Thụy Điển là quốc gia đi đầu trong việc chuyển đổi từ phương tiện sử dụng động cơ đốt trong sang xe điện. Và sắp tới, quốc gia Bắc Âu này quyết định làm nên lịch sử với việc đầu tư xây dựng hệ thống đường cao tốc điện khí hoá giúp sạc điện cho ô tô khi đang di chuyển đầu tiên trên thế giới vào năm 2025.
Cao tốc đầu tiên được chọn là tuyến đường E20, nằm ở giữa các thành phố lớn của Thụy Điển là Stockholm, Gothenburg và Malmö. Đây sẽ là hợp phần đầu tiên của một kế hoạch lớn hơn với quãng đường điện khí hoá dự kiến lên tới hơn 3.000km trên khắp các tuyến cao tốc và dự kiến hoàn thành trước năm 2045.
Trước đó, Thụy Điển cũng là nước tiên phong trong việc thử nghiệm đường điện khí hóa và đã ứng dụng nhiều giải pháp hàng đầu cho việc sạc điện cho ô tô trên đường.
Vào năm 2016, một đoạn đường dài khoảng 2km ở Gävle, miền trung Thụy Điển, đã được khai trương, sử dụng đường dây điện trên cao cho phép các phương tiện hạng nặng sạc lại điện, tương tự như tàu điện hoặc xe điện.
Sau đó, một đoạn đường dài 1,6km ở Gotland đã được điện khí hóa bằng cách sử dụng các cuộn dây điện tích đặt bên dưới lớp nhựa đường.
Vào năm 2018, Trafikverket đã giới thiệu đường ray sạc đầu tiên trên thế giới trên đoạn đường dài 2km, cho phép xe tải điện có thể lấy điện bằng các "cánh tay" của mình.
Sắp tới, khi công nghệ sạc điện cảm ứng từ đặt dưới lớp nhựa đường được áp dụng rộng rãi, ô tô điện có thể vừa đi vừa sạc, giống như sạc không dây Qi ở điện thoại di động.
Cụ thể, các dây cáp sẽ được thiết kế nằm dưới đường cao tốc và tạo ra trường điện từ, sau đó kết nối với thiết bị đặc biệt bên trong ô tô điện để chuyển hóa thành điện năng, giúp sạc pin cho xe điện ngay khi đang chạy. Hệ thống này chỉ sinh ra điện áp khi xe ô tô điện có thiết bị phù hợp với tiêu chuẩn sạc.
Những đoạn đường như vậy cũng đã được thử nghiệm ở Đức và Michigan (Mỹ), nhưng quy mô lên đến vài nghìn km như cách mà Thuỵ Điển sắp làm thì vẫn chưa nơi nào có được.
Theo CarBuzz đánh giá những tuyến đường cao tốc dạng này mang lại nhiều lợi thế vì có thể loại bỏ khả năng phương tiện sử dụng động cơ điện phải dừng lại để sạc năng lượng và gây ra tình trạng tắc nghẽn giao thông. Đồng thời, các mẫu xe điện sở hữu bộ pin nhỏ cũng có khả năng di chuyển xa hơn mà không cần phải dừng nghỉ liên tục để sạc pin.
Công nghệ sạc pin trên đường này không chỉ giúp mở rộng phạm vi sử dụng của xe điện mà còn có thể tạo ra những chiếc xe điện rẻ hơn khi chỉ cần bộ pin lưu trữ nhỏ. Người dùng cũng tiện lợi hơn khi không phải phụ thuộc và chờ đợi hàng giờ ở các trạm sạc hiện nay vốn có tốc độ sạc pin chậm.
Theo các nhà nghiên cứu, chỉ cần 25% mạng lưới đường bộ của Thụy Điển được điện khí hóa là đã có thể cho ra phương án hiệu quả nhất, khi đó các trạm sạc không cần phải xây dựng thêm bởi xe sạc pin chủ yếu là khi di chuyển trên đường.
Euro News cũng thông tin rằng, Thụy Điển đã hợp tác với Đức và Pháp để chia sẻ kinh nghiệm và kết quả nghiên cứu của mình. Trong khi đó, Anh, Mỹ và Ấn Độ cũng đang nỗ lực để xây dựng được các con đường điện khí hóa như một giải pháp nâng cao độ phủ của xe điện trong tương lai gần.
An Đông (T/h)