Các quốc gia ở Bắc bán cầu đang phải vật lộn với các đợt nắng nóng khủng khiếp, cháy rừng và hạn hán khắc nghiệt, trong đó có Trung Quốc. Việc nhiệt độ thường xuyên vượt ngưỡng 40 độ C (104 độ F) ở tỉnh Tứ Xuyên trong suốt 2 tháng qua khiến mực nước sông Dương Tử, con sông dài nhất châu Á, chạm mức thấp kỷ lục. Tình trạng được Bộ Tài nguyên nước Trung Quốc đánh giá là "ảnh hưởng xấu đến an ninh nguồn nước uống của người dân nông thôn, gia súc, cũng như sự phát triển của cây trồng".
Để giải quyết tình trạng hạn hán kéo dài, Trung Quốc quyết định điều động máy bay không người lái khổng lồ để để gieo mưa nhân tạo tại Tứ Xuyên. Quyết định này của quốc gia tỷ dân được đưa ra giữa đợt nắng nóng tồi tệ nhất trong vòng 6 thập kỷ.
Hệ thống làm mưa nhân tạo được nghiên cứu từ những năm 1940 bởi các nhà khoa học tại General Electric, sau đó ứng dụng lần đầu làm vũ khí chiến đấu của quân đội Mỹ. Trong quá trình đó, thanh iot bạc, iot kali hoặc đá khô sẽ được bắn vào các đám mây nhờ máy bay phản lực hoặc máy bay không người lái để hình thành các tinh thể băng. Các tinh thể này giúp mây ngưng tụ, từ đó tạo ra mưa.
Tất nhiên, để tạo được mưa nhân tạo, bản thân bầu trời đã phải có sẵn mây để bắn các iot bạc. Điều này lý giải vì sao Bắc Kinh hiện vẫn đang gặp khó khăn trong việc tạo mưa. Những khu vực cần nước nhất tại đại lục hiện lại không có đủ mây để quá trình gieo mưa được thực hiện. Con người không thể tạo ra những đám mây mưa từ không khí loãng.
Được biết nỗ lực đầu tiên trong việc gieo mây nhân tạo được thực hiện bởi các nhà khoa học Mỹ vào những năm 1940. Ngày nay, phương pháp này được sử dụng ở nhiều quốc gia khác nhau trên thế giới, trong đó điển hình là Trung Quốc. Quốc gia này đã từng một lần gieo mây nhân tạo để tạo mưa trước Thế vận hội mùa hè 2008.
Nga cũng áp dụng phương pháp này trước những kỳ nghỉ lễ lớn để đảm bảo chúng không bị phá hỏng bởi thời tiết. Vào năm 2016, nước này chi 86 triệu rúp (1,44 triệu Euro) cho việc gieo mây để kỳ nghỉ tháng Năm được diễn ra khô ráo.
Ngoài Trung Quốc, Mỹ cũng đang sử dụng phương pháp tạo mây nhân tạo, gần đây nhất là đối với các bang miền Tây bị ảnh hưởng đặc biệt nặng nề bởi hạn hán, chẳng hạn như Idaho và Wyoming.
Tuy nhiên, hệ thống tạo mưa nhân tạo đang vướng phải nhiều tranh cãi vì những tác động tiêu cực lên môi trường. Nhiều chuyên gia cũng lo ngại rằng liệu việc gieo mây có thực sự là một ý tưởng hay, bởi nếu chúng có thể mang lại mưa cho khu vực này thì sẽ không thể mang lại mưa cho khu vực khác nữa.
Giáo sư vật lý ứng dụng tại đại học Harvard David Keith, người chuyên nghiên cứu khoa học, công nghệ và khí hậu cho biết: "Nếu bạn tạo mưa, bạn đang vô hình chung làm giảm lượng mưa ở hạ lưu.”
Ấn Độ đang thử nghiệm gieo mưa nhân tạo (Nguồn: Getty Images)
Jose Miguel Vinas, nhà khí tượng học của Meteored, một công ty Tây Ban Nha điều hành các trang web về thời tiết cho biết: "Gieo mây quy mô lớn là một thử nghiệm nguy hiểm có thể nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng tôi và dẫn đến những hậu quả không mong muốn. Nếu muốn giảm tác động của hạn hán hoặc bão trong bối cảnh trái đất nóng lên như hiện nay, chúng ta nên đầu tư vào các biện pháp thích ứng và giảm thiểu.”
Ngoài ra, theo chuyên gia về nông nghiệp Kondala Murali Mohan, công nghệ tạo mưa nhân tạo sẽ dẫn đến tình trạng axit hóa đại dương, suy giảm tầng ôzôn và làm tăng mật độ khí CO2 trong khí quyển. Tạo mưa nhân tạo chỉ là một phương pháp tạm thời, không thể sử dụng trong thời gian dài.
Tuy nhiên, đáp lại, các cơ quan khí tượng học và nhà nghiên cứu Trung Quốc lại khẳng định công nghệ tạo mưa nhân tạo không tác động xấu đến môi trường. Chất hóa học tạo mưa thường được rải ở các khu vực có diện tích lớn nên hàm lượng iot bạc chỉ chiếm rất nhỏ, không đủ để phá hủy hệ sinh thái như nhiều người thường nghĩ.
Thiên Bảo (T/h)