Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2030
Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 130/QĐ-TTg ban hành Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2030.
Chương trình đặt mục tiêu phát triển và làm chủ được 20 công nghệ cao thuộc Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển đạt trình độ tiên tiến trong khu vực, ứng dụng có hiệu quả vào hoạt động sản xuất sản phẩm công nghệ cao, cung ứng dịch vụ công nghệ cao của doanh nghiệp.
Chương trình còn hướng đến gia tăng giá trị xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao đạt khoảng 60% tổng giá trị xuất khẩu trong công nghiệp chế biến chế tạo, tăng nhanh tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong tổng giá trị sản xuất nông nghiệp, tạo ra các sản phẩm và dịch vụ mới có giá trị gia tăng cao. Chương trình cũ chỉ hướng đến đạt được 40%.
Cùng với đó là xây dựng và phát triển khoảng 500 doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghệ cao, cung ứng dịch vụ công nghệ cao thuộc Danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển; xây dựng và phát triển khoảng 200 doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao có sự hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi từ sản xuất đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên phạm vi cả nước.
Để đạt mục tiêu trên, ban chỉ đạo chương trình cần thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp bao gồm: Hoàn thiện thể chế; hỗ trợ hoạt động nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, quyền sở hữu trí tuệ sử dụng kết quả nghiên cứu, thúc đẩy liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp và tổ chức khoa học và công nghệ; hỗ trợ và tạo điều kiện cho ứng dụng, sản xuất sản phẩm, cung ứng dịch vụ công nghệ cao; đẩy mạnh hợp tác quốc tế về công nghệ cao; nâng cao nhận thức xã hội về vai trò và tác động của công nghệ cao.
TP.HCM cần sớm chuẩn hóa các tiêu chí thiết kế cơ khí - chế tạo máy nhằm thúc đẩy hợp tác nhà quản lý - nhà doanh nghiệp - nhà khoa học . Ảnh TL
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển và Danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển (Quyết định số 38/2020/QĐ-TTg, ngày 30/12), có một số điểm điều chỉnh so với giai đoạn trước.
Theo đó, danh mục mới vừa ban hành gồm 99 danh mục, tăng 41 danh mục so với danh sách thuộc Quyết định số 66/2014/QĐ-TTg ngày 25 tháng 11 năm 2014. Những danh mục được thêm vào là các công nghệ tiên tiến đang phát triển trên toàn thế giới, có thể kể đến công nghệ Internet kết nối vạn vật (IoT), công nghệ chuỗi khối (Blockchain), công nghệ lượng tử, công nghệ địa tin học (Geoinformatics) ứng dụng trong các hệ thống khí tượng thủy văn…
Ngoài ra, một số danh mục đã thay đổi, chẳng hạn như "công nghệ vi sinh phục vụ xử lý ô nhiễm môi trường” đã đổi thành "công nghệ vi sinh thế hệ mới”, "công nghệ sản xuất hợp kim đặc biệt” đổi thành "công nghệ sản xuất kim loại tinh khiết, hợp kim đặc biệt”, "công nghệ vật liệu nanô” được viết cụ thể thành hai danh mục "công nghệ vật liệu nano cao cấp, màng phủ nano” và "công nghệ nano trong sản xuất”. Điều này cho thấy tính cập nhật của danh mục công nghệ cao vừa được ban hành.
Tùng Anh