Hệ thống do Chương trình Aus4Innovation của Chính phủ Úc tài trợ giúp quan trắc môi trường rừng ngập mặn tại các vị trí trọng yếu ở tỉnh Cà Mau.
Rừng ngập mặn là một trong những hệ sinh thái quan trọng nhất trên thế giới và là nguồn đa dạng sinh học quý giá của Cà Mau và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Nhờ khả năng lưu trữ carbon lớn và hoạt động như một lá chắn chống lại các điều kiện thời tiết khắc nghiệt, rừng ngập mặn đóng vai trò trung tâm trong việc ổn định điều kiện khí hậu và bảo vệ các cộng đồng ven biển. Nuôi trồng thủy sản trong rừng ngập mặn cũng được coi là một phương thức sản xuất bền vững và có năng suất cao, kết hợp giữa bảo tồn thiên nhiên và phát triển sinh kế. Tuy nhiên, việc nuôi trồng thủy sản trong rừng ngập mặn phụ thuộc rất nhiều vào dòng chảy của thủy triều.
Nếu nước thủy triều bị ô nhiễm, thiếu ôxy, bị nhiễm mặn hoặc thay đổi độ mặn do mưa lớn hay hạn hán thì sẽ gây nên rủi ro cho cả các loài thủy sinh và cây ngập mặn.
Trong bối cảnh đó, Đại học Queensland (Úc) và Công ty Tư vấn & Phát triển Đồng Xanh phối hợp với Phân viện Nghiên cứu Thủy sản Nam Sông Hậu và Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cà Mau triển khai dự án AQUAM. Dự án đã lắp đặt 15 trạm quan trắc môi trường không dây sử dụng công nghệ IoT (Internet vạn vật) tại các vị trí trọng yếu ở tỉnh Cà Mau, giúp nông dân và chính quyền địa phương cập nhật thông tin theo thời gian thực về chất lượng nước và ứng phó kịp thời với những mối nguy.
Ảnh vệ cho thấy vị trí 15 trạm tại các điểm nước trọng điểm ở Cà Mau.
Phát biểu tại hội thảo tổng kết Dự án ngày 16/8, bà Kate Wallace, Quyền Phó Đại sứ Úc, nhận định, "Đây là một ví dụ điển hình về đổi mới sáng tạo giúp giải quyết các thách thức môi trường và cải thiện cuộc sống của mọi người."
"Chúng tôi luôn hoan nghênh các giải pháp đổi mới sáng tạo thích ứng với khí hậu và góp phần giúp người dân có đời sống ổn định mà vẫn đảm bảo gìn giữ môi trường. Các trạm quan trắc do dự án lắp đặt có thể tạo ra tác động rất lớn và có tiềm năng nhân rộng ra các vùng khác ở Đồng bằng sông Cửu Long, những nơi cũng đang phải đối mặt với những thách thức môi trường tương tự. Chúng tôi hy vọng sẽ có sự hợp tác chặt chẽ hơn nữa giữa Việt Nam và Úc để đưa sáng kiến này lên tầm cao mới,” ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, cho biết thêm.
Các trạm quan trắc hoạt động bằng năng lượng mặt trời. Dữ liệu do các trạm thu thập kết hợp với ảnh vệ tinh sẽ là đầu vào của các báo cáo môi trường cho tất cả các bên liên quan.
AQUAM là một trong 12 dự án được tài trợ bởi hợp phần Hợp tác tài trợ của Chương trình Aus4Innovation. Hợp phần này cung cấp hỗ trợ tài chính nhằm nhân rộng các sáng kiến khoa học công nghệ đã được thử nghiệm nhằm giải quyết những thách thức hoặc vận dụng cơ hội mới trong nhiều lĩnh vực trên khắp Việt Nam. Các dự án được tài trợ chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực nông nghiệp và thực phẩm, y tế và quản lý thiên tai và môi trường. Tìm hiểu thêm về các dự án này tại đây.
Chương trình Aus4Innovation khởi động vào năm 2018 với ngân sách 16,5 triệu AUD là chương trình hỗ trợ phát triển được tài trợ bởi Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc (DFAT), đồng tài trợ và quản lý bởi cơ quan khoa học quốc gia của Úc - CSIRO với đối tác chiến lược là Bộ KH&CN Việt Nam. Mục tiêu của chương trình là nhằm củng cố hệ thống đổi mới sáng tạo của Việt Nam, chuẩn bị cho các cơ hội liên quan đến Công nghiệp 4.0, đồng thời giúp hình thành chương trình phát triển về khoa học và công nghệ và đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.
Theo KH&PT
Tags
quan trắc
nước ngập mặn
Cà Mau
Việc thu gom rác thải trên sông không chỉ cải thiện môi trường nước mà còn ngăn chặn rác thải nhựa từ đất liền đổ ra biển.
Ngày 18/9, tại Hà Nội, Báo Đại biểu nhân dân tổ chức tọa đàm “Tăng cường kiểm soát nguồn thải, quản lý chất thải rắn để cải thiện môi trường”.
Nồng độ khí metan (CH4) trong bầu khí quyển Trái đất đã tăng với tốc độ kỷ lục trong 5 năm qua. Ít nhất 2/3 lượng khí metan phát thải hằng năm đến từ các hoạt động của con người, bao gồm việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch, nông nghiệp và từ các bãi chôn lấp rác thải.
Việc trải qua cơn bão có điểm dị thường như Yagi khiến chúng ta đặt câu hỏi liệu trong tương lai sẽ xuất hiện những cơn bão như vậy không và giải pháp ứng phó với các cơn bão lớn như thế nào.