Sinh viên chế tạo tàu vớt rác sử dụng năng lượng mặt trời

  • Cập nhật: Thứ tư, 17/5/2023 | 3:50:13 PM

QLMT - Vừa qua, một nhóm sinh viên Trường Đại học Nha Trang đã chế tạo thành công tàu vớt rác 2 thân sử dụng năng lượng mặt trời và được nghiệm thu xếp loại xuất sắc.

Mô hình gợi mở hướng thu gom rác thải trên các vùng nước hiệu quả hơn, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.



Mô hình tàu 2 thân chạy bằng năng lượng mặt trời.

Sinh viên Ngô Hoàng Thịnh (lớp 61 Kỹ thuật tàu thủy) - chủ nhiệm đề tài cho biết, hiện tại, Việt Nam vẫn chưa có nhiều thông tin về đề tài tàu vớt rác 2 thân, cũng chưa được ứng dụng rộng rãi. Đề tài này đang được nghiên cứu và phát triển tại một số quốc gia khác trên thế giới với mục đích tăng cường hiệu quả thu gom rác thải và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường. Trong điều kiện nghiên cứu của mình, nhóm thực hiện đề tài chế tạo tàu vớt rác 2 thân dưới dạng mô hình thu nhỏ có chiều dài lớn nhất 1,2m, khả năng chở tối đa 10kg rác. Tàu được thiết kế với 2 thân tàu song song, kết cấu này có một không gian ở giữa, giúp tăng khả năng thu gom và chứa rác của tàu. Việc sử dụng tàu vớt rác 2 thân sẽ giúp giảm thiểu tình trạng rác thải trôi dạt trên sông, hồ, bảo vệ môi trường sống của sinh vật, đồng thời giảm nguy cơ gây ảnh hưởng đến các hoạt động kinh tế, du lịch trên các vùng nước…

Đề tài được thực hiện sau hơn 1 năm và hoàn thành vào tháng 3-2023. Nguồn năng lượng hoạt động của tàu dựa vào năng lượng mặt trời. Tàu di chuyển trên mặt nước và có hệ thống băng chuyền đặt giữa 2 thân tàu để vớt rác và đưa rác từ mặt nước lên boong tàu. Rác được tập trung về thùng chứa trên tàu. Sau khi thùng chứa đầy, tàu sẽ về bờ để tháo dỡ rác và làm sạch thùng chứa sử dụng lại. Toàn bộ quá trình thu gom rác được điều khiển từ xa. Mô hình có thể được thiết kế để hoạt động trong các khu vực nước khác nhau, bao gồm cả sông, hồ và khu vực nước nông. Thân tàu được chế tạo bằng vật liệu composite, vận tốc thiết kế 2 hải lý/giờ. Pin ắc quy dùng cho động cơ là loại ắc quy khô kín khí 12V/7,5 Ampe giờ. Trong quá trình vận hành, chạy thử, tất cả đều được điều khiển từ xa. Bộ thu và bộ phát liên lạc với nhau qua sóng vô tuyến. Mô hình đã trải qua 3 lần thử nghiệm mới đạt đến sự hoàn thiện.

Tiến sĩ Huỳnh Văn Vũ - giảng viên hướng dẫn đánh giá, tàu vớt rác 2 thân sử dụng năng lượng mặt trời là một giải pháp mới trong việc giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường sông, hồ. Với thiết kế 2 thân, tàu có khả năng chở nhiều rác thải hơn, đảm bảo tính ổn định cũng như tăng khả năng thu gom rác trước khi vớt. Tàu có thể vận hành ở các khu vực đang bị ô nhiễm và trong thời gian dài mà không cần tiếp nhiên liệu, đây là lợi thế lớn trong việc giảm thiểu tác động đến môi trường. Đề tài của các sinh viên đòi hỏi phối hợp nhiều chuyên ngành, có tính mới, tính sáng tạo nên hội đồng nghiệm thu xếp loại xuất sắc.

Theo Báo Khánh Hoà 

Tags Sinh viên Chế tạo tàu vớt rác Năng lượng mặt trời

Các tin khác

Việc thu gom rác thải trên sông không chỉ cải thiện môi trường nước mà còn ngăn chặn rác thải nhựa từ đất liền đổ ra biển.

Ngày 18/9, tại Hà Nội, Báo Đại biểu nhân dân tổ chức tọa đàm “Tăng cường kiểm soát nguồn thải, quản lý chất thải rắn để cải thiện môi trường”.

Nồng độ khí metan (CH4) trong bầu khí quyển Trái đất đã tăng với tốc độ kỷ lục trong 5 năm qua. Ít nhất 2/3 lượng khí metan phát thải hằng năm đến từ các hoạt động của con người, bao gồm việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch, nông nghiệp và từ các bãi chôn lấp rác thải.

Việc trải qua cơn bão có điểm dị thường như Yagi khiến chúng ta đặt câu hỏi liệu trong tương lai sẽ xuất hiện những cơn bão như vậy không và giải pháp ứng phó với các cơn bão lớn như thế nào.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục