Khoa học vì cuộc sống: Tương lai của năng lượng, AI và sức khỏe toàn cầu

  • Cập nhật: Thứ sáu, 21/1/2022 | 9:22:55 AM

Ngày 19/1/2022, tại Hà Nội đã diễn ra tọa đàm “Khoa học vì cuộc sống” trong khuôn khổ Chương trình Giải thưởng Vinfuture diễn ra từ ngày 18 đến 21/1/2022.

Tham dự sự kiện có Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Bùi Thế Duy, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cùng đông đảo các nhà khoa học hàng đầu thế giới và tại Việt Nam. Đây là giải thưởng được trao bởi Quỹ VinFuture do ông Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch Tập đoàn Vingroup và phu nhân sáng lập. Với việc được tổ chức thường niên, Giải thưởng VinFuture sẽ định vị Việt Nam thành một điểm đến mới trên bản đồ KH&CN toàn cầu, đồng thời tạo bệ đỡ cho nền KH&CN hội nhập với thế giới.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy phát biểu chào mừng buổi tọa đàm.

Thay mặt Bộ KH&CN, Thứ trưởng Bùi Thế Duy chào mừng sự tham dự của các nhà khoa học trong và ngoài nước, đồng thời bày tỏ sự vui mừng khi sự kiện này được tổ chức tại Việt Nam. Thứ trưởng nhấn mạnh, Giải thưởng Vinfuture sẽ tạo đà khuyến khích cho các nhà khoa học người Việt, trong đó có các nhà khoa học trẻ phát triển và đầu tư nhiều hơn nữa cho KH&CN. Thứ trưởng hy vọng buổi tọa đàm sẽ tạo ra sự kết nối chặt chẽ giữa cộng đồng KH&CN Việt Nam và thế giới. Nhờ các buổi tọa đàm, giao lưu trong khuôn khổ của Chương trình Giải thưởng Vinfuture, sẽ tạo ra làn sóng đầu tư mới trong KH&CN, ko chỉ từ Chính phủ mà còn sự tham gia nhiều hơn ở khu vực tư nhân.

Tọa đàm diễn ra với 3 chủ đề: tương lai của năng lượng, tương lai của trí tuệ nhân tạo (AI) và tương lai của sức khỏe toàn cầu.

Điện mặt trời đã chứng minh được sự tối ưu chi phí

Buổi tọa đàm đầu tiên về tương lai năng lượng toàn cầu có sự tham dự của GS Richard Friend - GS Vật lý tại Đại học Cambridge (Vương quốc Anh), chủ trì buổi tọa đàm; GS Nguyễn Thục Quyên - Giám đốc Trung tâm polyme và chất rắn hữu cơ tại Đại học California (Mỹ); GS Antonio Facchetti - GS Hóa học tại Đại học Northwestern (Mỹ); GS Gérard Albert Mourou (người Pháp) - Chủ nhân của Giải Nobel Vật lý năm 2018; GS Sir Kostya S.Novoselov (người Nga) - Chủ nhân của Giải Nobel Vật lý năm 2010; PGS.TS Phạm Hoàng Lương - Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.


Toàn cảnh phiên thảo luận đầu tiên của buổi tọa đàm.

Phát biểu mở đầu phiên thảo luận, GS Richard Friend truyền tải thông điệp cần phải giảm phát thải carbon tới mức phát thải ròng bằng 0 năm 2050. GS cho biết, với sự tiến bộ của KH&CN và sự cam kết cao của các quốc gia thì hoàn toàn có thể kiểm soát mức tăng nhiệt toàn cầu trong khoảng 1,5oC. Đây cũng là cơ sở giúp các nhà lãnh đạo toàn cầu tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc năm 2021 (COP26) thống nhất đưa ra mục tiêu chung về hạn chế phát thải khí carbon bằng việc giảm thiểu sử dụng than đá.

Sự đóng góp của KH&CN đã giúp tiết kiệm đáng kể chi phí phát điện trong 10 năm gần đây. Cụ thể vào năm 2010, các loại năng lượng có giá rẻ nhất là điện than, điện hạt nhân và 1 phần nhỏ là điện gió. Tuy nhiên 10 năm sau, nhờ tiến bộ KH&CN, kết hợp với lợi thế quy mô sản xuất lớn và cơ cấu tài chính hiệu quả, điện mặt trời đã chứng minh được sự tối ưu chi phí gấp nhiều lần so với những loại hình năng lượng trước đó.

Cũng tại buổi tọa đàm, GS Gérard Albert Mourou - Chủ nhân của Giải Nobel Vật lý năm 2018 cho biết: ở Pháp, việc sử dụng năng lượng hạt nhân phát sinh nhiều vấn đề liên quan đến ô nhiễm môi trường khi dựa chủ yếu vào uranium. Các nhà nghiên cứu đang cố gắng phân tích chu kỳ và hành trình uranium để chuyển sang thorium - kim loại có tính phóng xạ yếu và rẻ hơn uranium. Với lợi thế nguồn tài nguyên dồi dào, tạo chất thải ít hơn rất nhiều so với uranium và vòng đời các vật liệu mang độc tính tồn tại rất ngắn so với uranium, thorium được coi là "ứng cử viên” tiềm năng trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân.

Trả lời câu hỏi của chủ tọa về lựa chọn 1 phương án phù hợp nhất nếu định hướng là giảm phát thải carbon, GS Nguyễn Thục Quyên - Giám đốc Trung tâm polyme và chất rắn hữu cơ tại Đại học California (Mỹ) cho rằng: "Tôi nghĩ Việt Nam có thể làm được và ta đang đi đúng quỹ đạo. Ví dụ như các nước chuyển dịch năng lượng như Thụy Điển, Nauy, Đan Mạch, Anh, Áo, Thụy Sỹ, Úc… đều có 100% quá trình sản xuất nguồn cung năng lượng tái tạo. Ta có nhiều phương án lựa chọn nên phải cân nhắc tùy thuộc vào điều kiện địa lý của nước ta. Việt Nam có biển dài, miền Trung nhiều nắng, lợi thế điện gió nên phải dùng chính thế mạnh để tạo nên nguồn năng lượng quốc gia”.

GS Sir Kostya S.Novoselov - Chủ nhân của Giải Nobel Vật lý năm 2010 cho biết: lưới điện cần sự cân bằng và ổn định. Nên khi chuyển từ điện than sang mặt trời thì cần phương án lưu trữ để nâng cao mức độ thâm nhập của nguồn năng lượng tái tạo. Ý tưởng về phát điện cục bộ sẽ đóng vai trò quan trọng để giảm carbon trong tương lai. Điện mặt trời tích hợp với pin tích năng có thể khai thác tối ưu và tác động lớn trong sử dụng hiệu quả năng lượng”.

Liên quan đến quá trình sử dụng điện tại Việt Nam, PGS.TS Phạm Hoàng Lương - Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng: quá trình chuyển dịch năng lượng hiện nay là xu hướng toàn cầu và Việt Nam ko nằm ngoài xu hướng đó. Chính phủ Việt Nam đã cam kết giảm thiểu các tác động của biến đổi khí hậu, để làm được điều này thì phải có năng lượng xanh, sạch và công nghệ. Hiện lưới điện quốc gia của Việt Nam còn dựa nhiều vào nhiên liệu hóa thạch, than, khí. Để chuyển dịch hiệu quả hơn, Việt Nam đang nỗ lực tăng tỷ trọng năng lượng mặt trời trong lưới điện. Muốn vậy, cần thay đổi cơ chế vận hành của toàn bộ lưới điện. Không dễ để chuyển từ điện truyền thống hóa thạch sang năng lượng tái tạo bởi cần có những công nghệ mang tính chất hỗ trợ cộng các biện pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả.

Cần lập trình AI theo cách thức có thể tạo ra sự trợ giúp hơn là phóng đại kết quả

Phiên thảo luận thứ 2 về trí tuệ nhân tạo có sự tham dự của TS Padmanabhan Anandan - Chủ trì tọa đàm - nhà sáng lập tổ chức AI Matters Advisors LLC và Chủ tịch Hội đồng điều hành của Telangana AI Mission (T-AIM) Graphic; TS Bùi Hải Hưng - Viện Nghiên cứu VinAI Research, Tập đoàn Vingroup; GS Vũ Hà Văn - Đại học Yale (Mỹ); GS Albert P. Pisano - Đại học California (Mỹ), đồng Chủ tịch Hội đồng sơ khảo Giải thưởng VinFuture; GS Jennifer Tour Chayes - Đại học California (Mỹ)...


Các chuyên gia tham gia phiên thảo luận dưới cả hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Theo TS Bùi Hải Hưng: 5-10 năm qua, AI đã đi sâu vào nhiều lĩnh vực với nhiều ứng dụng khác nhau. Trong nhiều ứng dụng, chúng ta cần các mô hình AI ko chỉ chạy trên đám mây với các thiết bị đã được nhúng sẵn, ví dụ robot, chúng ta đã đạt nhiều tiến bộ 10 năm qua. Có thể nhận thấy, mặc dù chưa đạt được ở quy mô đại trà, toàn bộ hệ thống công nghệ hiện nay đã hoạt động trơn tru hơn. Xe tự hành đã ứng dụng AI giúp con người lái xe an toàn hơn, đặc biệt là trong điều kiện nguy hiểm mà con người ko tiện tham gia. Các hoạt động tương tác tại nhà như trợ lý ảo, trợ lý riêng trên các thiết bị giúp kiểm soát các thiết bị trong nhà tạo tiện ích cho con người.

Trong y học, GS Jennifer Tour Chayes - Đại học California (Mỹ) cho biết: AI giúp giải mã hình ảnh chụp phim phát hiện nguy cơ ung thư. AI trong một số trường hợp còn vượt qua cả chuyên gia trong phát hiện và hỗ trợ ta đa kênh hơn khi ra quyết định. AI đã thực sự hỗ trợ cho sự thông minh của con người.

Tuy nhiên, AI cũng có những hạn chế, theo GS Albert P. Pisano - Đại học California (Mỹ), thì AI ko gây nguy hại cho ai, nhưng tính về đầu tư tài chính, nếu ai đó được chỉ định thay mặt các bạn, một cá nhân nào đó, ko phải cơ quan, thì chúng ta phải đưa ra giả định AI phải đóng vai trò như thế nào. Các thuật toán của AI trong 1 khía cạnh nào đó nó làm việc thay mặt cho con người, cá nhân nào đó chứ ko phải hệ thống đang sử dụng AI. Như vậy ko thấy sự cân bằng lợi ích của tổ chức. Vị trí, trách nhiệm mà AI sử dụng. Ai được lợi? Trách nhiệm sử dụng thuộc về cá nhân hay hệ thống?...

Đồng tình với quan điểm của GS Albert P. Pisano, GS Jennifer Tour Chayes chia sẻ thêm về vấn đề này: AI là người đáng tin cậy nhất để đảm bảo AI của tôi cho tôi biết cách thức đầu tư hay can thiệp về y học là chính xác. Chúng ta phải xây dựng mô hình để mạng lưới tin cậy lẫn nhau, khi chưa có sự hiện diện của chúng ta nhưng vẫn có người đại diện để hệ thống tin cậy được. Khi có thuật toán AI cần đảm bảo lập trình AI theo cách thức có thể tạo ra sự trợ giúp hơn là phóng đại kết quả. Nếu chúng ta ko thận trọng thì AI có thể phóng đại khía cạnh thiên lệch và thậm chí có hành vi phân biệt chủng tộc.

KH&CN chính là vũ khí hữu hiệu cho một tương lai khỏe mạnh hơn

Buổi thảo luận thứ 3 trong buổi tọa đàm có sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu thế giới trong lĩnh vực y tế như: GS Đặng Văn Chí - Viện Nghiên cứu Ung thư Ludwig (Mỹ); TS Katalin Karikó - Công ty Công nghệ sinh học BioNTech SE (Mỹ); GS.TS Drew Weissman - Đại học Pennsylvania (Mỹ); GS Pieter R. Cullis - Đại học British Columbia (Canada), người đứng sau công nghệ mRNA điều chế vắc-xin Covid-19 (công nghệ gốc của Pfizer, Moderna); GS Vũ Hà Văn - Đh Yale (Mỹ)...


Thứ trưởng Trần Văn Thuấn phát biểu mở màn phiên thảo luận thứ 3.

Tham dự và phát biểu mở đầu tại phiên thảo luận về tương lai của sức khỏe toàn cầu, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, ngành Y tế đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của đất nước. Trong thời gian qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tích trong công tác phòng, chống đại dịch Covid-19. Cụ thể, Việt Nam là 1/7 quốc gia có tốc độ tiêm vắc-xin cao nhất thế giới. Bên cạnh đó, nước ta đang tiến hành thử nghiệm lâm sàng các vắc-xin phát triển trong nước hoặc tiếp nhận chuyển giao công nghệ, trong đó có vắc-xin ARCT 154 của Vingroup để sẵn sàng chủ động nguồn cung vắc-xin trong nước. Thứ trưởng Trần Văn Thuấn chúc mừng Quỹ Vinfuture đã tổ chức đề cử, lựa chọn thành công và vinh danh các công trình khoa học nhằm phục vụ cho người dân Việt Nam nói riêng và nhân loại nói chung. Hơn lúc nào hết, đây là thời điểm rất cần sự chung tay đóng góp trí tuệ, công sức và đồng lòng để vượt qua dịch bệnh.

Theo GS Drew Weissman, trong tương lai, chắc chắn sẽ còn nhiều đợt dịch nữa. Câu hỏi đặt ra là các giải pháp dự phòng để ứng phó với đại dịch hay làm sao để tạo ra một loại vắc-xin phổ quát chống lại các loại virus phổ biến trên thế giới.

TS Katalin Karikó cho rằng: mRAn là công nghệ có thể ứng dụng nhiều sản phẩm khác giúp ta ứng dụng nhiều loại vắc-xin khác nhau. Các RNA thông tin là thứ ta nghiên cứu trong thời gian gần đây và có thể nhân rộng để giải quyết các biến chủng khác nhau.

Tuy nhiên, GS Pieter R. Cullis cho biết thêm: "vắc-xin chỉ là một khía cạnh, dù ở thời điểm hiện tại, ta có nhiều công nghệ như mRNA và công nghệ khác, nhưng chúng ta sẽ không dừng lại ở đó. Mặc dù là công nghệ màu nhiệm, nhưng vẫn có khoảng trống, kết cấu protein ở các loại vi khuẩn luôn xuất hiện, tức là ta cần phòng thủ trước các loại virus mới.

Chia sẻ về tiềm năng phát triển của AI trong y học, GS Vũ Hà Văn nhấn mạnh: hiện tại AI và dữ liệu lớn đang được ứng dụng rộng khắp trong lĩnh vực y học. Với sức mạnh của điện toán lưu trữ thông tin của hàng tỷ bệnh nhân, thuật toán thông minh có thể khai thác nguồn dữ liệu đó, chỉ cần tra cứu là có thông tin. Về khoảng cách giàu nghèo trong y tế, trợ lý sử dụng AI có thể hỗ trợ đắc lực cho bác sỹ trẻ, ít kinh nghiệm, qua đó góp phần thu hẹp khoảng cách, chất lượng dịch vụ giữa các bệnh viện lớn và bệnh viện vùng sâu, xa. Hướng tới tầm nhìn về AI trong 20 năm tới, GS cho biết thêm, những năm qua các ứng dụng công nghệ vào hệ thống thông tin, dữ liệu sạch đã có. Nhưng điều quan tâm đầu tiên hiện tại là dữ liệu tại các bệnh viện phải phân loại dán nhãn. Việc này phải làm nhanh nếu muốn áp dụng AI trong bệnh viện...

Tham gia chia sẻ trực tuyến tại tọa đàm, GS.TS Sangeeta N. Bhatia - ngành KH&CN y tế, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu điều trị ung thư bằng y học nano, Đại học Massachusetts (Mỹ) cho biết: ngày nay, gánh nặng ung thư toàn cầu ở các quốc gia chiếm 2/3 số ca tử vong và sẽ tiếp tục tăng trong thế kỷ tới. Hiện khoảng 50% số ca tử vong do ung thư tại các nước đang phát triển có thể tránh được bằng tiêm ngừa, cai thuốc lá, xét nghiệm sàng lọc. Do vậy, cần tập trung phát triển các công nghệ phát hiện ung thư sớm để tăng khả năng chữa khỏi cho người bệnh. Tại các quốc gia phát triển, chúng tôi đã phát triển các công nghệ dựa trên nano, hạt nano bơm vào mạch máu, thẩm thấu vào tế bào khối u, cảm biến nano nhận biết emzim trong tế bào ung thư...

GS Robert Green - Đại học Harvard (Mỹ) cho biết, thách thức lớn nhất của y học chính xác là dữ liệu lâm sàng. Di truyền học là một lĩnh vực khó, nhưng dữ liệu lâm sàng là thứ khó thu thập nhất do phải trích xuất từ hồ sơ y tế, mã hóa theo tiêu chuẩn và sau đó hòa hợp với dữ liệu di truyền học cũng như các loại dữ liệu khác. Y học chính xác hướng tới tương lai sử dụng dữ liệu như khai bệnh, hóa học, AND, tiểu sử gia đình, bản chất của các phương pháp điều trị đã thành công hoặc thất bại trong quá khứ. Ở Việt Nam, y học chính xác đã có những thành công bước đầu trong lĩnh vực ung bướu. Ở lĩnh vực này, các dạng ung thư cụ thể có thể được điều trị theo từng đột biến trong chính dạng ung thư đó. Thành công này góp phần lan tỏa sang lĩnh vực khác trong y khoa, trở thành mục tiêu hướng tới trong các thập kỷ kế tiếp.

Y học chính xác đưa ra viễn cảnh hướng tới ngăn ngừa, tiên đoán, giữ gìn sức khỏe thay vì ốm rồi mới điều trị. Tầm nhìn xa là đầu tư ít hơn, thực hiện ít ca phẫu thuật hơn, dân số khỏe mạnh hơn, trị liệu ít hơn, khi ko phải chi nhiều tiền chăm sóc sức khỏe thì dễ dàng tiếp cận dịch vụ y tế, bất kể địa vị xã hội, dân tộc, kinh tế. Có thể nói rằng, KH&CN chính là vũ khí hữu hiệu cho một tương lai khỏe mạnh hơn. Chính vì vậy, những ý kiến đóng góp trong các phiên thảo luận sẽ mang lại những khởi đầu tích cực cho sự kết nối tri thức giữa các nhà khoa học Việt Nam và trên toàn thế giới, qua đó, người dân sẽ được hưởng những thành tựu của tiến bộ KH&CN. 

Nguồn: Tạp chí Khoa học và Công nghệ

Tags AI năng lượng khoa học Giải thưởng Vinfuture Vinfuture công nghệ mRNA

Các tin khác

Việc thu gom rác thải trên sông không chỉ cải thiện môi trường nước mà còn ngăn chặn rác thải nhựa từ đất liền đổ ra biển.

Ngày 18/9, tại Hà Nội, Báo Đại biểu nhân dân tổ chức tọa đàm “Tăng cường kiểm soát nguồn thải, quản lý chất thải rắn để cải thiện môi trường”.

Nồng độ khí metan (CH4) trong bầu khí quyển Trái đất đã tăng với tốc độ kỷ lục trong 5 năm qua. Ít nhất 2/3 lượng khí metan phát thải hằng năm đến từ các hoạt động của con người, bao gồm việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch, nông nghiệp và từ các bãi chôn lấp rác thải.

Việc trải qua cơn bão có điểm dị thường như Yagi khiến chúng ta đặt câu hỏi liệu trong tương lai sẽ xuất hiện những cơn bão như vậy không và giải pháp ứng phó với các cơn bão lớn như thế nào.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục