Dùng xơ dừa để chống xói mòn ở nhiều vùng duyên hải trên thế giới

  • Cập nhật: Thứ sáu, 17/3/2023 | 2:57:10 PM

QLMT - Xơ dừa đang được sử dụng trong các dự án bảo vệ bờ biển từ New Jersey (Mỹ) cho tới các hòn đảo ở Indonesia. Loại vật liệu 'khiêm tốn' này nhận được sự quan tâm rất lớn của các chuyên gia bảo tồn.

Từ duyên hải bang New Jersey tại Mỹ đến các đảo của Indonesia, hàng rào xơ dừa đang được các dự án bảo vệ bờ biển sử dụng. Xơ dừa là nguyên liệu chi phí thấp, bền vững, sẵn có ở cả quốc gia đang phát triển lẫn quốc gia giàu có nên đóng vai trò quan trọng trong xu hướng dùng vật liệu tự nhiên chống xói mòn thay vì rào cản cứng bằng gỗ, thép hay bê tông.

Với dự án do tổ chức American Littoral Society thực hiện trên địa bàn thị trấn Neptune của New Jersey, xơ dừa gia cố đáng kể bờ biển đã bị xói mòn nghiêm trọng kể từ khi bị siêu bão Sandy tàn phá nặng nề năm 2012.

Giám đốc điều hành American Littoral Society - Tim Dillingham cho biết: "Chúng tôi cố gắng làm giảm sức mạnh sóng biển bằng giải pháp tự nhiên bất cứ khi nào có thể. Xơ dừa luôn sẵn có, đặc biệt ở quốc gia đang phát triển, lại cũng tương đối rẻ hơn các loại vật liệu cứng khác”.

Hàng rào xơ dừa được làm từ sợi xơ dừa kéo thành dạng thảm hoặc bó thành từng khúc, vài nơi kết hợp xơ dừa với lưới đánh cá bỏ đi. Xơ dừa sẽ phân hủy sinh học theo thời gian, nhưng trước khi phân hủy chúng có thể giúp vài loại cây cỏ ven biển sinh trưởng.



Các khúc gỗ từ xơ dừa được lắp đặt bên bờ sông Shark ở Neptune, New Jersey. Ảnh: AP.

Người ta đặt hạt giống vài loại cây cỏ vào trong hàng rào xơ dừa. Xơ dừa giữ cố định cho hạt giống bén rễ và phát triển, cuối cùng xơ dừa phân hủy để lại lớp thực vật dọc bờ biển thực hiện nhiệm vụ chống xói mòn.

Tại thành phố Boston của bang Massachusetts, giáo sư Julia Hopkins (Đại học Northeastern) dùng xơ dừa kết hợp dăm gỗ cùng vài vật liệu khác tạo ra nhiều tấm thảm nổi làm giảm sức mạnh sóng biển, cũng như thúc đẩy phát triển thảm thực vật thủy sinh. Bà hài lòng với kết quả thu được.

Hai dự án ở thành phố East Providence (bang Rhode Island) và Vịnh Jamaica (bang New York) cũng dùng các khúc xơ dừa bảo vệ bờ biển.

Bán đảo Cape Cod (Massachusetts) năm ngoái triển khai dự án tương tự. Sở Tài nguyên - Môi trường bang Delaware cấp kinh phí thiết lập hàng rào bảo vệ dùng vật liệu tự nhiên trong đó có xơ dừa. Một dự án ở thành phố Austin (Texas) ghi nhận tình trạng xói mòn suy giảm và thảm thực vật duyên hải bản địa phát triển mạnh từ năm 2009 đến 2014.

Indonesia - quốc gia sản xuất dừa lớn nhất thế giới - chắc chắn không bỏ qua loại vật liệu bền vững này. Chương trình Hải dương học Viện Công nghệ Bandung năm 2018 sử dụng trấu dừa (ủ từ xơ dừa) xây tường chắn biển ở làng Karangjaladri tỉnh Tây Java. Cư dân đảo Diogue của Senegal cũng sử dụng công trình bằng gỗ, lá dừa và gậy để cải tạo phần bãi biển bị xói mòn.

Tuy nhiên, không phải lúc nào dùng xơ dừa cũng hiệu quả. Năm 2016, khu bảo tồn động vật hoang dã Felix Neck ở Edgartown (Massachusetts) trên Vườn nho Martha đặt hàng rào xơ dừa tại đầm phá Sengekontacket - nơi xảy ra xói mòn trong vài năm trước. Hàng rào giúp giảm xói mòn một thời gian nhưng không thể tồn tại lâu do sóng mạnh.

"Xơ dừa bị cuốn đi nhiều lần. Chúng tôi đặt hàng rào vài năm và quyết định không dùng tới nữa. Dự án rất thú vị, tuy nhiên đây không phải giải pháp cho mọi địa điểm”, giám đốc khu bảo tồn Suzan Bellincampi cho biết.

Tương tự, xơ dừa được dùng trên đảo Chapel của Canada cũng bị hư hại bởi thời tiết xấu.

Hải Đăng (T/h)


Tags Xơ dừa Chống xói mòn Vùng duyên hải

Các tin khác

Việc thu gom rác thải trên sông không chỉ cải thiện môi trường nước mà còn ngăn chặn rác thải nhựa từ đất liền đổ ra biển.

Ngày 18/9, tại Hà Nội, Báo Đại biểu nhân dân tổ chức tọa đàm “Tăng cường kiểm soát nguồn thải, quản lý chất thải rắn để cải thiện môi trường”.

Nồng độ khí metan (CH4) trong bầu khí quyển Trái đất đã tăng với tốc độ kỷ lục trong 5 năm qua. Ít nhất 2/3 lượng khí metan phát thải hằng năm đến từ các hoạt động của con người, bao gồm việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch, nông nghiệp và từ các bãi chôn lấp rác thải.

Việc trải qua cơn bão có điểm dị thường như Yagi khiến chúng ta đặt câu hỏi liệu trong tương lai sẽ xuất hiện những cơn bão như vậy không và giải pháp ứng phó với các cơn bão lớn như thế nào.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục