Kiến tạo di sản văn hóa trong thành phố sáng tạo

  • Cập nhật: Thứ bảy, 5/8/2023 | 8:21:19 AM

Thành phố (TP), như Edward Relph khẳng định trong tác phẩm “Cảnh quan đô thị hiện đại” (2016), không phải là một thực thể cố định và tĩnh tại, mà là “một sinh vật năng động, không ngừng phát triển, được sinh ra từ sự đan xen giữa thời gian và không gian”.

Ngay từ buổi ban đầu, TP đã luôn là một "bức khảm của văn hóa, di sản và đương đại” (Florida 2014). TP là không gian của đổi mới và sáng tạo, nơi giao thoa của những dòng chảy văn hóa, quá khứ và hiện tại, những giá trị truyền thống được lưu giữ qua thời gian và những giá trị mới được gán nghĩa từ những nhu cầu và khát vọng đương đại. Cũng vì thế, mặc dù "TP sáng tạo” là một khái niệm mới phổ biến từ những năm 90 của thế kỷ 20 trong nghiên cứu học thuật, và sau đó được thúc đẩy mạnh mẽ bởi sáng kiến của UNESCO về Mạng lưới các TP sáng tạo, nhưng tính chất sáng tạo đã luôn nằm trong bản chất tồn tại của các TP. Tuy nhiên, sự sáng tạo của các TP cần được bắt rễ vào bối cảnh địa phương: kết nối với lịch sử, di sản văn hóa, hệ thống kinh tế, các mạng lưới xã hội và các hoạt động văn hóa. Nói như Pratt (2011), một TP sáng tạo không thể được thiết lập như "một thánh đường trong sa mạc”. Nó cần được liên kết và là một phần của môi trường văn hóa hiện có để không bị xóa nhòa căn tính cùng những đặc trưng riêng. Bài viết này bàn luận về tính kiến tạo của di sản văn hóa trong việc truyền cảm hứng, định hình và duy trì một hệ sinh thái sáng tạo sôi động của TP, cũng như những thách thức đặt ra.


Complex 1

Di sản văn hóa thúc đẩy sự sáng tạo của TP

Chúng ta thường nghĩ về di sản như là tài sản để lại của quá khứ, được lưu giữ và truyền lại qua các thế hệ. Nó có thể dưới dạng vật thể hữu hình (các tòa nhà, đồ tạo tác, cảnh quan…) hoặc phi vật thể (truyền thống, thực hành, giá trị, niềm tin…). Những tài sản văn hoá ấy, tuy vậy, không phải lúc nào cũng được xem là có giá trị. Nhiều di sản văn hóa – kiến trúc có giá trị với các TP hiện nay từng bị xem là "tàn dư” của thời kỳ phong kiến hay thực dân, cũng như nhiều di sản phi vật thể bị coi là "hủ tục” hoặc "mê tín dị đoan”. Không ít các công trình kiến trúc bị tàn phá hoặc lãng quên, trong khi nhiều thực hành tín ngưỡng hoặc diễn xướng dân gian bị cấm đoán. Sự quan tâm và tôn vinh giá trị của chúng hiện nay không chỉ thể hiện sự thay đổi về nhận thức, mà còn cho thấy bản chất diễn ngôn và kiến tạo của di sản. Sự tương đối của "giá trị” của di sản nằm ở nhận thức và bối cảnh xã hội đương thời. Nói cách khác, di sản được bắt rễ từ trong quá khứ, nhưng chắc chắn không phải thuộc về quá khứ. Nó kết nối và sử dụng quá khứ cho nhu cầu hiện tại và tầm nhìn tương lai. Nhận thức được điều này sẽ giúp chúng ta hiểu được vai trò quan trọng của di sản trong một TP sáng tạo.

Trước hết, di sản văn hóa là nguồn cảm hứng, là nền tảng và động lực cho sự sáng tạo. Sự giàu có của các di sản văn hóa đóng vai trò then chốt trong việc nuôi dưỡng sự sáng tạo trong các trung tâm đô thị. Các tuyệt tác kiến trúc đa dạng, các câu chuyện lịch sử đô thị gắn với di sản phi vật thể thúc đẩy ý thức về bản sắc và cảm thức thuộc về, nghệ thuật và thủ công truyền thống chứa đựng các tri thức dân gian, những lễ hội bao chứa tâm thức kết nối cộng đồng… cung cấp chất liệu màu mỡ, truyền cảm hứng cho các nghệ sĩ, nhà thiết kế và các nhà sáng tạo khác để tạo ra các ý tưởng và nhiều cách biểu đạt nghệ thuật mới.

Di sản văn hóa đóng vai trò bảo tồn và xây mới các ký ức tập thể cho một TP sáng tạo. Cũng như di sản, "ký ức” là thứ được bồi đắp từ chất liệu quá khứ và khát vọng của đương đại. Các di sản kiến trúc, các thực hành văn hóa truyền thống là những kho lưu trữ ký ức tập thể của đô thị, giúp kết nối các cộng đồng trong đô thị với lịch sử chung của TP. Các kho lưu trữ ký ức đó – thông qua biểu hiện hữu hình của các di sản vật thể và sự bồi đắp dày dần lên qua thời gian của các di sản phi vật thể – không những giúp tạo nên căn tính riêng biệt của một thành phố, mà còn tạo ra cảm thức về tính liên tục tiếp nối cho các hoạt động sáng tạo đương đại. Nhờ vậy, di sản văn hóa đóng vai trò tâm điểm cho sự tham gia của cộng đồng và sự gắn kết xã hội trong TP. Nó là nền tảng để kết nối, đối thoại và trao truyền kiến thức văn hóa giữa các thế hệ.

Nhận thức về tính kiến tạo của di sản còn giúp TP sáng tạo thích ứng, tái tạo và làm giàu có thêm chính nó. Bằng cách chuyển đổi các công trình kiến trúc lịch sử thành các không gian sáng tạo, phòng trưng bày nghệ thuật, trung tâm văn hóa, sinh hoạt cộng đồng, di sản được thổi sức sống mới của đương đại nhưng vẫn bảo lưu được hồn cốt của cảm thức về truyền thống. Các kỹ thuật truyền thống kết hợp với các phương pháp sáng tạo đương đại cũng tạo ra các ngành công nghiệp sáng tạo lấy yếu tố bản địa làm nền tảng, như có thể thấy trong thủ công mỹ nghệ, ẩm thực, thời trang sáng tạo, kiến trúc..vv. Việc tái sử dụng một cách thích ứng với bối cảnh đương đại không chỉ giúp bảo vệ di sản mà còn nuôi dưỡng một môi trường nuôi dưỡng và thu hút tài năng sáng tạo. Trong tinh thần phát huy quyền sáng tạo đối với TP, sự sáng tạo không còn chỉ thuộc về các nghệ sĩ, tầng lớp sáng tạo chuyên nghiệp, mà mỗi người dân, mỗi cộng đồng dân cư đều có thể trở thành các cá nhân và cộng đồng sáng tạo, đem lại sắc màu đa dạng cho TP.

Di sản văn hóa, do vậy, đóng vai trò quan trong đem lại sự phát triển về kinh tế của TP sáng tạo. Sự hội tụ của di sản và đổi mới tạo ra khả thể để các TP trở nên khác biệt, thu hút đầu tư và tạo ra lợi thế cạnh tranh trong nền kinh tế sáng tạo toàn cầu. Việc làm mới di sản văn hóa trực tiếp đóng góp vào việc thu hút khách du lịch, tham quan và góp phần tăng trưởng kinh tế cho TP. Du lịch di sản tạo cơ hội cho các doanh nghiệp, như các chợ thủ công, sự kiện văn hóa và trải nghiệm dựa trên di sản. Doanh thu từ du lịch văn hóa có thể được tái đầu tư vào việc hỗ trợ các nghệ sĩ địa phương, bảo tồn các di sản và thúc đẩy các sáng kiến sáng tạo hơn nữa.

Quan trọng hơn cả, đó là mối liên hệ rõ ràng giữa di sản văn hóa và hạnh phúc của cư dân TP. Di sản có sự tham gia và được kiến tạo bởi người dân có thể nuôi dưỡng và thúc đẩy sức khỏe tinh thần của cá nhân, cộng đồng và hạnh phúc tổng thể của TP. Nhiều sáng kiến của các TP sáng tạo trên thế giới như sử dụng không gian di sản để chữa bệnh, liệu pháp nghệ thuật dựa trên di sản và các hoạt động di sản văn hóa giúp phát triển cá nhân và hòa nhập xã hội…là những phương thức cụ thể để hiện thực hóa nhận thức về mối liên hệ này.


Ago Hub

Kiến tạo di sản văn hóa và những thách thức

Trong khi di sản văn hóa trong một TP sáng tạo mang lại nhiều lợi ích cho bản thân TP và các cư dân đô thị, thì việc khai thác, kiến tạo, đổi mới và phát triển dựa trên di sản cũng đặt ra những thách thức. Trước hết, sự cân bằng giữa bảo tồn tính xác thực của di sản văn hóa với nhu cầu sáng tạo, phát triển và đổi mới đô thị có thể là một bài toán khó nếu nhà quản lý bị phân vân giữa quan điểm quy chất (tìm về giá trị nguyên gốc) và kiến tạo (cho phép các khả thể để đổi mới, sáng tạo và địa phương hóa) trong bảo tồn và phát huy di sản văn hóa. Các TP sáng tạo có thể phải đối mặt với xung đột giữa việc bảo tồn các công trình kiến trúc lịch sử và thúc đẩy các phong cách kiến trúc mới hoặc cơ sở hạ tầng đương đại. Vượt qua các định kiến trong nhận thức, các di sản kiến trúc của các thời kỳ lịch sử khác nhau, với những nỗ lực bảo tồn sáng tạo, đều xứng đáng có chỗ đứng trong TP sáng tạo. Mặt khác, như quan điểm của UNESCO trong Công ước 2003, " di sản văn hóa phi vật thể được các cộng đồng và các nhóm người không ngừng tái tạo để thích nghi”, và "các cá nhân bản địa đóng một vai trò hết sức quan trọng trong việc tạo ra, bảo vệ, duy trì và tái sinh di sản văn hóa phi vật thể, từ đó làm giàu thêm sự đa dạng văn hóa và tính sáng tạo của con người”. Một TP sáng tạo, do đó, nên khuyến khích sự tham gia và gắn kết của cộng đồng địa phương trong việc tái sinh di sản của họ, làm giàu thêm tính tự sự cho bản sắc đô thị. Việc bỏ qua di sản sống, truyền khẩu, có thể dẫn đến một sự trình hiện văn hóa tĩnh tại và rời rạc.

Mặt khác, TP sáng tạo cũng cần có nhận thức rõ về nguy cơ của sự hàng hóa hóa văn hóa trong khai thác di sản. Khi di sản được "đóng gói” và trưng bày để tiêu thụ đại chúng, sẽ có nguy cơ đơn giản hóa quá mức và rập khuôn các mẫu hình được coi là "truyền thống văn hóa”. Việc đồng nhất sự "kiến tạo” thành "khai thác” thuần túy cho mục đích kinh tế có thể khiến cho các biểu đạt văn hóa phong phú và phức hợp có thể bị giản lược thành các trình hiện đơn giản, củng cố các khuôn mẫu văn hóa và làm mờ nhạt sự đa dạng của di sản TP. Khi những khía cạnh nhất định của di sản văn hóa được ưu tiên hơn các khía cạnh khác, khi tính vật thể được chú trọng hơn các giá trị phi vật thể nhằm thu hút khách du lịch, một số cộng đồng – các chủ thể của di sản – có thể bị ngoài lề hóa trong chính không gian di sản của họ. Thậm chí, khi các địa điểm di sản và các hoạt động văn hóa được thương mại hóa vì mục đích du lịch, có khả năng một số cá nhân và cộng đồng địa phương phải di dời để góp phần vào quá trình chỉnh trang cho một TP sáng tạo. Điều này có thể làm tổn hại đến những người thực hành sáng tạo địa phương. Vì vậy, đề cao di sản trong TP sáng tạo cần một cái nhìn tổng thể có tính bao trùm, cân nhắc sự cân bằng giữa văn hóa và kinh tế, và vai trò của các chủ thể di sản. Một TP sáng tạo cần tạo điều kiện để di sản có thể phản ánh những câu chuyện và bản sắc văn hóa đa dạng vốn là đặc trưng của TP, cũng như không làm nghèo đi các biểu đạt văn hóa phong phú của chính nó.


Ơ Kìa Hà Nội

Kết luận

Di sản văn hóa là trụ cột quan trọng trong sự phát triển của một TP sáng tạo thịnh vượng. Khác với một số quan niệm trước đây cho rằng di sản là cái gì đó xưa cũ, thuộc về quá khứ và có thể xung đột với phát triển – nhận thức rằng di sản văn hóa như một sự kiến tạo đương đại và là động lực cho sáng tạo sẽ tạo ra khả thể mới trong việc bảo tồn di sản một cách linh hoạt và thích ứng. Nhưng tương tác với di sản, với tư cách là một tài sản văn hóa thấm đẫm dấu ấn thời gian và sự đắp bồi về nghĩa của nhiều thế hệ, cần một cái nhìn đa chiều và toàn diện. Suy cho cùng, điều quan trọng nhất và cũng có ý nghĩa nhất đối với những nỗ lực xây dựng TP sáng tạo – Đó là vì con người. Một TP sáng tạo cần nuôi dưỡng những giá trị cộng đồng, tính nhân văn, nâng cao phúc lợi xã hội và kinh tế, và đặc biệt là đời sống tinh thần cho cư dân của mình. Các cộng đồng và di sản của họ phải được công nhận và được dành cho những không gian để thể hiện sự sáng tạo của riêng mình. Ký ức, cảm xúc, khát vọng và sự sáng tạo của các cư dân TP chính là nguồn tài nguyên lớn nhất và bền vững nhất cho một TP sáng tạo. Bằng cách thu hút các cộng đồng địa phương vào việc bảo tồn, diễn giải và tôn vinh di sản, TP sẽ nuôi dưỡng cảm giác thân thuộc, niềm tự hào và quyền sở hữu tập thể, từ đó hình thành nên một hệ sinh thái sáng tạo toàn diện và đa dạng hơn. Phương pháp tiếp cận chỉnh thể, toàn diện và có sự tham gia, lấy hạnh phúc của cư dân TP là mục đích trung tâm, sẽ tạo ra khả thể để bảo tồn di sản một cách hữu hiệu và thích ứng với bối cảnh đương đại.

PGS.TS Phạm Quỳnh Phương
Khoa Các khoa học liên ngành, Đại học Quốc gia Hà Nội
Theo Tạp chí Kiến trúc

Tags kiến tạo di sản sáng tạo cảnh quan đô thị đô thị thành phố kiến trúc không gian đô thị

Các tin khác

Những công trình nhận được chứng nhận LEED không chỉ mang đến không gian sống và làm việc hiện đại, mà còn là minh chứng cho tương lai bền vững của ngành kiến trúc.

Trong bối cảnh thách thức về biến đổi khí hậu và sự cần thiết của việc bảo vệ hệ sinh thái, lĩnh vực kiến trúc cảnh quan không chỉ là môi trường cho người làm nghề thỏa sức thể hiện sự sáng tạo, mà còn là bản ngã của một xã hội đang hướng tới tương lai bền vững.

Thiết kế công trình bền vững, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả đang là xu hướng kiến trúc chủ đạo hướng đến tăng trưởng xanh toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng.

Hướng tới các đô thị xanh, có rất nhiều chỉ tiêu về hạ tầng đô thị xanh, công trình xanh, các sản phẩm đô thị … Hành lang xanh trong cấu trúc đô thị đóng góp một vai trò rất quan trọng cho mục đích phát triển bền vững của đô thị.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục