Đề xuất giải pháp quy hoạch và kiến trúc khu vực ngập lụt ở Thành phố Hồ Chí Minh

  • Cập nhật: Thứ ba, 10/5/2022 | 3:13:19 PM

QLMT - Nhà Bè và Cần Giờ là hai huyện của Thành phố Hồ Chí Minh đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi tình trạng nước biển dâng gây xâm nhập mặn, sạt lở đất, dẫn đến ngập lụt xảy ra thường xuyên.

Nhóm nghiên cứu Trường Đại học Tôn Đức Thắng đã thực hiện đề tài "Đánh giá tác động của ngập lụt do biến đổi khí hậu đến nhà ở tại khu vực Nhà Bè, Cần Giờ (Thành phố Hồ Chí Minh), đề xuất giải pháp quy hoạch và kiến trúc nhằm ứng phó”.

Đối với huyện Nhà Bè

Nhóm nghiên cứu đề xuất áp dụng giải pháp sử dụng vỉa hè thẩm thấu nước kết hợp mảng xanh và hồ điều hòa tăng khả năng thoát nước cho khu dân cư, do khả năng thẩm thấu vào đất của nước mưa, lũ đối với đất đô thị chỉ bằng 1/5 so với đất cây xanh tự nhiên.

Các công trình, khu đất nằm trong vùng có nguy cơ ngập lụt phải hạn chế phát triển và bắt buộc có những biện pháp phòng lụt khi cải tạo công trình. Gia tăng không gian cho mặt nước và cây xanh tự nhiên giúp giảm nguy cơ ngập lụt, tạo cảnh quan cho đô thị.

Ngoài ra, cần tôn nền các cụm, tuyến dân cư, xây dựng bờ kè tại các khu vực ven sông bị ngập nặng. Trong đó, thiết kế, xây dựng bờ kè phải đáp ứng đỉnh triều 1,7m.

Cấu tạo mương sinh học và tuyến thẩm thấu Ảnh: NNC

Một giải pháp khác được nhóm nghiên cứu đề xuất là tạo mương sinh học và tuyến thẩm thấu để hình thành hệ thống thu nước ngầm trong lòng đất, bên dưới những tuyến đường giao thông và không gian xanh tự nhiên. Khi bị ngập, nước tràn trên mặt đường sẽ được dẫn hướng chảy qua vỉa hè, đến một hệ thống lọc tự nhiên, hay còn gọi là mương sinh học. Mương sinh học có độ dốc nhỏ từ 1-5%, có thể bao phủ bởi các lớp cỏ cây, thảm thực vật, phân hữu cơ (xử lý chất thải gây ô nhiễm môi trường). Đáy của mỗi mương sinh học được thiết kế chứa nhiều đá và cát để tăng cường khả năng thấm hút. Khi có mưa, nước thấm qua lớp cát đá, rồi chảy xuống cống để thoát ra kênh rạch, giúp nước tiêu thoát nhanh.

Đối với huyện Cần Giờ

Theo TS Ngô Lê Minh, Chủ nhiệm đề tài, cần mở rộng dòng chảy của sông rạch, nạo vét tăng cường độ sâu để có thể chứa nhiều nước hơn. Các con sông, kênh rạch được mở rộng sẽ thuận theo địa hình và dòng chảy tự nhiên, giúp lượng nước lưu thông dễ dàng, thoát nước nhanh và phù hợp với cảnh quan tự nhiên chung của khu vực. Ngoài ra, một khối lượng lớn đất sau quá trình nạo vét, có thể được tận dụng để bồi đắp những khu vực đất trũng lên cao. Giải pháp này mang lại hiệu quả kép cho Cần Giờ trong việc tổ chức mô hình cư trú thích ứng nước biển dâng.

Mô hình nhà sàn nổi cho cụm cư dân. Ảnh: NNC

Nhóm nghiên cứu cũng đề xuất mô hình phát triển quy hoạch kiến trúc nhà ở ngay bên trên mặt nước, tạo thành một mạng lưới cư trú nổi, nhường đất lại cho việc chứa nước. Mô hình bao gồm một dãy nhà kéo dài, nửa trên đất liền, nửa trên mặt nước, hoặc nằm tách bạch hoàn toàn trên mặt nước, liên kết với nhau và với đất liền thông qua hệ thống cầu phao nổi. Riêng những khu đất ở xa bờ sông, có thể xây nhà kiên cố với nền nhà được nâng cao so với mặt đường như nhà sàn, nhà chòi, nhà lõi…

Đề tài nghiên cứu nói trên đã được Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh nghiệm thu. Theo các tác giả nghiên cứu, các giải pháp đề xuất ngoài việc có thể ứng dụng và triển khai tại Thành phố Hồ Chí Minh mà còn có thể áp dụng cho các tỉnh thành lân cận như Long An, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu,…

Tùng Anh (T/h)


Tags giải pháp quy hoạch kiến trúc Nhà Bè Cần Giờ ngập lụt

Các tin khác

Việc thu gom rác thải trên sông không chỉ cải thiện môi trường nước mà còn ngăn chặn rác thải nhựa từ đất liền đổ ra biển.

Ngày 18/9, tại Hà Nội, Báo Đại biểu nhân dân tổ chức tọa đàm “Tăng cường kiểm soát nguồn thải, quản lý chất thải rắn để cải thiện môi trường”.

Nồng độ khí metan (CH4) trong bầu khí quyển Trái đất đã tăng với tốc độ kỷ lục trong 5 năm qua. Ít nhất 2/3 lượng khí metan phát thải hằng năm đến từ các hoạt động của con người, bao gồm việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch, nông nghiệp và từ các bãi chôn lấp rác thải.

Việc trải qua cơn bão có điểm dị thường như Yagi khiến chúng ta đặt câu hỏi liệu trong tương lai sẽ xuất hiện những cơn bão như vậy không và giải pháp ứng phó với các cơn bão lớn như thế nào.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục