Biến đổi khí hậu, phát thải khí nhà kính từ các hoạt động sản xuất đang khiến Việt Nam khó khăn hơn khi tiếp cận mục tiêu thiên niên kỷ là đảm bảo phát triển kinh tế trong môi trường mang tính bền vững.
Bởi trong khi xu hướng phát triển năng lượng xanh trên thế giới, trong đó có điện gió ngoài khơi là giải pháp đột phá, thì Việt Nam vẫn chưa định hình loại hình này.
Nguồn tài nguyên năng lượng tái tạo vô tận
Trữ lượng các nguồn tài nguyên hóa thạch như than đá, dầu mỏ, khí đốt chỉ còn vài thập niên nữa sẽ cạn kiệt, loài người sẽ lâm vào nguy cơ khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng. Vì vậy, nhiều nước trên thế giới đã tận dụng và phát triển năng lượng gió - nguồn tài nguyên vô tận và dồi dào.
Theo đánh giá của Tổ chức Năng lượng quốc tế (IEA), tài nguyên điện gió toàn cầu có tiềm năng đạt 420.000 TWh hàng năm, nhiều gấp 18 lần nhu cầu hiện tại của toàn thế giới.
Kể từ năm 1991, khi dự án điện gió ngoài khơi đầu tiên trên thế giới được xây dựng tại Vindeby (Đan Mạch) với 11 tuabin 450 kW, tổng công suất 5 MW tại độ sâu 4m gần bờ và đã được tháo dỡ vào năm 2017, vòng đời của dự án điện gió ngoài khơi kéo dài khoảng 25 năm. Gần đây, các dự án điện gió ngoài khơi có công suất lên đến vài GW, với tuabin lớn đến 12 MW và tại các độ sâu gần 200m và xa bờ hơn 100 km.
Trước năm 2016, giá thành đầu tư 1 MWh điện gió lên đến 200USD, gần đây với sự hoàn thiện pháp lý và công nghệ, giá thành đã giảm mạnh còn 50-100USD/1MWh.
Thị trường điện gió ngoài khơi gia tăng liên tục hàng năm ở mức khoảng 30%. Hiện có khoảng 150 trang trại gió biển lớn đang hoạt động, đặc biệt tăng mạnh năm 2018 tại Anh, Đức, Đan Mạch, Mỹ, Trung Quốc. Châu Âu cũng đã lắp đặt được 20 GW điện gió ngoài khơi và có chính sách hỗ trợ để gia tăng gấp 4 lần lên 80 GW vào năm 2030. IEA dự báo đến năm 2040, điện gió ngoài khơi trên toàn cầu sẽ có số vốn đầu tư phát triển khoảng 1.000 tỷ USD, với tốc độ tăng trưởng công suất lắp đặt hàng năm 13%.
Hiện nay tổng các nhà máy điện của Việt Nam 40 GW đang hoạt động với các nguồn chính là thủy điện, nhiệt điện than và cơ bản đang dần cạn kiệt. Trong khi đó, theo đánh giá của Ngân hàng thế giới (WB), nước ta có tiềm năng 475 GW điện gió ngoài khơi tại vùng biển có độ sâu nhỏ hơn 200m.
Vì vậy, với tiềm năng điện gió ngoài khơi gấp nhiều lần công suất hiện có, có thể đáp ứng nhu cầu điện năng hiện tại và tương lai. Vùng ven biển, đặc biệt vùng phía Nam có diện tích rộng khoảng 142.000km2 với độ sâu từ 60m, có tiềm năng phát triển điện gió rất tốt. Các số liệu khảo sát đều cho thấy tốc độ gió vùng này ở độ cao 100m đạt 7-10m/s.
Hiện trang trại gió biển Bạc Liêu với công suất 100 MW đã hoạt động cung cấp khoảng 300 triệu kWh/năm, và tới năm 2025 lên tới 1.000 MW (3 tỷ kWh/năm). Nhìn chung, các trang trại tuabin gió tại Bạc Liêu đã hoạt động tốt, mang lại hiệu quả kinh tế cao, cơ hội thu hồi vốn khoảng hơn 10 năm, so với tuổi thọ tuabin 50 năm, đóng góp ngân sách cho địa phương đạt 76 tỷ đồng/năm.
Siêu dự án Thăng Long ngoài khơi Bình Thuận, với công suất 3,4 GW đang trong quá trình nghiên cứu khả thi. Nếu dự án này hoàn thành trước năm 2030 sẽ mang lại vị thế "cường quốc điện gió ngoài khơi” cho Việt Nam.
Cần quy hoạch không gian biển và khung pháp lý môi trường
Ngày 11-2-2020, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết 55-NQ/TW về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, với nội dung: "Đối với điện gió và điện mặt trời: Ưu tiên phát triển phù hợp với khả năng bảo đảm an toàn hệ thống với giá thành điện năng hợp lý. Khuyến khích phát triển điện mặt trời áp mái và trên mặt nước. Xây dựng các chính sách hỗ trợ và cơ chế đột phá cho phát triển điện gió ngoài khơi gắn với triển khai thực hiện Chiến lược biển Việt Nam”.
Dự thảo Quy hoạch Điện VIII của Bộ Công Thương đưa ra công suất 16GW điện gió trên bờ và gần bờ, 7GW điện gió ngoài khơi vào năm 2030 và đến năm 2045 sẽ có 122GW tổng công suất điện gió; trong đó điện gió ngoài khơi 66GW. Đây là những mục tiêu khá thách thức và tham vọng, bởi để đạt được các mục tiêu đó, rất cần kịp thời có quy hoạch không gian biển và khung pháp lý về môi trường.
Từ nay đến năm 2030 chỉ còn 8 năm. Trong khi đó, dự án điện gió ngoài khơi cần 7-10 năm để hoàn thành các khâu khảo sát, đo gió, nghiên cứu địa chất, đánh giá khả thi, đánh giá tác động môi trường, thiết kế, sản xuất các cấu phần, xây dựng, lắp đặt. Thực hiện công trình điện gió ngoài khơi rất phức tạp về kỹ thuật, đòi hỏi nguồn đầu tư tài chính rất lớn. Vì thế cần bắt đầu ngay, từ việc cấp phép khảo sát địa chất đến cơ chế chính sách rõ ràng, dài hạn.
Theo ước tính, tới năm 2050 Việt Nam có thể sử dụng nguồn tài nguyên điện gió ngoài khơi để đáp ứng gần 30% nhu cầu điện, thậm chí có thể cao hơn tùy thị trường cũng như tiến bộ công nghệ. Nhưng, điện gió ngoài khơi cần có quy hoạch dài hạn và khung chính sách rõ ràng, ổn định, đây cũng là điều kiện cần thiết để thu hút đầu tư, khi chi phí cho các dự án này không hề rẻ.
Đơn cử, chỉ riêng khâu đo gió ngoài khơi sẽ tiêu tốn một khoản tài chính rất lớn, khoảng 2 triệu USD/khu vực. Đó là chưa kể chi phí cho các thủ tục hành chính, khảo sát khác, tổng cộng lên đến khoảng 15 triệu USD/dự án.
Do đó, để thực hiện được điều này cần phải có các chính sách quốc gia về điện gió ngoài khơi, như sớm xây dựng chiến lược quốc gia phát triển điện gió ngoài khơi, có quy hoạch không gian biển cho phát triển điện gió ngoài khơi đi kèm với Chiến lược quốc gia về phát triển năng lượng gió biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Bên cạnh đó, cần xây dựng, bổ sung, hoàn thiện được khung thể chế chính sách quốc gia về cấp phép, thẩm định, đánh giá tác động môi trường, giao thuê biển, phát triển các dự án điện gió ngoài khơi và các năng lượng biển khác…
Nhu cầu chuyển đổi năng lượng và công suất dự kiến ghi nhận trong dự thảo Quy hoạch Điện VIII là nền tảng quan trọng thúc đẩy sự phát triển điện gió như một ngành công nghiệp mới. Vấn đề là cần sớm có quy hoạch phát triển dài hạn và cơ chế chính sách phù hợp.
TS. DƯ VĂN TOÁN
Viện nghiên cứu Biển và Hải đảo (Bộ TN-MT)
Theo Báo SGGP