Vận hành drone MiSmart phun thuốc trên một cánh đồng. Nguồn: MS
Anh Phạm Thanh Toàn - CEO của MiSmart cho biết: Thời điển anh bắt tay nghiên cứu sản xuất thiết bị bay trong nông nghiệp, một số hãng nước ngoài đã giới thiệu thiết bị này với bà con nông dân. Tuy nhiên, cái khác biệt lớn nhất của một sản phẩm Việt Nam nằm ở việc chúng ta có cơ hội hiểu người nông dân, tập quán canh tác của họ hơn bất cứ doanh nghiệp nước ngoài nào.
Chẳng hạn như đường đi vào những cánh đồng rất nhỏ, gập ghềnh chỉ phù hợp với xe máy chứ không phải oto, lúa ở Việt Nam có thân yếu, drone phải làm thế nào để không làm đổ, làm gãy thân, những cánh đồng hay vùng trồng nhấp nhô, phải phun sao cho đều hay lúa ở giai đoạn đầu và giai đoạn sắp chín sẽ có tốc độ phun khác nhau.... Chưa dừng lại, bên cạnh việc phun thuốc bảo vệ thực vật, tưới phân bón, gieo sạ,… mỗi lần cất cánh, drone của MiSmart còn có nhiệm vụ chụp ảnh khảo sát thăm đồng, lấy đây làm dữ liệu để quản lý mùa vụ, canh tác và theo dõi sinh trưởng, sức khỏe cây trồng.
Đồng hành với anh Phạm Thanh Toàn là TS. Trần Phi Vũ đang làm luận án tiến sỹ chuyên ngành thiết bị bay không người lái tại ĐH New South Wales (Úc). Là người phụ trách thiết kế, TS. Trần Phi Vũ đã đưa ra nhiều bản thiết kế, với các lựa chọn khác nhau về mô hình, động cơ, vật liệu, thiết kế cánh quạt, bố trí vòi phun.. Mỗi drone có mục đích sử dụng khác nhau sẽ có cách thiết kế và lựa chọn thuật toán khác nhau. Để drone nhẹ hơn, họ chọn vật liệu sợi carbon fiber, nhẹ hơn nhôm và có khả năng nâng được vật nặng lên tới 22kg. Drone có ba chế độ là tự động, bán tự động hoặc bằng tay, được thiết kế chống bụi, chống nước và có thể gấp gọn gàng lại gần một nửa thể tích.
Sau thời gian nghiên cứu, MiSmart đã cho ra đời sản phẩm là chiếc drone có thiết kế cao 0,54m, với sáu hệ thống vòi phun, bay ở độ cao 3,2m và dải phun từ 6-8m. MiSmart có hai dạng phun là phun áp lực (nước được đưa xuống thẳng đứng) và phun ly tâm (nước tỏa đều ra xung quanh). Vòi phun áp lực phù hợp với dạng thuốc bột còn phun ly tâm thì thích hợp với dạng nước và có nhược điểm là ngốn pin nhanh hơn do phải cung cấp điện cho các vòng quay ly tâm.
Sau ba năm phát triển, đến nay MiSmart đã có hai phiên bản với dung tích bình tối đa drone có thể mang là 20 và 30 lít. Ngoài cell pin, mô tơ hay cánh quạt phải nhập khẩu, phần còn lại đều được nội địa hóa, tỷ lệ lên tới 70%.
Anh Toàn giải thích: "MiSmart sử dụng thiết kế khí động nằm trên khung hình elip thay vì hình tròn như thường thấy, rất phù hợp với việc di chuyển tới – lui. Vì thế, khi phun hết một làn, thay vì bay ngược trở lại, drone tự động chuyển làn rồi bay ngược lại ở làn phun bên cạnh”.
Mỗi drone bay lên, không chỉ hoàn thành việc gieo hạt, tưới nước hay phun thuốc bảo vệ thực vật, mà một lượng dữ liệu lớn cũng được camera ghi lại và gửi về trung tâm dữ liệu để phân tích.
Điều này giúp giảm thiểu hư hỏng của drone đến mức tối đa nhờ luôn nắm rõ hoạt động của drone. Trong khi đó, công nghệ đa quang phổ sẽ đưa ra phân tích về chỉ số thực vật NDVI để nhận định, cây khoẻ mạnh hay đang có bệnh. Những vùng có màu xanh đậm là cây khoẻ mạnh, nếu màu xanh nhạt, tức là diệp lục kém, cây đang có bệnh. Từ kết quả đó người nông dân nhận diện, khoanh vùng cây bệnh. Những thử nghiệm trên cây lúa cho thấy, drone ‘bắt bệnh” cho cây đúng lên tới 70-80%.
Đến nay, drone của MiSmart đã thực hiện hàng nghìn chuyến bay trên những cánh đồng lúa hay vùng trồng lúa, trồng cây ăn quả, cây hoa màu, cây lâu năm ở miền Tây, khu vực Trung bộ như Quảng Trị, Nghệ An. So với việc phun tay, drone giúp tiết kiệm 80% lượng nước, 30% lượng thuốc trừ sâu và tăng 1,2-1,3 lần so với việc phun bằng tay.
Bắc Lãm (T/h)