Phân bón hữu cơ từ phụ phẩm chế biến cá tra

  • Cập nhật: Thứ bảy, 24/9/2022 | 10:03:50 AM

QLMT - Nhằm góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tận thu nguồn phế phẩm, phụ phẩm của quá trình sản xuất, ThS Nguyễn Văn Tính và các cộng sự thuộc Công ty TNHH Mai Thiên Thanh đã nghiên cứu, sản xuất thành công phân bón hữu cơ từ các phế phẩm trong quá trình chế biến cá tra trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.

Sau 3 năm thực hiện (5/2020-5/2022), dự án đã hoàn thành tốt các mục tiêu đề ra, đó là hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất phân hữu cơ, xây dựng mô hình xưởng sản xuất phân hữu cơ với quy mô 9.900 tấn sản phẩm/ năm và sản xuất thành công phân hữu cơ đạt chất lượng tốt.

Quy trình sản xuất phân hữu cơ từ phụ phẩm cá tra có các công đoạn chính gồm: thu gom vận chuyển bùn → tiếp nhận nguyên/phụ liệu → phối trộn → ủ lên men → ủ chín → nghiền → sàng → ép viên → đóng bao. Công thức phù hợp để sản xuất phân hữu cơ từ phụ phẩm cá tra và nguồn phế liệu phổ biến của địa phương được nhóm nghiên cứu đề xuất đó là: 

- Công thức 1: 60% bùn + 10% tro trấu + 10% than + 20% phế phẩm cá tra; 
- Công thức 2 gồm: 65% bùn + 10% tro trấu + 10% than + 15% phế phẩm cá tra; 
- Công thức 3 gồm: 60% bùn + 10% tro trấu + 10% than + 5% trấu nghiền +15% phế phẩm cá tra). 

Kết quả phân tích các chỉ tiêu về độ ẩm, chất hữu cơ và tỷ lệ giữa hợp chất carbon và nitơ (C/N) cho thấy, thành phần hỗn hợp đạt độ ẩm từ 55-60% và tỷ số C/N 25-30 là tối ưu nhất cho quá trình sản xuất phân hữu cơ.

Mô hình xưởng sản xuất phân hữu cơ từ phụ phẩm cá tra với quy mô 9.900 tấn sản phẩm/ năm được xây dựng trên khu đất có diện tích hơn 3,5 ha thuộc Công ty TNHH Mai Thiên Thanh được UBND tỉnh Đồng Tháp phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường trước khi đưa vào vận hành sản xuất. Mọi hoạt động sản xuất được thực hiện trong nhà xưởng nên kiểm soát tốt các điều kiện môi trường và không bị tác động của thời tiết… Nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ của Công ty TNHH Mai Thiên Thanh đã được Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phân bón theo Giấy chứng nhận số 0275/GCN-BVTV-PB ngày 7/10/2020.

Phân bón hữu cơ từ phụ phẩm cá tra
Phân hữu cơ Mai Thiên Thanh được sản xuất từ phụ phẩm cá tra

Trong quá trình triển khai, dự án đã tổ chức sản xuất thử nghiệm 612,5 tấn phân bón hữu cơ đạm cá từ nguồn phụ phẩm của các nhà máy cá tra kết hợp với phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp và bổ sung chế phẩm vi sinh. Sản phẩm được xây dựng và hoàn thiện hệ thống hồ sơ, tài liệu quản lý chất lượng và môi trường trong sản xuất theo tiêu chuẩn ISO 9001:2015 và ISO 14001:2015 và được Cục Bảo vệ Thực vật công nhận lưu hành theo 3 công thức sản xuất nói trên. 

Dự án đã thử nghiệm phân bón sản xuất được trên 3 cây trồng chủ lực tại Đồng Tháp là lúa, ớt và quýt. Kết quả cho thấy, mô hình thử nghiệm trên cây ớt (1.000 m2), sử dụng kết hợp 2 tấn/ha phân hữu cơ đạm cá giúp giảm 40% phân vô cơ, gia tăng lợi nhuận từ 21-26 triệu đồng/ha so với chỉ bón phân hóa học; mô hình thử nghiệm trên 1.000 m2 lúa, sử dụng kết hợp 1 tấn/ha phân hữu cơ đạm cá giúp giảm 30% phân vô cơ và gia tăng lợi nhuận từ 3,4-3,8 triệu đồng/ha (tăng khoảng 15%); mô hình thử nghiệm trên cây quýt (3.000 m2, trồng 3 năm tuổi), sử dụng kết hợp 3 tấn/ha phân hữu cơ đạm cá giúp giảm 30% phân vô cơ và gia tăng giá trị lợi nhuận từ 4,2-9,6 triệu đồng/ha. Bên cạnh đó, dự án đã tổ chức thành công các khóa tập huấn, hội thảo đầu bờ để giới thiệu các kỹ thuật liên quan đến việc sử dụng phân hữu cơ trên một số đối tượng cây trồng chủ lực của tỉnh Đồng Tháp và 2 tỉnh lân cận là An Giang và Tiền Giang.

Lâm Hà (T/h)

Tags phân bón hữu cơ phụ phẩm chế biến cá tra phế phẩm

Các tin khác

Việc thu gom rác thải trên sông không chỉ cải thiện môi trường nước mà còn ngăn chặn rác thải nhựa từ đất liền đổ ra biển.

Ngày 18/9, tại Hà Nội, Báo Đại biểu nhân dân tổ chức tọa đàm “Tăng cường kiểm soát nguồn thải, quản lý chất thải rắn để cải thiện môi trường”.

Nồng độ khí metan (CH4) trong bầu khí quyển Trái đất đã tăng với tốc độ kỷ lục trong 5 năm qua. Ít nhất 2/3 lượng khí metan phát thải hằng năm đến từ các hoạt động của con người, bao gồm việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch, nông nghiệp và từ các bãi chôn lấp rác thải.

Việc trải qua cơn bão có điểm dị thường như Yagi khiến chúng ta đặt câu hỏi liệu trong tương lai sẽ xuất hiện những cơn bão như vậy không và giải pháp ứng phó với các cơn bão lớn như thế nào.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục