Ảnh hưởng của các đập thủy điện tới dòng chảy sông Cửu Long

  • Cập nhật: Thứ bảy, 4/6/2022 | 9:58:41 AM

QLMT - Phù sa ảnh hưởng rất lớn hệ sinh thái của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Ngày nay, lượng phù sa tại đây đang bị chi phối bởi các đập thuỷ điện thượng nguồn.

Để tìm hiểu ảnh hưởng của các đập thủy điện tới chế độ dòng chảy, phù sa, xâm nhập mặn và xói lở đáy sông ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, TS. Đoàn Văn Bình tại trường Đại học Việt Đức đã thực hiện đã chọn hướng nghiên cứu này từ năm 2016. Hầu hết lượng nước ở sông Cửu Long phụ thuộc vào nguồn ngoài biên giới, cho nên tôi rất muốn tìm hiểu về vấn đề này. Chúng ta phải biết rõ những gì đang xảy ra thì mới tìm được giải pháp phù hợp.


TS. Đoàn Văn Bình trong chuyến khảo sát dọc theo sông Tiền và sông Hậu. Ảnh: NVCC

Có nhiều cách để người ta "đo lường” ảnh hưởng của các con đập tới con sông, trong đó "cách tốt nhất là nghiên cứu chế động dòng chảy, bùn cát ở quãng sông phía trước đập - chế độ hoàn toàn tự nhiên, so với quãng phía sau đập như thế nào”, TS. Đoàn Văn Bình cho biết. Theo hướng này, các nhà nghiên cứu sẽ cần đến số liệu về đập (dung tích hồ, độ cao, chế độ vận hành hồ chứa,...) và các số liệu về lưu lượng, mực nước sông, phù sa, hình thái đáy sông,... Tuy nhiên, việc có được các thông số về đập thủy điện của Trung Quốc - một trong những quốc gia xây dựng nhiều đập lớn nhất trên sông Mekong, gần như bất khả thi. "Vấn đề khó nhất khi nghiên cứu ảnh hưởng của các đập tới đồng bằng sông Cửu Long chính là số liệu”, anh nhận xét.

Nhóm nghiên cứu đã phân tích lưu lượng và mực nước hàng ngày, hàng tháng, hàng năm dọc theo sông Tiền và sông Hậu - hai nhánh chính của sông Mekong khi chảy qua Việt Nam trong giai đoạn 1980-2018 cùng các dữ liệu về tải lượng phù sa hàng năm, độ sâu của sông và nồng độ mặn hàng ngày. Riêng tải lượng phù sa, nguồn dinh dưỡng cho con sông được xem xét kỹ lưỡng hơn với khoảng thời gian dài hơn - 55 năm (1961-2015).

"Bằng nhiều phương pháp thống kê khác nhau, chúng tôi tính toán thấy lượng bùn cát ở đồng bằng sông Cửu Long đã giảm khoảng 74,1% so với giai đoạn trước khi có đập (trước năm 1992). Điều đáng chú ý là sáu đập trên dòng chính ở thượng lưu sông Mekong (đập Mạn Loan, Đại Triều Sơn, Tiểu Loan, Cảnh Hồng, Công Quả Kiều và Nọa Trác Độ đều của Trung Quốc) đã gây ra gần một nửa sự sụt giảm này (40,2%)”, TS. Đoàn Văn Bình cho biết. Tuy nhiên, đập thủy điện không phải là nguyên nhân duy nhất, hoạt động khai thác cát cũng đóng góp khoảng 14,5%.

Do thiếu bùn cát, đáy sông Cửu Long đã bị xói mòn nhanh chóng. Tỉ lệ xói mòn trung bình hàng năm đã tăng hơn ba lần, từ 0,16m/năm (giai đoạn 1998-2014) lên 0,5m (2014-2017). Đáy sông đã bị hạ thấp đến mức, dù lượng nước tăng nhờ mưa hay đập xả nước, thì mực nước sông Cửu Long vẫn giảm đi. "Vào mùa khô ở giai đoạn sau khi có đập, lưu lượng nước trung bình trong tháng 6 tại Tân Châu (sông Tiền) tăng 2% và Châu Đốc (sông Hậu) tăng 4% nhưng mực nước trung bình vẫn lần lượt giảm 12% và 3%”, TS. Bình cho biết. Nếu không có biện pháp kịp thời, theo dự báo của nhóm nghiên cứu, mức độ xói mòn đáy sông Cửu Long đến năm 2026 có thể tăng 17%. Đây cũng là tình trạng chung mà một số con sông lớn ở Việt Nam, tiêu biểu là sông Hồng đang phải đối mặt.

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp và các dự án đập thủy điện ở thượng nguồn sông Mekong vẫn đang gia tăng, tình hình có lẽ sẽ càng bi đát hơn. Việc nhận diện những gì đang và sẽ xảy ra là bước khởi đầu để TS. Đoàn Văn Bình và các cộng sự tiếp tục nghiên cứu sâu hơn, góp phần tìm ra những "lối thoát” cho tương lai.

Hải Thanh (T/h)

Tags sông Cửu Long đồng bằng sông Cửu Long đập thuỷ điện dòng chảy phù sa

Các tin khác

Việc thu gom rác thải trên sông không chỉ cải thiện môi trường nước mà còn ngăn chặn rác thải nhựa từ đất liền đổ ra biển.

Ngày 18/9, tại Hà Nội, Báo Đại biểu nhân dân tổ chức tọa đàm “Tăng cường kiểm soát nguồn thải, quản lý chất thải rắn để cải thiện môi trường”.

Nồng độ khí metan (CH4) trong bầu khí quyển Trái đất đã tăng với tốc độ kỷ lục trong 5 năm qua. Ít nhất 2/3 lượng khí metan phát thải hằng năm đến từ các hoạt động của con người, bao gồm việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch, nông nghiệp và từ các bãi chôn lấp rác thải.

Việc trải qua cơn bão có điểm dị thường như Yagi khiến chúng ta đặt câu hỏi liệu trong tương lai sẽ xuất hiện những cơn bão như vậy không và giải pháp ứng phó với các cơn bão lớn như thế nào.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục