TPHCM: Đánh giá tác động và xây dựng giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu

  • Cập nhật: Thứ tư, 20/4/2022 | 2:40:16 PM

Là thành phố có thể bị ảnh hưởng lớn bởi sự biến đổi khí hậu cùng với sự đô thị hóa đang diễn ra nhanh chóng, TPHCM cần sớm có các giải pháp ứng phó chủ động, để phát triển KT – XH bền vững trong thời gian tới.

TPHCM là một trong 10 thành phố hàng đầu trên thế giới có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi BĐKH, xếp thứ 5 về số dân có thể bị ảnh hưởng của BĐKH vào năm 2070. Tính dễ bị tổn thương do BĐKH của TPHCM là mối lo ngại đặc biệt vì nó ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của Việt Nam, khi thành phố này đóng góp tới 23% GDP và 20% tổng vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp.

Trong bối cảnh đó, nhóm tác giả Viện Nhiệt đới môi trường đã nghiên cứu tác động của biến đổi khí hậu tới phân bố dân cư, phát triển cơ sở hạ tầng cấp nước sạch, vệ sinh môi trường vì đây là 3 yếu tố quan hệ chặt chẽ với nhau và ảnh hưởng quyết định đến phát triển an sinh, kinh tế, xã hội. Nghiên cứu đã xây dựng các kịch bản phát đến năm 2030 và 2050.


Dân số tăng cao gây áp lực đối với sự phát triển KT - XH của TPHCM Ảnh: Internet

Theo đó, dự báo dân số ở các quận nội thành mới (2, 7, 9, 12, Bình Tân, Thủ Đức) và các huyện ngoại thành (Bình Chánh, Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè) tiếp tục tăng. Đến năm 2030 sẽ chiếm khoảng 62,60% (gần 7 triệu người) và đến năm 2050 sẽ chiếm khoảng 72,92% (gần 10 triệu người). Trong khi đó, dân số ở các quận nội thành có xu hướng tăng rất chậm hoặc giảm. Đến năm 2050, dân số các quận nội thành cũ chỉ chiếm khoảng 27,08% dân số thành phố. Tổng dân số TPHCM (trừ huyện Cần Giờ) đến năm 2030 vào khoảng 11 triệu người và đến năm 2050 vào khoảng 13 triệu người, chỉ tăng 19,3% so với năm 2030. Sự tăng dân số sẽ gây áp lực đối với hạ tầng cấp nước sạch và vệ sinh môi trường ngày càng tăng, nhất là trong điều kiện chịu tác động do BĐKH.

Nghiên cứu còn cho thấy, đến năm 2030, tổng nhu cầu sử dụng nước của TPHCM khoảng 3 triệu m3/ngày (tăng 46,4% so với hiện nay), đến năm 2050 nhu cầu sử dụng nước khoảng hơn 4 triệu m3/ngày (tăng 28,6% so với năm 2030). Tỷ lệ tăng nhu cầu sử dụng nước trong giai đoạn 2030-2050 giảm so với giai đoạn 2020-2030 là do mức độ tăng dân số trong giai đoạn này thấp và đã thực hiện các giải pháp hạ tỷ lệ thất thoát nước. Áp lực về vệ sinh môi trường cũng có xu hướng chuyển dịch về các quận nội thành mới và các huyện ngoại thành do sự gia tăng dân số và sự quy hoạch, phát triển cơ sở hạ tầng về vệ sinh môi trường là chưa theo kịp tốc độ gia tăng dân số và tốc độ đô thị hóa.


Xây dựng bản đồ tổn thương khí hậu năm 2030 Ảnh: NNC

Nhóm đề xuất, Thành phố cần lồng ghép các yếu tố BĐKH vào các quy hoạch (phát triển kinh tế - xã hội, chung, ngành..), đặc biệt chú trọng vấn đề tăng diện tích mặt nước và mảng xanh đô thị; phòng chống và giảm thiệt hại của ngập lụt. Đồng thời, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong quá trình xử lý và phân phối nước; tăng cường khả năng chống chịu của mạng lưới cấp nước trước các điều kiện thời tiết khắc nghiệt….

Đối với lĩnh vực vệ sinh môi trường, cần giảm áp lực chất thải cho mỗi địa phương bằng giải pháp tăng năng lực thu gom và xử lý chất thải. Ngoài ra, cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, tạo khung pháp lý để khuyến khích và tạo điều kiện pháp lý thuận lợi cho các dự án liên quan đến quy hoạch đô thị, dự án giảm phát thải khí nhà kính, thu hồi khí thải và các dự án hỗ trợ tăng cường năng lực thích nghi với BĐKH cho các khu vực dễ bị tổn thương.

Theo nhóm tác giả, các giải pháp cần được thực hiện trong tương lai gần (khoảng năm 2030-2035) vì nếu chậm, sẽ không đáp ứng được thực tiễn BĐKH.

Đề tài nghiên cứu của nhóm tác giả đã được Sở KH&CN TPHCM nghiệm thu.

Theo KH&PT


Tags TPHCM biến đổi khí hậu thích ứng với biến đổi khí hậu đô thị hóa

Các tin khác

Việc thu gom rác thải trên sông không chỉ cải thiện môi trường nước mà còn ngăn chặn rác thải nhựa từ đất liền đổ ra biển.

Ngày 18/9, tại Hà Nội, Báo Đại biểu nhân dân tổ chức tọa đàm “Tăng cường kiểm soát nguồn thải, quản lý chất thải rắn để cải thiện môi trường”.

Nồng độ khí metan (CH4) trong bầu khí quyển Trái đất đã tăng với tốc độ kỷ lục trong 5 năm qua. Ít nhất 2/3 lượng khí metan phát thải hằng năm đến từ các hoạt động của con người, bao gồm việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch, nông nghiệp và từ các bãi chôn lấp rác thải.

Việc trải qua cơn bão có điểm dị thường như Yagi khiến chúng ta đặt câu hỏi liệu trong tương lai sẽ xuất hiện những cơn bão như vậy không và giải pháp ứng phó với các cơn bão lớn như thế nào.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục