Biến vảy cá thành collagen

  • Cập nhật: Thứ hai, 21/2/2022 | 8:36:00 AM

QLMT - TS. Nguyễn Thúy Chinh và các cộng sự tại Viện Kỹ thuật nhiệt đới thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã tách chiết thành công collagen từ vảy cá nước ngọt, giúp cầm máu vết thương, tái tạo mô và bào chế thuốc hỗ trợ điều trị bệnh gout.

Biến vảy cá thành collagen
Vảy cá có nguồn collagen tương đối dồi dào. Ảnh minh hoạ. ITN

TS. Nguyễn Thúy Chinh cho biết: Vảy cá có nguồn collagen tương đối dồi dào và giải quyết được hầu hết các vấn đề của collagen từ động vật có vú gặp phải. Trong quá trình sơ chế, vảy cá vốn được xem là phế phẩm của các khu chợ dân sinh hay nhà máy chế biến. Với sản lượng cá rô phi hằng năm ở Việt Nam khoảng 50 ngàn tấn (chiếm 2,2% tổng sản lượng thủy sản nuôi) và hàng trăm nghìn tấn cá chép các loài thì nghiên cứu này vừa tận dụng phế phẩm, hạn chế gây ô nhiễm môi trường vừa thu được nguồn collagen có chất lượng tốt phục vụ cho lĩnh vực y sinh.

Collagen thu được có cấu trúc dạng sợi, đường kính sợi 0,5-1 micromet, các sợi collagen tập trung thành bó sợi, kích thước 2,5-4 micromet. Đại diện nhóm nghiên cứu cho biết, đây là đặc trưng của collagen loại 1, loại collagen phổ biến trong cơ thể người và rất quan trọng cho việc chữa lành vết thương, tạo độ co giãn, đàn hồi và giữ sự liên kết giữa các mô với nhau.

Nhóm nghiên cứu đặt ra mục tiêu ứng dụng collagen thu được như chất mang ứng dụng trong việc điều trị giảm axit uric trong máu và dùng làm vật liệu tái tạo mô và chữa lành vết thương.

Thử nghiệm trên chuột được tiến hành tại Học viện Quân y, kết quả thu được khiến nhóm nghiên cứu nhận thấy hiệu quả rõ rệt của collagen thu được từ vảy cá. Cụ thể, với nhóm chỉ dùng gạc thường thì nhóm chuột được sử dụng gạc màng collagen, thời gian cầm máu giảm một nửa, trong khi đó, với cùng một kích thước vết thương, sau bảy ngày, nhóm sử dụng màng collagen có diện tích vết thương nhỏ hơn khoảng 8% so với nhóm chỉ sử sử dụng gạc thông thường.

Với thử nghiệm sử dụng collagen từ vảy cá làm chất mang allopurinol giúp định hướng ứng dụng điều trị giảm axit uric trong máu, tác nhân gây bệnh gout, nhóm nghiên cứu cũng nhận được kết quả khả quan. Sau 24 tiếng, thử nghiệm trên ba nhóm chuột: nhóm chỉ uống nước muối sinh lý, nhóm dùng allopurinol không có collagen làm chất mang và nhóm dùng allopurinol có collagen làm chất mang, kết quả cho thấy, nồng độ axit uric trong máu của nhóm dùng allopurinol có collagen làm chất mang thấp nhất, thấp hơn khoảng 14% so với nhóm dùng allopurinol không có collagen làm chất mang và thấp hơn khoảng 23% so với nhóm chỉ dùng nước muối sinh lý.

Theo TS. Nguyễn Thúy Chinh, collagen từ vảy cá có khả năng tương thích với cơ thể cao và không gây hại cho cơ thể người. 

Hiện nhóm nghiên cứu đang hoàn thiện đề tài để có thể kết hợp với doanh nghiệp hướng tới việc phát triển một sản phẩm giúp cầm máu từ vật liệu này. Trên thế giới, các nhà khoa học cũng đã có nhiều công trình về việc tách chiết collagen từ vảy cá, tuy nhiên điểm khác biệt trong công trình nghiên cứu nói trên là sử dụng vảy của các loài cá chép nước ngọt có nguồn gốc từ Việt Nam, không phải cá nước mặn hay nước lợ như các nghiên cứu đã có.

Tú Anh (T/H)


Tags collagen vảy cá

Các tin khác

Việc thu gom rác thải trên sông không chỉ cải thiện môi trường nước mà còn ngăn chặn rác thải nhựa từ đất liền đổ ra biển.

Ngày 18/9, tại Hà Nội, Báo Đại biểu nhân dân tổ chức tọa đàm “Tăng cường kiểm soát nguồn thải, quản lý chất thải rắn để cải thiện môi trường”.

Nồng độ khí metan (CH4) trong bầu khí quyển Trái đất đã tăng với tốc độ kỷ lục trong 5 năm qua. Ít nhất 2/3 lượng khí metan phát thải hằng năm đến từ các hoạt động của con người, bao gồm việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch, nông nghiệp và từ các bãi chôn lấp rác thải.

Việc trải qua cơn bão có điểm dị thường như Yagi khiến chúng ta đặt câu hỏi liệu trong tương lai sẽ xuất hiện những cơn bão như vậy không và giải pháp ứng phó với các cơn bão lớn như thế nào.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục