Bản đồ này cho thấy sự bất thường về nhiệt độ toàn cầu vào tháng 6 năm 2023 theo phân tích GISTEMP của các nhà khoa học tại Viện Nghiên cứu Vũ trụ Goddard của NASA. Nguồn: NASA
Theo thông tin được chia sẻ, ban lãnh đạo của NASA, bao gồm các chuyên gia về khí hậu, tham gia cuộc họp này gồm:
- Giám đốc NASA Bill Nelson;
- Kate Calvin, nhà khoa học trưởng của NASA và cố vấn khí hậu cấp cao;
- Karen St. Germain, Giám đốc bộ phận Khoa học Trái Đất của NASA;
- Gavin Schmidt, Giám đốc Viện Nghiên cứu Vũ trụ Goddard của NASA;
- Tom Wagner, Phó giám đốc Hành động hành tinh;
- Huy Trần, Giám đốc hàng không, Trung tâm nghiên cứu Ames của NASA;
- Carlos Del Castillo, Giám đốc, Phòng thí nghiệm Sinh thái Đại dương, Trung tâm Chuyến bay Vũ trụ Goddard của NASA.
Thời tiết cực đoan hoành hành khắp các châu lục như cháy rừng, lũ lụt, mưa bão, nắng nóng...
Trích dẫn Báo cáo tình trạng khí hậu ở châu Âu, Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) tuyên bố ngày 19/6: "Chỉ số trên cho thấy, châu Âu đã nóng lên gấp đôi so với mức trung bình toàn cầu kể từ những năm 1980, gây những tác động sâu rộng đến kết cấu kinh tế xã hội và hệ sinh thái của khu vực".
Nhiều nước như Pháp, Đức, Italy, Tây Ban Nha đã trải qua mùa hè nắng nóng chưa từng thấy. Mực nước trên các con sông thấp kỷ lục. Hạn hán làm cây trồng khô héo, trong khi các đám cháy rừng bùng phát dữ dội. Nhiệt độ bề mặt nước biển trên khắp châu Âu cũng đạt mức cao mới, kèm theo các đợt nắng nóng trên biển.
Những trận cháy rừng hoành hành khắp Bắc Mỹ, lũ lụt ở Đông Bắc, những đợt nắng nóng khắp Tây Nam và tháng 6 nóng kỷ lục, hàng triệu người Mỹ đang phải chịu tác động của thời tiết khắc nghiệt và NASA không bỏ qua những điều đó.
Bên kia bán cầu, các nghiên cứu về châu Á đều khẳng định nhiệt độ nắng nóng tăng cao liên tục, tàn phá khủng khiếp nhiều vùng trọng điểm châu Á từ nay đến giữa thế kỷ này.
Hồi cuối tháng 6/2023, bang Uttar Pradesh phía bắc Ấn Độ đã phải trải qua đợt nắng nóng lên đến 47 độ C. Pakistan và Bắc Kinh và các nước Đông Nam Á cũng đạt mức nhiệt từ 39 đến 41 độ C. Các chuyên gia cho rằng khủng hoảng khí hậu sẽ gây ra các đợt nắng nóng thường xuyên hơn và kéo dài hơn trong tương lai, thử thách khả năng thích ứng của nhiều nước Châu Á.
Tổng thư ký Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) Petteri Taalas cho biết: "Thời tiết khắc nghiệt đang có tác động lớn đến sức khỏe con người, hệ sinh thái, nền kinh tế, nông nghiệp, năng lượng và nguồn cung cấp nước. Điều này nhấn mạnh tính cấp bách ngày càng tăng của việc cắt giảm khí thải nhà kính càng nhanh và càng sâu càng tốt".
TÚ ANH