Phát triển loại mũ bảo hiểm mới thân thiện với môi trường

  • Cập nhật: Thứ năm, 5/1/2023 | 4:43:04 PM

QLMT - Mới đây Công ty khởi nghiệp Quantum của Nhật Bản đã phát triển một loại mũ bảo hiểm được làm từ nhựa thân thiện với môi trường kết hợp với vỏ sò điệp tái chế.

Làng Sarufutsu Hokkaido là một trong những vùng nuôi sò điệp hàng đầu của Nhật Bản. Năm 2021, việc xuất khẩu vỏ sò sang các nước khác để tái sử dụng đã kết thúc. Hậu quả là vỏ sò chất đống trong làng, trở thành núi rác khổng lồ. Tuy nhiên, trước tác động của rác thải biển cùng việc nơi này thải ra gần 40.000 tấn vỏ sò mỗi năm, người dân tại đây đã tìm kiếm giải pháp để có thể bảo vệ đại dương.

Vỏ sò điệp hay bất kỳ loại vỏ sò nào cũng có tác dụng bảo vệ con vật khỏi kẻ săn mồi. Sử dụng mô phỏng sinh học cùng với quy trình thiết kế bền vững, một nhóm các nhà nghiên cứu và thiết kế tại Nhật Bản cũng đã sáng tạo ra mũ bảo hiểm từ vỏ sò điệp bỏ đi, giúp bảo vệ phần đầu của mọi người khi tham gia giao thông.

Công ty khởi nghiệp Quantum của Nhật Bản chú ý đến núi vỏ sò điệp thải bỏ tại bãi rác ở làng Sarufutsu và đề xuất cùng làng và công ty TBWA HAKUHODO thực hiện biện pháp xử lý là tái chế vỏ sò điệp, biến chúng thành những chiếc mũ bảo hiểm nhẹ và chắc chắn mà người lao động có thể sử dụng hàng ngày.

Họ quyết định hợp tác với công ty hóa chất Koushi Chemical đặt trụ sở tại Osaka để phát triển sáng kiến biến vỏ sò thành một loại vật liệu đặc biệt, tận dụng lượng vỏ sò bỏ đi khổng lồ. Vật liệu được đặt tên là "Karastic”, ghép từ chữ "殻 – Kara – Vỏ sò” và "Plastic – Nhựa”. Loại vật liệu này sau đó được chuyển đến cho xưởng thiết kế Quantum để tạo ra những chiếc mũ bảo hiểm lấy cảm hứng từ các đường gân trên vỏ sò. Tên gọi "Hotamet” của chiếc mũ bảo hiểm đặc biệt này cũng được ghép từ "帆立  – Hotate – Sò điệp” và "Helmet – Mũ bảo hiểm” trong tiếng Anh. Kết quả, HOTAMET - mũ bảo hiểm làm từ nhựa thân thiện với môi trường và vỏ sò điệp tái chế đã ra đời.



Mũ bảo hiểm Hotamet được làm từ vỏ sò bỏ đi. Ảnh: spoon-tamago.com

HOTAMET được thiết kế theo kiểu mô phỏng sinh học và giúp giảm rác thải biển. Mũ bảo hiểm sử dụng những đường gờ và dốc của vỏ sò để nhắc nhở người đội rằng vật dụng trên đầu làm từ vỏ sò tái chế. Chiếc mũ cũng được làm phồng lên để phù hợp với đầu người. Việc sử dụng vỏ sò làm vật liệu duy nhất không tối ưu, do đó, các chuyên gia đã bổ sung nhựa thân thiện với môi trường để mang lại đặc tính cứng chắc và nhẹ.

Mũ bảo hiểm vỏ sò điệp chỉ nặng khoảng 400 gram. Nhóm chế tạo tin rằng việc ứng dụng cấu trúc gờ nổi đặc biệt của vỏ sò, độ bền của mũ bảo hiểm sẽ tăng khoảng 30% so với hình dạng thông thường. Chiếc mũ có thể sử dụng trong nhiều trường hợp khác nhau như phòng chống thiên tai, lái xe đạp và làm việc tại công trường.

Theo ông Shintaro Kadota, thiết kế trưởng tại Quantum chia sẻ: "Hình dạng vỏ sò của HOTAMET không chỉ trông bắt mắt mà còn hữu dụng. Từ phát triển vật liệu đến thiết kế, chúng tôi hướng tới việc tạo ra những sản phẩm bền vững và thân thiện với môi trường. Mũ bảo hiểm nhẹ, chắc chắn và có thiết kế đơn giản. Do đó, bạn có thể sử dụng trong thời gian dài với nhiều tình huống khác nhau”.

Hotamet không chỉ thân thiện với môi trường mà còn bền và nhẹ hơn so với mũ bảo hiểm nhựa thông thường, lại giúp giảm lãng phí đúng theo triết lý Mottainai của người Nhật.

Hiện tại Hotamet đã có mặt trên thị trường thông qua trang web gây quỹ cộng đồng Makuake. Trước đó, Nhật Bản đã ban hành quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi đi xe đạp từ tháng 4/2023, do vậy, sự xuất hiện của Hotamet sẽ giúp người tiêu dùng có thêm một lựa chọn mới mẻ, cá tính mà lại thân thiện với môi trường.

Hải Đăng (T/h)

Tags Phát triển Loại mũ bảo hiểm Thân thiện với môi trường

Các tin khác

Việc thu gom rác thải trên sông không chỉ cải thiện môi trường nước mà còn ngăn chặn rác thải nhựa từ đất liền đổ ra biển.

Ngày 18/9, tại Hà Nội, Báo Đại biểu nhân dân tổ chức tọa đàm “Tăng cường kiểm soát nguồn thải, quản lý chất thải rắn để cải thiện môi trường”.

Nồng độ khí metan (CH4) trong bầu khí quyển Trái đất đã tăng với tốc độ kỷ lục trong 5 năm qua. Ít nhất 2/3 lượng khí metan phát thải hằng năm đến từ các hoạt động của con người, bao gồm việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch, nông nghiệp và từ các bãi chôn lấp rác thải.

Việc trải qua cơn bão có điểm dị thường như Yagi khiến chúng ta đặt câu hỏi liệu trong tương lai sẽ xuất hiện những cơn bão như vậy không và giải pháp ứng phó với các cơn bão lớn như thế nào.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục