Mong ước đầu năm của một số nhà khoa học

  • Cập nhật: Thứ tư, 17/2/2021 | 5:07:52 PM

QLMT - Sau đây là chia sẻ của một số nhà khoa học với Báo Khoa học & Phát triển về mong ước của họ trong những ngày đầu năm.



Trong năm 2020, đại dịch Covid-19 không chỉ thúc đẩy quá trình chuyển đổi số ở Việt Nam mà còn cho thấy rõ hơn vai trò nền tảng của KH&CN đối với sự phát triển kinh tế xã hội. Trên thế giới, không phải ngẫu nhiên mà các tỉ phú như Bill Gates hay Elon Musk đặc biệt quan tâm đến KH&CN. Họ thành lập các quỹ tư nhân để tài trợ cho nghiên cứu khoa học và giáo dục. Rất vui là gần đây, ở Việt Nam cũng đã bắt đầu xuất hiện những quỹ như vậy, do đó tôi hi vọng trong những năm tới, những quỹ này sẽ hoạt động hiệu quả và ngày càng mở rộng quy mô tài trợ.

Những tín hiệu vui về sự quan tâm đầu tư cho KH&CN cũng xuất hiện ở các trường đại học, nhiều trường đã đầu tư mạnh hơn cho nghiên cứu với những chính sách như thưởng dựa trên bài báo khoa học. Tuy nhiên, bên cạnh những hiệu quả tích cực thì vẫn tồn tại một số tiêu cực không mong muốn như chạy theo số lượng, đăng bài trên tạp chí kém chất lượng... Tôi mong là để hạn chế tình trạng này, cần áp dụng một danh sách chọn lọc các tạp chí được thẩm định bởi hội đồng khoa học có uy tín. Ngoài ra, có những "nhóm lợi ích” núp bóng "nhóm nghiên cứu” để trục lợi, bất chấp đạo đức khoa học. Theo quan điểm của tôi, giải pháp cho vấn đề này là nâng dần các tiêu chí tài trợ hoặc thưởng, chú trọng vào chất lượng.

Một số trường đại học hiện nay đang thực hiện tự chủ. Trong giai đoạn bản lề có thể nảy sinh nhiều vướng mắc, mâu thuẫn giữa cũ và mới. Việc tháo gỡ những khó khăn này có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển giáo dục đại học ở Việt Nam. Tôi rất kì vọng vào sự thành công của tiến trình tự chủ đại học.

TS. Nguyễn Trương Thanh Hiếu, Trường đại học Tôn Đức Thắng – giải trẻ Tạ Quang Bửu 2020
-----------------------------------------


Trong hơn ba năm qua, được Quỹ NAFOSTED hỗ trợ, chúng tôi đã hoàn thành nghiên cứu đánh giá gánh nặng bệnh tật do ô nhiễm không khí cho Hà Nội. Nó chỉ ra mối liên quan giữa nồng độ mỗi chất ô nhiễm PM2.5, PM10, SO2, NO2, NO, CO, O3 trong trung bình bảy ngày ở Hà Nội với nguy cơ nhập viện của người lớn hoặc trẻ em với các loại bệnh tim mạch và hô hấp phổ biến cũng tăng với một khoảng % cụ thể tương ứng. Năm 2020, nhóm chúng tôi cũng kết hợp với Sở Tài nguyên & Môi trường Hà Nội đánh giá tác động của ô nhiễm không khí. Báo cáo kết quả này sẽ sớm được công bố trong tháng 3/2021.

Thời gian tới, chúng tôi có hai dự tính. Thứ nhất là mở rộng nghiên cứu đánh giá gánh nặng bệnh tật trên lên toàn Việt Nam. Quá trình nghiên cứu ở Hà Nội đã tạo tiền đề quan trọng cho chúng tôi tinh chỉnh phương pháp, mô hình và dữ liệu để mở rộng ra những khu vực khác.

Thứ hai, chúng tôi sẽ tiến hành đánh giá sức khỏe theo đóng góp của từng nguồn thải, trước hết nhắm đến nguồn giao thông. Đây có lẽ là nguồn gây ô nhiễm rõ ràng và nhiều dữ liệu nhất. Sau khi thử nghiệm về các tác động giảm phát thải giao thông đối với sức khỏe, chúng tôi sẽ tìm cách làm việc với các nguồn thải khác.

Nằm trong một mạng lưới năng động với hàng chục nhà khoa học Việt và chuyên gia quốc tế quan tâm đến vấn đề ô nhiễm không khí ở Việt Nam, nhóm chúng tôi hy vọng những kết quả của mình sẽ đóng góp phần cho việc vận động chính sách và hành động để cải thiện chất lượng không khí trong thời gian sớm nhất.

TS. Nguyễn Thị Trang Nhung, Trường Đại học Y tế Công cộng

-------------------------------------


Tôi mong năm 2021, khoa học Việt Nam sẽ có nhiều đổi mới đặc biệt hơn, có nhiều kích hoạt hơn cho đổi mới cho năm năm tiếp theo 2021-2025. Các nhà quản lý sẽ có cái nhìn thực tế hơn nữa đối với tất cả các hoạt động toàn diện của KH&CN chứ không chỉ là nhìn theo hướng hoạt động khoa học cơ bản hay hoạt động triển khai hay theo hướng thành tựu của các doanh nghiệp khoa học đạt được. Nếu không chú trọng tới nhà khoa học, không "giải phóng” cho nhà khoa học thì sẽ khó có đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp được. Ở đây, chúng ta cùng hiểu là giải phóng nhưng vẫn an toàn cho chính phủ, cho tất cả các cơ quan quản lý chứ không phải là buông lỏng.

Còn về phòng thí nghiệm của mình, tôi đặt mục tiêu kế thừa một trong những kết quả năm 2020 là phụ gia tiết kiệm nhiên liệu, tiếp tục phát triển nó, đồng thời duy trì số lượng công bố và sáng chế như của năm 2020 nhưng nâng tầm lên một chút nữa, bài báo có hệ số ngày càng cao, sáng chế không chỉ ở Việt Nam mà phải ở các nước như Mỹ và các nước phát triển.

GS. TS Vũ Thị Thu Hà, Giám đốc Phòng thí nghiệm trọng điểm Lọc hóa dầu quốc gia

----------------------------------------


Trên cương vị của một người làm nghiên cứu, cả cơ bản lẫn ứng dụng, trong năm 2021 này, tôi sẽ cố gắng thực hiện đồng thời cũng mong ước thực hiện được các việc sau: (i) đối với nghiên cứu cơ bản: triển khai được các thí nghiệm nhằm quan sát được một dạng ngưng tụ Bose-Einstein tại nhiệt độ phòng trên nền vật liệu cơ kim halogen hai chiều, (ii) đối với nghiên cứu ứng dụng: chuyển giao được các thiết kế và công nghệ của thiết bị hội tụ và truyền dẫn ánh sáng Mặt trời cho một đối tác doanh nghiệp hoặc một mạnh thường quân; hoàn thiện được dự án chế tạo cảm biến ảnh hồng ngoại nhiệt với sản phẩm ứng dụng có thể đi tới sản xuất quy mô công nghiệp đồng thời lên được kế hoạch dự án đầu tư xây dựng một cơ sở sản xuất các cảm biến này dành cho thị trường trong nước và khu vực.

Liên quan đến việc quản lý nghiên cứu, tôi mong muốn thực hiện từng bước cơ chế khoán tự chủ cho đơn vị nghiên cứu, bằng cách thực hiện thêm các hoạt động như hỗ trợ đào tạo công nghệ cao cho các trường, viện hoặc doanh nghiệp trong cả nước, thực hiện một hợp đồng dịch vụ hoặc tư vấn khoa học công nghệ cho các doanh nghiệp trong nước. Tôi cũng mong muốn kết hợp được với các nhà khoa học và giảng viên trong Đại học Quốc gia Hà Nội xây dựng được một cơ chế tập trung quản lý và sử dụng thiết bị sao cho việc khai thác các tiềm năng của chúng được thực hiện hiệu quả hơn, để từ đó có một sự kết nối đa ngành và có một sự ủng hộ để đạt tới năng lực tập thể tốt hơn nhằm giải quyết được một trong số các bài toán lớn mà đâu đó cộng đồng KH&CN trong nước đã và đang đề cập tới.

TS. Nguyễn Trần Thuật, Trung tâm Nano và Năng lượng, ĐH Khoa học tự nhiên, ĐHQGHN

----------------------------------------


Trong năm 2021, chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai nhóm đề tài nghiên cứu về phát triển và hoàn thiện kỹ thuật trưởng thành noãn trong ống nghiệm (in-vitro maturation – IVM) nhằm tăng tính an toàn, thuận tiện, giảm chi phí mà vẫn đạt được hiệu quả điều trị tốt cho những người phụ nữ không may bị hiếm muộn.

Nhân dịp năm mới, tôi xin chúc các nhà khoa học Việt Nam có thêm nhiều ý tưởng đột phá, nhiều đề tài nghiên cứu có giá trị khoa học và ứng dụng cao, phục vụ cộng đồng. Với nhiều thành tựu trong kiểm soát đại dịch Covid-19, hy vọng trong năm 2021, các nhà khoa học Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy và hội nhập sâu rộng, ngang tầm với khu vực và thế giới.

PGS.TS.BS. Vương Thị Ngọc Lan, Khoa Y, Đại học Y Dược TPHCM, Giải thưởng Tạ Quang Bửu 2020

----------------------------------------------


Lĩnh vực ứng dụng công nghệ nano trong y tế ở Việt Nam còn khá mới mẻ. Với tính liên ngành của nó, những người đam mê theo đuổi thường là số ít và đang bước đi độc đạo. Nói đến khoa học đầu xuân năm mới, đồng nghiệp chúng tôi nhắn nhủ với nhau rằng "hãy kiên trì”. Với những lĩnh vực chưa phải hiểu biết của mình, để khám phá học hỏi, hãy luôn giữ cái nhìn trung lập - không quá hoài nghi đến mức phủ nhận cũng không quá phấn khích đến mức kiêu ngạo. Cá nhân tôi hi vọng các nhà khoa học trẻ sẽ ngày càng chuyên tâm đi sâu vào một lĩnh vực. Điều này có thể sẽ không tạo ra được nhiều bài báo khoa học mỗi năm, nhưng chắc chắn sẽ tạo ra được những bài báo chất lượng và khiến cho khoảng cách từ nghiên cứu tới ứng dụng ngày càng được thu hẹp.

Hiện tại ở Viện KH&CN Việt Nam - Hàn Quốc (VKIST), chúng tôi đang tập trung phát triển hai dòng sản phẩm que thử sắc ký miễn dịch từ tính (MagLFIA) phát hiện dấu ấn ung thư vú và virus cúm gia cầm. Việc sử dụng các hạt từ cấu trúc lõi/vỏ (lõi là hạt từ Fe3O4 và bọc vỏ vàng) sẽ cho phép phân tích định lượng chính xác hơn so với các loại LFIA hiện có. Sản phẩm này hứa hẹn nhiều ứng dụng quan trọng như tầm soát ung thư, chẩn đoán khả năng tái phát ung thư và theo dõi tác động của các phác đồ điều trị khác nhau để hỗ trợ điều trị bệnh hiệu quả. Đối với các que thử nhận biết virus, bằng việc hạ giá thành chi phí xuống mức như vậy, các trang trại sẽ có khả năng kiểm tra liên tục tình trạng bệnh tật của vật nuôi, con giống để tránh lây lan trên diện rộng gây thiệt hại kinh tế nghiêm trọng.

Chúng tôi cũng đang triển khai phát triển các thiết bị đọc từ cầm tay sử dụng cảm biến từ trở xuyên hầm (TMR) để phục vụ cho việc đọc tín hiệu từ các hạt nano từ bị bắt giữ trong dải thử nghiệm và dải đối chứng. Que thử và thiết bị đọc cầm tay này sẽ đặc biệt hữu ích cho các vùng sâu vùng xa hoặc trong tình huống xét nghiệm dịch bệnh phản ứng nhanh.

PGS. TS Trương Thị Ngọc Liên, Viện Khoa học & Công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc (VKIST)

--------------------------------------------


Ở góc độ một nhà nghiên cứu kinh tế, tôi thấy rằng, thứ nhất sau những biến động của năm 2020, trong thời gian tới, khi ngành du lịch và dịch vụ nói chung chưa vực dậy được thì cơ cấu lao động cần phải được chuyển đổi. Cơ hội tốt cho chúng ta là chuyển sang công nghiệp chế biến, điện tử vì hướng đầu tư chuyển dịch từ Trung Quốc sang Việt Nam đang rất lớn. Do đó, để chuyển đổi cơ cấu lao động thành công thì vấn đề quan trọng nhất là phải đào tạo lại lao động.

Mặt khác, nếu quá trình chuyển đổi cơ cấu dẫn đến tình trạng dư thừa lao động thì chúng ta có thể chuyển sang chế biến chế tạo hoặc nông nghiệp. Hiện nay, giá sản phẩm nông nghiệp rất tốt, gạo, cao su đều tăng cả, phát triển nông nghiệp để thu hút lao động vào, ví dụ Tây Nguyên đang thiếu lao động trầm trọng, cần phải thu hút lao động. Nhưng theo quan sát của tôi, cái khó nhất khiến nông nghiệp Việt Nam chưa phát triển được như chúng ta kỳ vọng vì không có chính sách đất đai, doanh nghiệp không có đất để làm nông nghiệp, làm sao thuê được nông dân với diện tích lớn được. Nếu không để thị trường đất đai minh bạch hơn thì rất khó phát triển.

Thứ hai, trong thời gian tới Việt Nam cần chú trọng phát triển cơ sở hạ tầng vì còn rất nhiều nơi có tiềm lực phát triển kinh tế nhưng gặp hạn chế về cơ sở hạ tầng. Việc tận dụng vốn vay còn đang rất rẻ của nước ngoài có thể giải quyết được điểm nghẽn trong hạ tầng, như ở sân bay Nội Bài, chỉ một SamSung đã xuất nhập khẩu hơn 59 tỉ USD hàng hóa qua nơi này, hay hãng Dell muốn vào Việt Nam, muốn sản xuất 120 triệu máy tính/năm, mỗi máy tính nặng 2,8kg thành ba trăm triệu kg. Cảng Cát Lái tắc container dài hàng km, một ngày tắc là chi phí đội lên 2 triệu một container rồi. Đó là lý do chi phí logistics ở Việt Nam lớn. Do đó, đầu tiên là phải nâng cấp các điểm nghẽn cửa khẩu cảng hàng không, cảng đường bộ, đường thủy; sau đó là cơ sở hạ tầng kết nối để có được lao động, ví dụ như nâng cấp đường, cầu kết nối các thôn xã với các nhà máy”.

TS. Phùng Đức Tùng - Viện Nghiên cứu Mekong

Nguồn: Báo Khoa học & Phát triển

Tags nhà khoa học

Các tin khác

Việc thu gom rác thải trên sông không chỉ cải thiện môi trường nước mà còn ngăn chặn rác thải nhựa từ đất liền đổ ra biển.

Ngày 18/9, tại Hà Nội, Báo Đại biểu nhân dân tổ chức tọa đàm “Tăng cường kiểm soát nguồn thải, quản lý chất thải rắn để cải thiện môi trường”.

Nồng độ khí metan (CH4) trong bầu khí quyển Trái đất đã tăng với tốc độ kỷ lục trong 5 năm qua. Ít nhất 2/3 lượng khí metan phát thải hằng năm đến từ các hoạt động của con người, bao gồm việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch, nông nghiệp và từ các bãi chôn lấp rác thải.

Việc trải qua cơn bão có điểm dị thường như Yagi khiến chúng ta đặt câu hỏi liệu trong tương lai sẽ xuất hiện những cơn bão như vậy không và giải pháp ứng phó với các cơn bão lớn như thế nào.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục