Năng lượng xanh: Giải pháp phát triển bền vững cho tương lai

  • Cập nhật: Thứ sáu, 24/6/2022 | 8:57:37 AM

Quy hoạch điện VIII nhấn mạnh việc giảm tối đa các nhà máy nhiệt điện than, giảm tối đa phát thải khí CO2 đồng thời không phát triển thêm nhà máy nhiệt điện than mới sau năm 2030.

Trong dự thảo Quy hoạch điện VIII, Bộ Công Thương đã nghiên cứu phát triển hệ thống điện Việt Nam theo hướng xanh, bền vững, phù hợp với các cam kết tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26).

Đây là thông tin được đưa ra tại Tọa đàm "Chiến lược và hợp tác thúc đẩy chuyển đổi năng lượng cho Việt Nam” do Báo Công Thương tổ chức sáng 22/6, tại Hà Nội.

Áp lực nguồn cung năng lượng hóa thạch

Theo tiến sỹ Nguyễn Ngọc Hưng, Viện Năng lượng (Bộ Công Thương), sau hơn 30 năm đổi mới, thế và lực của Việt Nam đã lớn mạnh hơn song những thách thức về bảo vệ môi trường sinh thái và cam kết quốc tế về ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển bền vững, phát thải ròng bằng "0” vào năm 2050.

Cùng với đó, quá trình đô thị hóa và xây dựng hạ tầng kinh tế-kỹ thuật diễn ra ngày càng mạnh mẽ đồng thời đầu tư trực tiếp nước ngoài ngày càng tăng… trong khi trữ lượng và khả năng cung cấp năng lượng trong nước ngày càng hạn chế và nhu cầu vốn cho phát triển năng lượng ngày càng lớn.

Triển khai cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26 về biến đổi khí hậu

Dẫn ví dụ thực tế, ông Hưng cho rằng xu hướng tham gia của các nguồn năng lượng cơ bản sẽ tiếp tục, cụ thể là giảm tỷ lệ dầu và than, tăng tỷ lệ khí và năng lượng phi carbon. Tỷ lệ năng lượng điện sẽ tăng trong tiêu thụ đầu cuối.

Đặc biệt, thị trường năng lượng quốc tế vẫn còn ở trạng thái bất ổn về nguồn cung và có tính biến động cao đối với giá năng lượng do tác động các yếu tố địa chính trị và các xung đột chính trị.

Trong khi đó, ở trong nước, điểm yếu của ngành là năng lực và trình độ công nghệ còn hạn chế, thiếu cơ sở hạ tầng kỹ thuật và dịch vụ hỗ trợ sửa chữa, bảo dưỡng và thay thế thiết bị. Thêm nữa, hành lang pháp lý tạo đà cho sử dụng hiệu quả năng lượng, năng lượng mới và tái tạo chưa hoàn thiện và thiếu đồng bộ.

Ngoài ra, tỷ lệ nội địa hóa công nghệ ngành năng lượng thấp, thiếu cơ chế hỗ trợ và thúc đẩy nội địa hóa công nghệ. Hơn nữa, thách thức cũng thể hiện ở yêu cầu cung cấp đầy đủ năng lượng, đáp ứng phát triển kinh tế xã hội với mức tăng trưởng cao cùng với thách thức trong thực hiện cam kết tại COP26, cộng với việc nguồn tài nguyên năng lượng sơ cấp truyền thống đang suy giảm nhanh chóng…

"Xu thế chính trong thời gian tới là sử dụng hiệu quả năng lượng; giảm mạnh sử dụng than và sản phẩm dầu mỏ. Bên cạnh đó, sử dụng khí trong công nghiệp cũng tăng, sử dụng nhiên liệu sinh học trong giao thông vận tải, nhiên liệu sinh khối trong phát điện và công nghiệp tăng mạnh; năng lượng mạnh gió và Mặt Trời có tỷ trọng rất cao trong tổng năng lượng sơ cấp,” ông Hưng cho hay.

Trong khi đó, nhu cầu điện năng phục vụ sản xuất và tiêu dùng ngày càng tăng, gây áp lực không nhỏ đến việc đầu tư các nguồn điện mới.

Theo thống kê của Bộ Công Thương, giai đoạn 2011-2020, điện thương phẩm của Việt Nam đã đạt mức tăng trưởng bình quân là 9,6 %/năm. Dự kiến, giai đoạn 2021-2030, mức tăng trưởng điện thương phẩm bình quân sẽ đạt 8,52% ở kịch bản cơ sở và 9,36% ở kịch bản cao.

"Bên cạnh những yếu tố thuận lợi, Việt Nam đồng thời phải thực hiện các giải pháp nhằm giải quyết những khó khăn thách thức trong việc đảm bảo an ninh năng lượng trong điều kiện giảm thiểu các tác động môi trường của hoạt động phát điện, phụ tải tăng trưởng với tốc độ cao gây sức ép lên hạ tầng cơ sở ngành năng lượng, đòi hỏi vốn đầu tư lớn cùng các giải pháp kỹ thuật phức tạp,” đại diện Bộ Công Thương cho hay.

Hướng tới nguồn năng lượng xanh, sạch

Tính đến hết năm 2021, công suất hệ thống điện của Việt Nam đã đạt khoảng 76.620 MW, trong đó thuỷ điện đạt 22.111 MW, nhiệt điện than là 25.397MW, nhiệt điện khí là 7.398MW, công suất điện năng lượng tái tạo đạt khoảng 21.100 MW.

Hiện Việt Nam rất có tiềm năng về năng lượng tái tạo. Tại báo cáo triển vọng năng lượng 2021, mức cung năng lượng sẽ tăng gấp đôi vào năm 2030 và gần gấp 4 vào năm 2050. Năng lượng gió, Mặt Trời và thủy điện chiếm khoảng 75% nguồn cung năm 2050, than sẽ bị loại bỏ vào năm 2050 đồng thời lên kế hoạch điện khí hóa cho tất cả các ngành.


Ông Hoàng Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo phát biểu tại tọa đàm về năng lượng. Ảnh: Đức Duy/Vietnam+

Ông Hoàng Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho biết để đạt các mục tiêu về phát triển kinh tế xanh, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, Chính phủ Việt Nam đã và đang đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi ngành năng lượng theo tinh thần phát huy nội lực đồng thời tăng cường sự hợp tác, hỗ trợ từ các đối tác phát triển; trong đó đã giảm dần nguồn điện sử dụng nhiên liệu hoá thạch, ưu tiên phát triển các nguồn điện năng lượng tái tạo, năng lượng mới và sạch.

Với định hướng này, theo ông Dũng, Việt Nam đã đưa ra nhiều cơ chế chính sách nhằm đạt được mục tiêu chuyển dịch năng lượng bền vững phù hợp với các định hướng chiến lược theo Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị cũng như các cam kết của Chính phủ về phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

"Bộ Công Thương đã xây dựng, triển khai nhiều chương trình kế hoạch; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, tiết kiệm hiệu quả; bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường; đẩy mạnh hợp tác quốc tế thông qua các cuộc gặp gỡ song phương, đa phương nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng tại Việt Nam," ông Hoàng Tiến Dũng nói.

Đáng chú ý, trong dự thảo Quy hoạch điện VIII, Bộ Công Thương đã nghiên cứu phát triển hệ thống điện Việt Nam theo hướng xanh, bền vững, phù hợp với các cam kết tại COP26.

Cụ thể là khai thác tối đa và hợp lý nguồn tài nguyên năng lượng sơ cấp trong nước cho sản xuất điện như nguồn khí tự nhiên, năng lượng tái tạo; giảm tối đa các nhà máy nhiệt điện than với mục tiêu giảm tối đa phát thải khí CO2, không phát triển thêm nhà máy nhiệt điện than mới sau năm 2030, xem xét chuyển đổi một số nguồn điện trong quy hoạch sử dụng than sang sử dụng LNG; các nhà máy nhiệt điện than, khí sẽ chuyển dần sang dùng biomass, amoniac hoặc hydrogen khi các công nghệ đã được kiểm chứng và thương mại hóa...

Lãnh đạo Cục điện lực và Năng lượng tái tạo khẳng định Việt Nam đang triển khai những bước đầu của việc chuyển đổi từ năng lượng truyền thống sang năng lượng tái tạo xanh, sạch hơn. Đây cũng là xu hướng tất yếu giúp đảm bảo một nền kinh tế bền vững.

"Đến nay, Việt Nam đã đạt được kết quả nhất định trong việc gia tăng tỷ lệ nguồn điện tái tạo trong cơ cấu công suất hệ thống điện, đồng thời có kế hoạch phát triển các nguồn điện ít phát thải hơn và chuyển đổi nhiên liệu trong thời gian tới," ông Hoàng Tiến Dũng thông tin thêm.

Tại tọa đàm, ông Sean Lawlor, chuyên gia Năng lượng (Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam) cũng đề xuất cần có một nền kinh tế mang tính chất mới, tăng cường sự chống chịu, tăng cường nền kinh tế sạch để đạt mục tiêu tại COP26.

Cho rằng những thách thức mà Việt Nam phải đối mặt như cơ sở hạ tầng truyền tải điện, ông nhấn mạnh, phía Hoa Kỳ sẽ hỗ trợ Việt Nam nâng cấp hệ thống truyền tải để giảm tắc nghẽn và nâng cấp hệ thống truyền tải 500 kV Bắc-Nam, đồng thời khuyến nghị cơ quan chức năng cần nâng cao vai trò của khối tư nhân trong phát triển điện lực.

"Chúng tôi có bước tiếp cận đa phương để tham gia chặt chẽ với Việt Nam và hoàn toàn hỗ trợ với các mối quan hệ hợp tác với Australia, Nhật thông qua hợp tác song phương về phát triển năng lượng sạch để hỗ trợ cho chuyển đổi năng lượng,” ông Sean Lawlor nói.

Theo Vietnamplus.vn

Các tin khác

Việc thu gom rác thải trên sông không chỉ cải thiện môi trường nước mà còn ngăn chặn rác thải nhựa từ đất liền đổ ra biển.

Ngày 18/9, tại Hà Nội, Báo Đại biểu nhân dân tổ chức tọa đàm “Tăng cường kiểm soát nguồn thải, quản lý chất thải rắn để cải thiện môi trường”.

Nồng độ khí metan (CH4) trong bầu khí quyển Trái đất đã tăng với tốc độ kỷ lục trong 5 năm qua. Ít nhất 2/3 lượng khí metan phát thải hằng năm đến từ các hoạt động của con người, bao gồm việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch, nông nghiệp và từ các bãi chôn lấp rác thải.

Việc trải qua cơn bão có điểm dị thường như Yagi khiến chúng ta đặt câu hỏi liệu trong tương lai sẽ xuất hiện những cơn bão như vậy không và giải pháp ứng phó với các cơn bão lớn như thế nào.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục