Ngày 29/9, với sự hỗ trợ của Đại sứ quán Na Uy tại Hà Nội, Tổ chức nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp Na Uy (SINTEF) phối hợp với Hiệp hội Xi măng Việt Nam (VNCA) đã tổ chức Hội thảo Đồng xử lý các nhiên liệu thay thế và nguyên liệu thô trong ngành xi măng tại Việt Nam.
Hội thảo Đồng xử lý các nhiên liệu thay thế và nguyên liệu thô trong ngành xi măng tại Việt Nam
Theo kết quả nghiên cứu của SINTEF, việc sử dụng chất thải nhựa không thể tái chế làm nhiên liệu thay thế cho lò nung xi măng đã được chứng minh thành công và có thể được nhân rộng ở Việt Nam. Đặc biệt phương pháp đồng xử lý trên không làm tăng phát thải dioxin trong khi vẫn tuân thủ các giá trị giới hạn quốc tế nghiêm ngặt nhất.
TS Kåre Helge Karstensen đến từ SINTEF cho biết, ngành công nghiệp xi măng hiện đang sử dụng khối lượng lớn than và các nguyên liệu thô khác. Tuy nhiên, chúng ta có thể thay thế một phần hoặc toàn bộ lượng nhiên liệu này này bằng chất thải nhựa không thể tái chế.
Việc đồng xử lý chất thải nhựa không thể tái chế trong lò nung xi măng có thể cải thiện việc quản lý loại chất thải này ở Việt Nam. Đây có thể coi là một giải pháp hiệu quả làm giảm tiêu thụ than trong ngành công nghiệp xi măng, đồng thời giảm nhu cầu xây dựng các lò đốt phát điện đắt tiền và nhất là biến chất thải thành năng lượng. Quan trọng hơn, ngành công nghiệp xi măng nói chung có thể đóng một vai trò quan trọng trong giảm lượng phát thải khí nhà kính và ngăn chặn chất thải nhựa đổ vào đại dương.
PGS TS Lương Đức Long tại VNCA cho biết, Việt Nam có 82 lò nung clanhke đang hoạt động, mỗi năm tiêu thụ trên 10 triệu tấn than antraxit. Hiện nay, tỷ lệ sử dụng nhiên liệu thay thế trong toàn ngành Xi măng là rất thấp. Chính phủ Việt Nam có chủ trương tăng lượng sử dụng nhiên liệu thay thế lên mức 15% từ nay đến 2030 và 30% sau năm 2030. Như vậy, tiềm năng đồng xử lý chất thải, trong đó có nhựa không tái chế được, trong lò nung xi măng ở Việt Nam là rất lớn.
Tuy nhiên các chuyên gia cho rằng hiện vẫn còn một số thách thức, các doanh nghiệp gặp khó khăn về nguồn vốn đầu tư cho đồng xử lý chất thải. Ở Việt Nam có rất ít hoặc chưa có đơn vị chuyên thực hiện việc thu gom, xử lý sơ bộ chất thải và cung cấp đến nhà máy xi măng, một số bất cập về thủ tục pháp lý về xác nhận các nhà máy xi măng áp dụng đồng xử lý là cơ sở xử lý chất thải hoặc thiếu các chính sách khuyến khích, ưu đãi đối với các doanh nghiệp xi măng áp dụng phương pháp này cũng như thiếu chính sách đối với các doanh nghiệp thu gom, sơ chế chất thải trong chuỗi cung ứng liên quan...
Việc thực hiện đồng xử lý an toàn trong ngành Xi măng cần có thời gian và phụ thuộc vào nhiều yếu tố, điều kiện của các địa phương, quốc gia. Trước hết, phải có khung pháp lý và các quy định, công ty xi măng và nhà điều hành đồng xử lý phải có đủ năng lực, kiến thức, đủ thiết bị, các giấy phép liên quan, phải có sự đồng tình ủng hộ của chính quyền địa phương, trung ương và phải có một sân chơi bình đẳng cho tất cả các bên tham gia trong "thị trường quản lý chất thải”.
Tú Anh