Đánh giá lợi ích kinh tế và sức khỏe khi giảm ô nhiễm không khí

  • Cập nhật: Thứ tư, 15/2/2023 | 5:17:24 PM

QLMT - Tình trạng ô nhiễm không khí đang diễn ra tại Việt Nam, đặc biệt là ở hai đại đô thị là TP.HCM và Hà Nội, sẽ ảnh hưởng như thế nào đến các lợi ích kinh tế và sức khỏe của người dân?

Với câu hỏi này, nhóm nghiên cứu gồm các nhà khoa học Việt Nam và Thái Lan, đã tìm cách định lượng tác động của tình trạng ô nhiễm không khí tại TP.HCM, dựa trên cơ sở dữ liệu về ô nhiễm năm 2019. Kết quả được họ công bố trên tạp chí Hygiene and Environmental Health Advances "Assessment of health and economic benefits of reducing fine particulate matter (PM2.5) concentration in Ho Chi Minh City, Vietnam”.

Trong nghiên cứu này, họ đi sâu vào tìm hiểu gánh nặng bệnh tật của bụi PM2.5 và sử dụng chương trình BenMAP-CE, một phần mềm nguồn mở tính toán giá trị kinh tế của ô nhiễm không khí liên quan đến tử vong và bệnh tật để ước tính lợi ích sức khỏe, kinh tế theo ba kịch bản được kiểm soát nồng độ trung bình hằng năm của PM2.5, dựa trên hướng dẫn của WHO về nồng độ trung bình bụi PM2.5 (5µg/m3) cũng như tiêu chuẩn trung bình hằng năm của Việt Nam 25µg/m3.




Tình trạng ô nhiễm không khí ở TP.HCM. Nguồn: Báo Lao động

Để có đầu vào cho mô hình này, các nhà nghiên cứu sử dụng dữ liệu thu thập từ hai trạm quan trắc ô nhiễm ở trung tâm TP.HCM, một là nguồn Tổng lãnh sự quán Mỹ tại TP.HCM và một là dữ liệu của trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐHQG TP.HCM. Trong trường hợp những ngày không có dữ liệu, họ đã thay thế bằng ngoại suy từ nồng độ của ngày hôm trước và ngày hôm sau. Tuy nhiên về tổng thể, họ có dữ liệu về tình trạng ô nhiễm bụi PM2.5 trong 361 ngày (mất mát 1,4% dữ liệu). Với số liệu này, họ đã tính toán ra nồng độ trung bình của bụi PM2.5 trong năm 2019 là 28,9µg/m3. So sánh với tiêu chuẩn hằng ngày của Việt Nam, 7% ngày trong năm 2019 vượt qua tiêu chuẩn.

Các nhà nghiên cứu đã xác định được ba kịch bản ô nhiễm: 1) nồng độ PM2.5 tương đương với hướng dẫn năm 2021 của WHO (5µg/m3); 2) nồng độ PM2.5 ở mức hướng dẫn của WHO năm 2005 (10 µg/m3); 3) nồng độ PM2.5 ở mức tiêu chuẩn của Việt Nam (25µg/m3).

Với kịch bản thứ nhất, lợi ích sức khỏe mà TPHCM có được là có thể thể tránh được 1. 877trường hợp tử vong do mắc các bệnh liên quan đến bệnh tim mạch, bệnh đường hô hấp, ung thư phổi. Kịch bản thứ hai cho thấy, lợi ích sức khỏe của việc tránh tử vong là 1.278 trường hợp. Với kịch bản thứ ba, con số này là 128 trường hợp. Các số liệu này thấp hơn so với kết quả nghiên cứu ở Bangkok, nơi có nồng độ bụi PM2.5 không có nhiều khác biệt (TP.HCM là 28.9µg/m3 còn Bangkok là 27.9µg/m3). Một trong những nguyên nhân có thể giải thích cho điều này là tổng số lượng trường hợp tử vong vì mọi nguyên nhân ở Bangkok năm 2017 (46.000) lớn hơn so với tổng lượng tử vong vì mọi nguyên nhân ở TP.HCM năm 2019 (28.000).

Không khí càng sạch thì càng thu được nhiều lợi ích kinh tế. Ở cả ba kịch bản kiểm soát bụi PM2.5trong năm 2019 ở TPHCM có thể là từ 2,4 đến 3,7 tỉ USD (kịch bản 1), 2,1 đến 3,1 tỉ USD (kịch bản 2) và 841 đến 1.276 triệu USD (kịch bản 3). So sánh với tổng sản phẩm quốc nội trên địa bàn (GRDP) của TPHCM trong năm 2019 là 58,3 tỉ USD, các lợi ích kinh tế liên quan chiếm từ 4,1% – 6,3% (kịch bản 1), 3,6% – 5,3% (kịch bản 2) và 1,4% đến 2,2% GRDP.

Tuy vậy, các nhà nghiên cứu cho rằng cũng có một số giới hạn trong nghiên cứu này, đó là dữ liệu về tình trạng ô nhiễm không khí với các nguồn cung cấp có thể khác biệt nhau. Hai trạm quan trắc ô nhiễm đều đặt ở trung tâm thành phố, xung quanh là nhà dày đặc, đường phố nhỏ, mật độ dân số cao trong khi các quận ngoại thành đều có xu hướng thấp hơn.

Mặt khác, chất lượng sổ tử vong A6 – tài liệu báo cáo nguyên nhân tử vong theo sổ A6-YTCS – cũng là thách thức đối với việc tính toán tỷ lệ tử vong. Một tỷ lệ lớn các trường hợp tử vong không rõ nguyên nhân đã ảnh hưởng đến độ chính xác của tỷ lệ tử vong do các nguyên nhân cụ thể. Giá trị của tuổi thọ thống kê là một thách thức khác vì Việt Nam chưa có nghiên cứu nào để tính toán nó.

Theo Thanh Hương/Tia Sáng

Tags Lợi ích kinh tế Sức khoẻ Giảm ô nhiễm môi trường

Các tin khác

Việc thu gom rác thải trên sông không chỉ cải thiện môi trường nước mà còn ngăn chặn rác thải nhựa từ đất liền đổ ra biển.

Ngày 18/9, tại Hà Nội, Báo Đại biểu nhân dân tổ chức tọa đàm “Tăng cường kiểm soát nguồn thải, quản lý chất thải rắn để cải thiện môi trường”.

Nồng độ khí metan (CH4) trong bầu khí quyển Trái đất đã tăng với tốc độ kỷ lục trong 5 năm qua. Ít nhất 2/3 lượng khí metan phát thải hằng năm đến từ các hoạt động của con người, bao gồm việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch, nông nghiệp và từ các bãi chôn lấp rác thải.

Việc trải qua cơn bão có điểm dị thường như Yagi khiến chúng ta đặt câu hỏi liệu trong tương lai sẽ xuất hiện những cơn bão như vậy không và giải pháp ứng phó với các cơn bão lớn như thế nào.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục