QLMT - Với mục đích góp phần làm rõ thành phần hóa học và đánh giá được giá trị hoạt tính sinh học của các hợp chất phân lập từ loài dây mật, làm cơ sở quan trọng cho phát triển các sản phẩm từ nguồn nguyên liệu đã và đang được trồng phổ biến ở nước ta, TS. Bùi Thị Thu Trang và nhóm nghiên cứu Viện Hóa sinh biển dưới sự hướng dẫn của PGS.TS. Nguyễn Xuân Nhiệm đã tiến hành đề tài: “Nghiên cứu thành phần hóa học và hoạt tính sinh học của loài dây mật (Derris elliptica (Wall.) Benth)”, (mã số: GUST.STS.ĐT2020-HH12).
Mục tiêu của nhóm nghiên cứu nhằm xác định được một số thành phần hóa học chính của loài dây mật. Đồng thời, đánh giá được hoạt tính kháng vi sinh vật kiểm định và hoạt tính ức chế sản sinh NO trên tế bào RAW264.7 của các hợp chất phân lập từ loài dây mật.
Loài dây mật ở nước ta được gọi với một số tên như dây mật, thuốc cá. Đây là loài cây phân bố chủ yếu ở miền Nam nước ta và tương đối dễ trồng. Trong đời sống, người dân thường sử dụng rễ của loài này trong đánh bắt cá hoặc loại bỏ các loài cá tạp trong ao hồ hoặc đầm nuôi tôm. Bên cạnh đó, loài này cũng được sử dụng để tiêu diệt côn trùng phá hoại thực vật, diệt sâu bọ cho súc vật. Theo các nghiên cứu đã được công bố, rễ loài này có chứa các hợp chất rotenoid, tiêu biểu là rotenone, là những hoạt chất có tác dụng kháng sâu bệnh. Kết quả này giải thích cho việc sử dụng bột rễ hoặc cao chiết giàu hàm lượng rotenone của dây mật như một loại thuốc trừ sâu sinh học để xua đuổi côn trùng và bảo vệ cây trồng.
Loài Derris elliptica
Hiện nay, loài dây mật được trồng khá phổ biến ở một số tỉnh phía Nam của nước ta để lấy rễ cung cấp trên thị trường. Bên cạnh rotenone, các loài trong chi Derris còn chứa rất nhiều các hợp chất rotenoid khác ví dụ như các hợp chất prenylated flavonoids. Các dạng hợp chất này đều là những chất có tiềm năng cao về hoạt tính sinh học bên cạnh tác dụng trừ sâu. Đến nay, các nghiên cứu đã chỉ ra hoạt tính sinh học chính của chi Derris như sau: diệt trừ sâu bệnh trong nông nghiệp, làm thuốc đánh bắt cá, chống ung thư, gây độc tế bào, chống oxy hóa, kháng viêm và sát trùng.
Rotenone và một số chế phẩm đã được sử dụng
Kết quả, nhóm nghiên cứu đã phân lập được 20 hợp chất từ phần thân của loài D. Elliptica. 17 trong tổng số 20 hợp chất phân lập đã được xác định cấu trúc hoá học, trong đó có 7 hợp chất mới lần đầu được công bố. Hoạt tính kháng vi sinh vật kiểm định của 17 hợp chất đã xác định cấu trúc được đánh giá hơn 7 chủng vi sinh vật kiểm định gồm ba chủng vi khuẩn Gram(–), ba chủng Gram(+) và một chủng Nấm men. Kết quả cho thấy 13 hợp chất thể hiện tốt tác dụng kháng nấm, một vài hợp chất thể hiện tác dụng chọn lọc trên một hoặc một vài chủng vi sinh vật thử nghiệm. Đánh giá hoạt tính kháng viêm của các hợp chất đã xác định cấu trúc dựa trên khả năng ức chế sản sinh NO ở tế bào RAW264.7, kết quả cho thấy ba hợp chất rotenoid mới đều thể hiện hoạt tính tốt.
Từ kết quả nghiên cứu này, nhóm nghiên cứu mong muốn tiếp tục mở rộng các nghiên cứu sâu hơn, nghiên cứu ứng dụng từ loài dây mật theo định hướng kháng nấm hoặc kháng khuẩn và nghiên cứu thêm về các hoạt tính sinh học khác như hoạt tính kháng sâu bệnh, gây độc tế bào ung thư đối với 3 hợp chất rotenoid có cấu trúc mới.
Đề tài được Hội đồng nghiệm thu cấp viện do GS.TS Vũ Đình Lãm – Giám đốc Học viện Khoa học và Công nghệ làm Chủ tịch hội đồng nghiệm thu, ngày 27/9/2022, đánh giá cao kết quả đạt được với hai bài báo quốc tế trên danh mục SCIE, một bài báo đăng trên tạp chí Scopus, hỗ trợ đào tạo hai kỹ sự và được xếp loại xuất sắc.
Chu Thị Ngân
Trung tâm Thông tin – Tư liệu
Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam
Tags
Loài dây mật
hoạt chất sinh học
kháng sâu bệnh
Việc thu gom rác thải trên sông không chỉ cải thiện môi trường nước mà còn ngăn chặn rác thải nhựa từ đất liền đổ ra biển.
Ngày 18/9, tại Hà Nội, Báo Đại biểu nhân dân tổ chức tọa đàm “Tăng cường kiểm soát nguồn thải, quản lý chất thải rắn để cải thiện môi trường”.
Nồng độ khí metan (CH4) trong bầu khí quyển Trái đất đã tăng với tốc độ kỷ lục trong 5 năm qua. Ít nhất 2/3 lượng khí metan phát thải hằng năm đến từ các hoạt động của con người, bao gồm việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch, nông nghiệp và từ các bãi chôn lấp rác thải.
Việc trải qua cơn bão có điểm dị thường như Yagi khiến chúng ta đặt câu hỏi liệu trong tương lai sẽ xuất hiện những cơn bão như vậy không và giải pháp ứng phó với các cơn bão lớn như thế nào.