Những năm gần đây, các nhà nghiên cứu Nhật Bản đang nỗ lực tìm ra các phương pháp nhằm giảm lượng khí methane do bò thải ra, bởi đây được coi là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sự nóng lên toàn cầu.
Dự án do ông Kobayashi Yasuo - Giáo sư trường Cao học Nông nghiệp thuộc Đại học Hokkaido đứng đầu, phối hợp với Tổ chức Nghiên cứu nông nghiệp và thực phẩm quốc gia và Viện Khoa học vật liệu quốc gia Nhật Bản thực hiện, với mục tiêu giảm 80% lượng phát thải methane từ bò vào năm 2050.
Dạ dày bò có bốn ngăn để tiêu hóa và hấp thu thức ăn, trong đó có khoảng 7.000 loại vi khuẩn giúp làm mềm và phân hủy cỏ, cũng như các loại thức ăn thô khác. Trong dạ cỏ - ngăn đầu tiên và lớn nhất, quá trình phân hủy và lên men của vi sinh vật tạo ra khí hydro, sau đó chuyển hóa thành khí methane nhờ các vi khuẩn.
Ảnh minh hoạ (Nguồn: Internet)
Theo các nhà khoa học, khí methane thải ra từ ợ hơi của bò gây ra hiệu ứng nhà kính lớn hơn khoảng 25 lần so với khí CO2. Cụ thể, lượng phát thải methane hàng năm của một con bò tương đương với lượng phát thải của 1,7 chiếc ô tô.
Một số nghiên cứu trước đây đã chứng minh rằng, khi trộn thức ăn cho bò với dầu chiết xuất từ vỏ hạt điều, khí hydro được tạo ra sẽ chuyển hóa thành axit propionic thay vì methane, do đó giúp giảm đến 20% lượng khí thải nhà kính.
Dự án mới do Giáo sư Kobayashi Yasuo đứng đầu hiện đang thử nghiệm các loại thức ăn khác nhau cho bò, như rong biển và dầu thực vật, nhằm tìm ra chế độ ăn có khả năng giảm lượng khí thải hiệu quả.
Để tìm hiểu rõ về thời điểm bò sản xuất khí methane nhiều nhất, nhóm nghiên cứu đang lên kế hoạch phát triển một máy cảm biến nhỏ hình trụ, dài khoảng 10cm, đặt trong dạ dày của bò để thu thập dữ liệu hoạt động của vi khuẩn vào năm 2030.
Trong bước cuối cùng, hệ thống này dự kiến sẽ sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để phân tích dữ liệu và tự động phân phối nguồn thức ăn giúp ức chế methane vào thời điểm tối ưu.
Theo Tổ chức nông lương Liên hợp quốc (FAO), gia súc chăn nuôi để làm thực phẩm đóng góp tới 5,8% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính mỗi năm. Nếu tính tổng cộng các khâu sản xuất, chế biến và vận chuyển thức ăn chăn nuôi, con số này thậm chí lên đến 14,5%. Trong đó, hoạt động chăn nuôi bò thải ra khí methane và oxit nitơ (NOx) - hai nguồn khí chính gây ra sự nóng lên toàn cầu.
An Đông (T/h)