Một nhóm gồm hơn 50 chuyên gia về môi trường mới đây cảnh báo, nhân loại đang đối mặt một cuộc khủng hoảng đa dạng sinh học, với hàng triệu loài sinh vật có nguy cơ tuyệt chủng. Tình trạng mất đa dạng sinh học trầm trọng hiện nay gióng lên hồi chuông thúc giục các quốc gia có những hành động cấp bách và thiết thực hơn vì môi trường trước khi quá muộn.
Thảm họa cháy rừng đe dọa sự sống của nhiều loài động vật, thực vật.
Nhóm các chuyên gia về môi trường công bố báo cáo cho biết, việc mở rộng các khu bảo tồn thiên nhiên sẽ không đủ để ngăn chặn làn sóng tuyệt chủng đang gia tăng. Báo cáo khẳng định, tất cả nguyên nhân dẫn đến sự tuyệt chủng của các loài sinh vật, gồm hoạt động săn bắt quá mức của con người, ô nhiễm môi trường, sự bành trướng của các loài xâm lấn..., cần phải được giải quyết ngay lập tức. Theo Giáo sư Paul Leadley (P.Lít-li) tại Ðại học Paris-Saclay, một trong các tác giả của báo cáo, thế giới sẽ không thể đạt được các mục tiêu đa dạng sinh học quốc tế đầy tham vọng nếu như dồn quá nhiều nguồn lực cho việc xây dựng khu bảo tồn mà bỏ qua các hành động khẩn cấp khác.
Những lời cảnh báo này được đưa ra trong bối cảnh gần 200 quốc gia đang thúc đẩy đàm phán về Kế hoạch xây dựng khuôn khổ đa dạng sinh học toàn cầu, đặt ra mục tiêu cho năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 để thế giới phải ngăn chặn tình trạng mất đa dạng sinh học và thúc đẩy sống hài hòa với thiên nhiên. Tại Hội nghị các bên tham gia Công ước Liên hợp quốc về Ða dạng sinh học lần thứ 10 (COP10) ở Nhật Bản vào năm 2010, các quốc gia tham dự từng đặt ra nhiều mục tiêu từ cắt giảm ô nhiễm, giảm tỷ lệ tuyệt chủng các loài động vật, thực vật cho đến bảo tồn rừng. Tuy nhiên, trong số 20 mục tiêu được đặt ra tại Hội nghị COP10, có nhiều mục tiêu đã không thực hiện được.
"Hành tinh xanh" đang trong tình trạng báo động khẩn cấp. Theo Liên hợp quốc, trong số tám triệu loài động vật, thực vật đang tồn tại, có tới một triệu loài có nguy cơ biến mất khỏi Trái đất trước sự tàn phá môi trường của con người. Dự báo trong 10 năm tới, cứ trong bốn loài mà con người biết sẽ có một loài bị xóa sổ hoàn toàn. Theo Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới (WWF), hơn 43 triệu héc-ta rừng đã biến mất trong 10 năm qua và đây chỉ là số liệu ghi nhận ở một số điểm nóng chặt phá rừng. Ngày càng xuất hiện thường xuyên các thảm họa thiên nhiên như cháy rừng ở Brazil, Australia; nắng nóng kỷ lục ở châu Âu; nạn châu chấu hoành hành ở vùng Sừng châu Phi. Hậu quả từ những "cơn thịnh nộ" của thiên nhiên là rất lớn, phải mất nhiều thời gian và công sức để khắc phục. Những hoạt động của con người như chặt phá rừng để canh tác, khai thác tràn lan tài nguyên thiên nhiên, thải quá nhiều khí gây hiệu ứng nhà kính… đã để lại hậu quả nặng nề cho môi trường, phá hủy đa dạng sinh học và khó có thể phục hồi nguyên trạng.
Các nhà khoa học cũng cảnh báo, nếu chúng ta không thay đổi hành vi để bảo vệ môi trường sống của các loài động vật hoang dã, thì trong tương lai con người sẽ đối mặt nguy cơ bùng phát các loại vi-rút mới. Trưởng nhóm nghiên cứu rừng của WWF Fran Raymond Price (P.Prai-xơ) nhận định, nạn phá rừng có thể liên quan các bệnh truyền nhiễm từ động vật. Cũng theo bà Price, khi rừng bị thu hẹp, các loài động vật hoang dã có xu hướng tìm kiếm không gian sinh tồn mới, qua đó làm tăng nguy cơ xuất hiện các bệnh truyền nhiễm mới.
Ða dạng sinh học là nền tảng quan trọng cho sự tồn tại và phát triển của con người. Ðây chính là thời điểm để tất cả quốc gia trên thế giới phải phối hợp hành động, ngăn chặn tốc độ suy thoái và phục hồi đa dạng sinh học để chung tay xây dựng tương lai bền vững cho nhân loại.
Theo Báo Nhân Dân
Tags
Hành động khẩn cấp
vì môi trường
cảnh báo
đa dạng sinh học
Việc thu gom rác thải trên sông không chỉ cải thiện môi trường nước mà còn ngăn chặn rác thải nhựa từ đất liền đổ ra biển.
Ngày 18/9, tại Hà Nội, Báo Đại biểu nhân dân tổ chức tọa đàm “Tăng cường kiểm soát nguồn thải, quản lý chất thải rắn để cải thiện môi trường”.
Nồng độ khí metan (CH4) trong bầu khí quyển Trái đất đã tăng với tốc độ kỷ lục trong 5 năm qua. Ít nhất 2/3 lượng khí metan phát thải hằng năm đến từ các hoạt động của con người, bao gồm việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch, nông nghiệp và từ các bãi chôn lấp rác thải.
Việc trải qua cơn bão có điểm dị thường như Yagi khiến chúng ta đặt câu hỏi liệu trong tương lai sẽ xuất hiện những cơn bão như vậy không và giải pháp ứng phó với các cơn bão lớn như thế nào.