Chính phủ Việt Nam cũng đang yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền rà soát, sửa đổi, bổ sung các chính sách liên quan đến quản lý chất thải, xây dựng, hoàn thiện và ban hành các định mức kinh tế kỹ thuật về thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải... Đồng thời rà soát, đánh giá công nghệ xử lý rác thải hiện có trên địa bàn; Xây dựng, ban hành các cơ chế chính sách khuyến khích thu hút đầu tư các dự án có công nghệ tiên tiến, hiện đại, ít phát thải.
Định hướng chương trình hành động
Bám sát các định hướng của Chính phủ, Tổng công ty Xi măng Việt Nam (VICEM) đã xây dựng Chương trình sử dụng các chất thải phát sinh từ đời sống xã hội và từ các ngành công nghiệp (như rác thải rắn công nghiệp, rác thải nguy hại, chất thải nhựa, rác thải sinh hoạt, bùn thải nạo vét sông hồ, tro xỉ ngành nhiệt điện, xỉ luyện kim…) làm nguyên liệu, nhiên liệu thay thế cho việc sử dụng các tài nguyên thiên nhiên không tái tạo như than đá, đá vôi, đất sét…
Đầu tháng 8/2019, VICEM đã có văn bản đề xuất với Thủ tướng Chính phủ về chương trình nghiên cứu, thử nghiệm xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường và bùn thải, tro xỉ làm nguyên, nhiên liệu thay thế trong sản xuất xi măng tại các công ty thành viên.
Sau khi tổng hợp ý kiến góp ý của các bộ ngành liên quan, tháng 9/2019 Văn phòng Chính phủ đã đồng ý với đề xuất của VICEM về việc nghiên cứu, áp dụng công nghệ để xử lý rác thải, bùn thải và tro, xỉ thay thế nguyên liệu và nhiên liệu trong sản xuất xi măng.
Với sự kiện "Tuyên bố Hà Nội” giữa VICEM và hãng FLSmidth của Đan Mạch, tháng 02/2020 VICEM đã công bố với thế giới về khát vọng, tầm nhìn hướng đến một bước phát triển đột phá trong công nghệ sản xuất xi măng tại Việt Nam với hướng đi mới như đa dạng các nguồn nguyên, nhiên liệu thay thế tận dụng tối đa các nguồn chất thải xã hội thành tài nguyên cho sản xuất xi măng; nhiên liệu mới và công nghệ đốt mới; đột phá trong điều khiển và số hoá quá trình phục vụ thay đổi công nghệ sản xuất; khai phá thêm các tiềm năng về năng lượng tái tạo và phát điện của nhà máy xi măng…
VICEM đã quyết liệt chỉ đạo, định hướng công tác nghiên cứu, thử nghiệm chương trình Đồng xử lý chất thải tại một số dây chuyền sản xuất xi măng nhằm thay thế than cám truyền thống, bao gồm cả: rác công nghiệp rác thải nguy hại, rác thải sinh hoạt theo các giai đoạn: Giai đoạn 1, đốt rác thay thế đạt 20 - 25% nhiệt lượng, sử dụng bùn thải làm nhiên liệu thay thế đến 30% nhiên liệu sét tự nhiên, góp phần sử dụng tiết kiệm tài nguyên không tái tạo. Giai đoạn 2, thay thế được từ 40 - 50% nhiệt lượng (tương ứng 2,2 - 2,8 triệu tấn/năm chất thải công nghiệp hoặc rác thải sinh hoạt qua phân loại; Giai đoạn 3, thay thế trên 50 - 60% nhiệt lượng đốt trong hệ thống lò nung luyện Clinker (tương ứng 2,8 - 3,8 triệu tấn/năm chất thải công nghiệp hoặc rác thải sinh hoạt qua phân loại.
Đổi mới công nghệ từng bước ổn định và phát triển
Theo các quy định hiện hành của Nhà nước, để thực hiện xử lý chất thải trong lò nung xi măng, các đơn vị sản xuất xi măng phải thực hiện các bước công việc được các cấp thẩm quyền chấp thuận (xin vận hành thử nghiệm, đánh giá tác động môi trường, xác nhận công trình bảo vệ môi trường…); đồng thời các đơn vị phải đáp ứng các quy hoạch về bảo vệ môi trường, quy hoạch tỉnh theo Nghị định 40/2019/NĐ-CP và Quy chuẩn QCVN 41: 2011/BTNMT về quy định các đơn vị xử lý chất thải theo vùng đô thị…
Việc Nhà nước chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể và cơ chế, chính sách hỗ trợ chi phí đồng xử lý chất thải cho ngành sản xuất xi măng, nên bên cạnh việc tìm hiểu, áp dụng các quy định chung về lĩnh vực môi trường và xử lý chất thải, Tổng công ty và các công ty thành viên đã phối hợp làm việc cùng các cơ quan có thẩm quyền thực hiện các bước công việc đảm bảo cơ sở pháp lý cụ thể, chi tiết hơn cho quá trình thực hiện.
Từ tháng 9/2019 đến tháng 3/2020, trong giai đoạn đầu thử nghiệm, các nhà máy vẫn đốt rác theo phương pháp thủ công, nguồn cung rác thải chưa đáp ứng được các yêu cầu nghiêm ngặt về chất lượng rác thải của công nghệ sản xuất xi măng nói chung và các công ty thành viên VICEM nói riêng.
Đến tháng 4/2020, một số đơn vị thành viên (NMXM Bình Phước, VICEM Bút Sơn) vận hành hệ thống thiết bị đốt rác bán tự động đã hoạt động ổn định và tăng tỷ lệ đốt rác do nguồn cung cấp cơ bản đã đáp ứng về lượng, tuy nhiên về chất lượng vẫn phải kiểm soát chặt chẽ khi nhập về nhà máy.
Trong giai đoạn đầu thử nghiệm, hầu hết các đơn vị đều gặp khó khăn trong việc vận hành hệ thống chất thải và công đoạn lò nung, thiết bị hoạt động không ổn định, xuất hiện một số sự cố, không đạt các thông số vận hành. Khắc phục từng bước, cải tiến và dần chủ động trong quản lý, vận hành thiết bị, đến nay hầu hết các mô hình đều hoạt động đảm bảo các chỉ tiêu về kỹ thuật, tăng tỷ lệ chất thải để thay thế nguyên, nhiên liệu.
Trong năm 2020, VICEM đã xử lý bùn thải tại 5 dây chuyền thuộc 4 đơn vị sản xuất xi măng: Hoàng Thạch, Bút Sơn, Hạ Long, Hà Tiên 1, với tổng khối lượng 15 nghìn tấn bùn thải. Năm 2021 là hơn 70 nghìn tấn bùn thải, giúp thay thế 3 - 5% nguyên liệu sét. Kế hoạch năm 2022 toàn VICEM xử lý là 86 nghìn tấn bùn thải.
Rác thải công nghiệp thông thường cũng được VICEM xử lý tại 7 dây chuyền thuộc 5 đơn vị sản xuất, với tổng khối lượng rác gần 120 nghìn tấn (năm 2020); hơn 200 nghìn tấn (năm 2021); kế hoạch năm 2022 toàn VICEM xử lý khoảng 276 nghìn tấn rác thải làm nhiên thay thế.
Hiệu quả kinh tế khi thử nghiệm xử lý rác thải ở những dây chuyền xử lý thủ công tiết giảm được chi phí sản xuất từ 3 - 5 nghìn đ/tấn clinker, những dây chuyền xử lý bán tự động tiết giảm chi phí sản xuất từ 8 - 15 nghìn đ/tấn clinker.
VICEM cũng đã nghiên cứu, sử dụng thạch cao nhân tạo thay thế thạch cao tự nhiên. Năm 2020 lượng thạch cao nhân tạo sử dụng là 25 nghìn tấn, năm 2021 thực hiện là 122 nghìn tấn, tăng gần 100 nghìn tấn so với năm 2020; riêng tại VICEM Sông Thao đã sử dụng thạch cao nhân tạo thay thế 100% thạch cao tự nhiên.
Với việc tham gia xử lý rác thải, bùn thải công nghiệp thông thường dùng làm nguyên, nhiên liệu thay thế trong xi măng VICEM đã và đang từng bước hiện thực hoá các quan điểm chiến lược của Chính phủ, Bộ ngành, địa phương thực hiện mục tiêu phát triển ngành vật liệu xây dựng hiệu quả, bền vững và bảo vệ môi trường. Khi tham gia xử lý chất thải VICEM đã thay thế một phần nguyên nhiên liệu hóa thạch bằng các chất thải, giảm lượng phát thải góp phần bảo vệ môi trường và sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên.
Trong quá trình thực hiện xử lý chất thải của VICEM thời gian qua, đã hình thành và phát triển nền tảng mới trong sản xuất, gắn sản xuất với việc xử lý chất thải dùng làm nguyên nhiên liệu thay thế, việc này góp phần không nhỏ để VICEM hoàn thiện quy trình, giải pháp công nghệ và những kiến nghị về cơ chế chính sách trong việc đồng xử lý chất thải.
Với mục tiêu vì một VICEM xanh, phát triển bền vững, thân thiện môi trường, hướng tới sản xuất sản phẩm dựa trên nền tảng kinh tế tuần hoàn, không phát thải. Đây là lĩnh vực mới đối với VICEM, vừa làm vừa nghiên cứu hoàn thiện công nghệ, thiết bị, xây dựng quy trình…
Những kết quả đạt được trong những năm qua là động lực thúc đẩy để VICEM tiếp tục thực thi nhiệm vụ xử lý chất thải trong những năm tiếp theo, nhằm đóng góp cho sự phát triển bền vững, sản xuất gắn với trách nhiệm bảo vệ môi trường và không phát thải.
Theo Tạp chí xây dựng