Nghiên cứu cho thấy những người tiếp xúc với nồng độ cao từ một số chất gây ô nhiễm trong không khí có nguy cơ bị đột quỵ cao hơn, thậm chí tử vong do đột quỵ.
Khí thải động cơ đốt trong từ phương tiện giao thông là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm không khí . Ảnh minh họa: Mạnh Quân.
Cụ thể, các nhà nghiên cứu, chỉ ra rằng nitơ dioxide có liên quan đặc biệt đến việc tăng nguy cơ đột quỵ (28%), carbon monoxide (26%), sulfur dioxide (15%) và ozone (5%).
Nếu chúng ta đặt vào sự tương quan kích thước của các hạt được phân tích, bụi mịn PM2.5 gây nguy cơ đột quỵ cao hơn, trên 15% và PM10 là trên 14%.
"Có mối liên hệ chặt chẽ giữa ô nhiễm không khí và đột quỵ cũng như tử vong do đột quỵ trong vòng 5 ngày kể từ ngày tiếp xúc. Điều này nhấn mạnh tầm quan trọng từ những nỗ lực toàn cầu, các quốc gia cần đưa ra các chính sách nhằm giảm ô nhiễm không khí, giúp hạn chế đột quỵ và nhiều hệ lụy sức khỏe khác", nhà khoa học Ahmad Toubasi, đồng tác giả nghiên cứu kết luận.
Lưu ý rằng, nghiên cứu này không bao gồm mọi dữ liệu từ khắp nơi trên thế giới, phần lớn nó được thực hiện ở những nước có thu nhập cao đến từ Châu Á (59%), Châu Âu và Châu Mỹ (lần lượt là 25% và 17%).
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO, báo cáo rằng cứ 10 người trên thế giới thì có 9 người phải đối mặt với mức độ ô nhiễm không khí, khiến 7 triệu người tử vong mỗi năm.
Ô nhiễm không khí cũng là nguyên nhân gây ra 1/3 số ca tử vong do đột quỵ, ung thư phổi hoặc một số bệnh liên quan đến tim mạch. WHO ước tính, có 15 triệu người bị ảnh hưởng bởi đột quỵ mỗi năm trên toàn thế giới.
Theo Dân Trí