Audi và dự án tái chế ô tô đầy triển vọng trong tương lai

  • Cập nhật: Thứ sáu, 3/3/2023 | 4:03:36 PM

QLMT - Ở dự án này, Audi sẽ cùng các đối tác tập trung vào việc tiết kiệm các vật liệu có giá trị, tái sử dụng chúng cho hoạt động sản xuất nhằm giảm thiểu tác động mà quy trình chế tạo ôtô gây ra cho môi trường.

Chuyên trang Electrek cho biết Audi đang từng bước chứng minh việc chuyển hóa những chiếc xe cũ thành ôtô mới là hoàn toàn khả thi thông qua dự án có tên MaterialLoop. Các bộ phận và chi tiết trên xe Audi cũ sẽ được tái chế thành nguyên liệu phục vụ dây chuyền sản xuất ôtô mới.

Theo đó, dự án ra đời nhằm mục đích  "đóng vòng lặp” của các vật liệu quen thuộc đang được sử dụng trong ngành công nghiệp chế tạo ôtô, bao gồm thép, nhôm, nhựa và thủy tinh. Sau tái chế, các vật liệu nói trên sẽ được mang trở lại dây chuyền sản xuất ôtô mới và do vậy, giảm thiểu đáng kể lượng khí thải và chất thải ra môi trường.



Audi sử dụng nguyên liệu tái chế từ ôtô cũ để sản xuất xe mới. Ảnh: Electrek.

Theo dữ liệu do EPA công bố, ôtô chạy xăng phát thải khoảng 4,6 tấn CO2 mỗi năm. Tuy nhiên, các phương tiện này thậm chí đã gây ô nhiễm từ trước khi được xuất xưởng, và có thể lưu lại ảnh hưởng xấu rất lâu đến sức khỏe của "hành tinh xanh" dù đã kết thúc vòng đời.

Trên thực tế, việc sản xuất các loại vật liệu như nhôm, thép, nhựa và thủy tinh có thể tạo ra lượng khí thải carbon đáng kể theo thời gian. Ước tính của IEA cho biết lượng phát thải tạo ra từ quy trình sản xuất thép thô có thể rơi vào khoảng 1,39 tấn CO2 trên mỗi tấn thép thành phẩm.

Mặc dù cường độ phát thải CO2 trực tiếp đã được kéo giảm trong vài năm qua, IEA khẳng định sự cần thiết của việc "cắt giảm đáng kể” lượng khí thải này mới có thể đi đúng lộ trình không phát thải hoàn toàn (Net Zero) mà thế giới hướng đến vào năm 2050.

Do vậy, nhiều thương hiệu ôtô, nhà bảo vệ môi trường cũng như những chuyên gia hoạch định chính sách đã phát triển các ý tưởng về nền kinh tế tuần hoàn trong ngành công nghiệp ôtô. Nói một cách dễ hiểu, họ tìm cách tái chế các bộ phận ôtô cũ thành nguyên liệu phục vụ dây chuyền sản xuất xe mới.

Trong số đó, Audi đã công bố hợp tác cùng 15 đối tác khác nhau trong lĩnh vực cung cấp nguyên liệu, nghiên cứu và tái chế trong một dự án mang tên MaterialLoop.

Ở dự án này, Audi sẽ cùng các đối tác tập trung vào việc tiết kiệm các vật liệu có giá trị, tái sử dụng chúng cho hoạt động sản xuất nhằm giảm thiểu tác động mà quy trình chế tạo ôtô gây ra cho môi trường.

Hồi tháng 10/2022, Audi thông báo dự án MaterialLoop đã hoàn tất việc tháo rời bộ phận trên 100 ôtô đã qua sử dụng của hãng.

Sau khi tháo rời, những phụ tùng nói trên được phân loại thành từng nhóm riêng biệt bao gồm thép, nhôm, nhựa và kính. Từ đây, các đối tác của Audi sẽ tiến hành thử nghiệm trên từng nhóm nguyên liệu nhằm kiểm tra khả năng tái sử dụng.

Trang tin Automobilwoche cho biết kết quả dự án MaterialLoop của Audi nhìn chung tương đối khả quan. Cụ thể, đã có hơn 85% thép và hơn 60% nhôm từ những chiếc xe Audi cũ có thể được tái chế. Số nguyên liệu này đủ tiêu chuẩn để tiếp tục được sử dụng trong dây chuyền sản xuất các mẫu xe mới của hãng trong tương lai.

Hiện, Audi đang sử dụng thép tái chế để sản xuất các phụ tùng cửa xe cho khoảng 15.000 ôtô tại nhà máy ở thành phố Ingolstadt (Đức).

Audi cũng xác nhận đang nghiên cứu về khả năng tái sử dụng thủy tinh dùng cho cửa kính ôtô trong một dự án riêng biệt. Cụ thể, các cửa kính ôtô hư hỏng sẽ được đập thành từng mảnh nhỏ trước khi đưa vào quy trình nấu chảy.

Trên thực tế, Audi cho biết loại thủy tinh tái chế này đã được sử dụng trong dây chuyền sản xuất kính cho mẫu SUV điện Audi Q4 e-tron. Ngoài ra, Audi xác nhận đã thiết lập một quy trình tái sử dụng chất thải nhựa để hướng đến sản xuất hàng loạt trên Audi Q8 e-tron.



Kính xe Audi Q4 e-tron được làm từ kính xe cũ tái chế. Ảnh: Audi.

Chuyên trang Electrek nhận định việc sử dụng nguyên liệu thô tái chế trong dây chuyền sản xuất ôtô sẽ mang đến lợi ích cho mọi người. Khi đó, lượng phát thải được kéo giảm, chi phí sản xuất cũng thấp hơn.

Ngoài ra, khi ngành công nghiệp ôtô đang bước trên hành trình điện hóa, việc tái chế các chi tiết và phụ tùng ôtô cũ sẽ là chìa khóa để đảm bảo nguồn cung nguyên liệu.

Vĩnh Hải (T/h)

Tags Audi Dự án tái chế ô tô Triển vọng tương lai

Các tin khác

Việc thu gom rác thải trên sông không chỉ cải thiện môi trường nước mà còn ngăn chặn rác thải nhựa từ đất liền đổ ra biển.

Ngày 18/9, tại Hà Nội, Báo Đại biểu nhân dân tổ chức tọa đàm “Tăng cường kiểm soát nguồn thải, quản lý chất thải rắn để cải thiện môi trường”.

Nồng độ khí metan (CH4) trong bầu khí quyển Trái đất đã tăng với tốc độ kỷ lục trong 5 năm qua. Ít nhất 2/3 lượng khí metan phát thải hằng năm đến từ các hoạt động của con người, bao gồm việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch, nông nghiệp và từ các bãi chôn lấp rác thải.

Việc trải qua cơn bão có điểm dị thường như Yagi khiến chúng ta đặt câu hỏi liệu trong tương lai sẽ xuất hiện những cơn bão như vậy không và giải pháp ứng phó với các cơn bão lớn như thế nào.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục