Độc đáo loại giấy làm từ... phân voi

  • Cập nhật: Thứ năm, 14/7/2022 | 4:09:44 PM

QLMT - Thảo Cầm viên Sài Gòn phối hợp với nhóm sinh viên Trường đại học Công nghệ TP.HCM nghiên cứu và sản xuất ra giấy từ phân voi từ phương pháp thủ công.

Hiện ở Thảo Cầm Viên có 5 chú voi được nuôi và chăm sóc, mỗi ngày 5 chú voi này thải ra khoảng 500kg phân tươi. Trước kia hầu hết chất thải này bỏ đi hoặc ủ phân bón thì nay một phần được tận dụng làm giấy tái chế.


Thu gom phân voi

Ông Mai Khắc Trung Trực, Giám đốc xí nghiệp động vật Thảo Cầm Viên Sài Gòn cho biết, tỷ lệ tiêu hóa lý tưởng để tạo giấy có voi, tê giác và hà mã. Tuy nhiên, hà mã thải dưới nước nên khó thu phân lại, trong khi tê giác có thời gian lưu trữ thức ăn lâu trong cơ thể nên chất thải nặng mùi.


Phân voi nhiều chất xơ, không nặng mùi. 

Trong khi đó, voi là động vật thường ăn ăn mía, rau củ, cỏ và không tiêu hoá hoàn toàn nên phân nhiều chất xơ, không nặng mùi. Do đó, tỷ lệ chất xơ trong phân voi đảm bảo nghiền thành bột, có thể tận dụng làm giấy được. Một số nước đã làm ra giấy thành phẩm có chất lượng tốt.



Từ những quan sát và tính toán trên, Thảo Cầm Viên Sài Gòn đã phối hợp với một số thành viên của Đại học Công nghệ TP.HCM thử nghiệm từ tháng 2/2022, sản xuất thành công giấy làm từ phân voi bước đầu vào tháng 4/2022 và dần cải tiến thành phẩm.



Đối với phân voi sau khi được thu lại sẽ được rửa qua nhiều lần nước sạch, sau khi lọc sạch, phần xơ đem luộc ở 200 độ C trong hai tiếng để loại bỏ vi khuẩn, mùi hôi. Xơ sạch sẽ được mang phơi nắng, trong điều kiện nắng to thì chỉ cần phơi một ngày là xong. Xơ sau khi thu xong sẽ được mang đi xay nhuyễn thành bột xơ. Bột xơ phân sau đó được hòa trộn với bột giấy, bột năng (tỷ lệ bột giấy, bột năng bằng 1/3 bột xơ từ phân voi) tạo thành hỗn hợp nước se giấy làm từ phân voi.



Khuôn giấy sẽ được mang ra phơi trên một lớp vải mỏng được lót trên bề mặt kính để giấy không bị dính. Nếu trời nắng, thì chỉ cần phơi 7 - 8 tiếng đồng hồ là có thể cho ra giấy thành phẩm. Đây là giấy thủ công, hoàn toàn không dùng hóa chất công nghiệp tẩy trắng nên có màu nâu nhạt.



Cũng theo anh Trực, một số nước trên thế giới như Thái Lan, đã làm thành các sản phẩm giấy lưu niệm để bán cho du khách. Tuy nhiên, hiện tại Thảo Cầm Viên không có mục đích sản xuất giấy để cạnh tranh, bán hàng thương mại mà chỉ mong muốn cung cấp giấy cho các đơn vị giáo dục trẻ em, dạy trẻ về kiến thức bảo vệ môi trường, bảo vệ động vật hoang dã cũng như giúp trẻ em biết cách tiết kiệm giấy, bảo vệ môi trường.



Huỳnh Lê Như Ngọc (sinh viên ngành chăn nuôi thú y Trường đại học Công nghệ TP.HCM) chia sẻ: "Nhờ có sự hướng dẫn tận tình của các anh chị trong Thảo Cầm Viên Sài Gòn mà sản phẩm chúng em làm đã tốt hơn rất nhiều. Từ đó, nhóm sẽ cố gắng cải thiện thêm chất lượng của giấy trong thời gian tới, mong rằng những sản phẩm này sẽ được lan tỏa, tạo nên giá trị tích cực trong việc bảo vệ môi trường sống".





Trung bình cứ 1kg chất thải, thu được 400gr bột khô và tạo được khoảng 30 tờ giấy A4. Giấy có màu đục, bề mặt hơi nhám nhưng khá dai, không bị gẫy vụn. Số giấy làm ra chủ yếu được Thảo Cầm Viên dành cho thiếu nhi vẽ tranh, làm thiệp, hình nổi 3D...Hiện tại, giấy từ phân voi vẫn đang được cải thiện chất lượng để cung cấp cho một số đơn vị giáo dục.



Để khuyến khích trẻ hiểu hơn với mô hình trên, Thảo Cầm Viên cũng mở lớp trải nghiệm làm giấy từ phân voi, rèn nhiều kỹ năng cho các bé trong học tập và cuộc sống. Với kinh nghiệm giáo dục vườn thú và giáo dục trải nghiệm 22 năm, đội ngũ giảng viên của Thảo Cầm Viên sẽ giúp phụ huynh yên tâm về giá cả và chất lượng lớp học trong thời điểm "bão giá” như hiện nay.

Theo Tiền Phong

Tags giấy tái chế giấy phân voi Thảo Cầm viên

Các tin khác

Việc thu gom rác thải trên sông không chỉ cải thiện môi trường nước mà còn ngăn chặn rác thải nhựa từ đất liền đổ ra biển.

Ngày 18/9, tại Hà Nội, Báo Đại biểu nhân dân tổ chức tọa đàm “Tăng cường kiểm soát nguồn thải, quản lý chất thải rắn để cải thiện môi trường”.

Nồng độ khí metan (CH4) trong bầu khí quyển Trái đất đã tăng với tốc độ kỷ lục trong 5 năm qua. Ít nhất 2/3 lượng khí metan phát thải hằng năm đến từ các hoạt động của con người, bao gồm việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch, nông nghiệp và từ các bãi chôn lấp rác thải.

Việc trải qua cơn bão có điểm dị thường như Yagi khiến chúng ta đặt câu hỏi liệu trong tương lai sẽ xuất hiện những cơn bão như vậy không và giải pháp ứng phó với các cơn bão lớn như thế nào.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục