Cảnh sắc và khí vị phố phường, nhà cửa Sài Gòn 100 năm trước

  • Cập nhật: Thứ tư, 24/2/2021 | 4:23:54 PM

QLMT - Thành phố Hồ Chí Minh hiện giờ - đường sá chen chúc, cao ốc dày đặc, nhiều nhà chọc trời mọc lên đủ kiểu. Quang cảnh thành phố đầu thế kỷ 21 không khác những đô thị khổng lồ của châu Á hiện đại. Thế còn đầu thế kỷ 20, Sài Gòn lúc ấy trông ra sao?

canh-sac-va-khi-vi-pho-phuong-nha-cua-sai-gon-100-nam-truoc-1
Tác giả và bản đồ Sài Gòn năm 1925 tại Thư viện Quốc gia Pháp.

Thời ấy, Sài Gòn có cảnh sắc thành phố Tây và có khí vị của một chốn đô hội lớn! Người đưa ra nhận xét này là nhà báo Phạm Quỳnh, một trí thức Bắc Hà uyên bác và nhiệt huyết. Ông đặt chân lần đầu đến thủ phủ Nam kỳ năm 1918. Nhân dịp đầu xuân, ta hãy cùng Phạm Quỳnh và một số nhà văn, nhà báo thuở đó, thử dạo chơi phố xá Sài Gòn 100 năm trước để xem cảnh sắc và khí vị của chốn đô hội thời xưa và thời nay khác nhau như thế nào!

Đường phố xanh đẹp, thiết kế sáng tạo

Mở đầu phóng sự Một tháng ở Nam kỳ (*), Phạm Quỳnh kể lại ấn tượng đầu tiên về Sài Gòn là vẻ mĩ miều, khả ái mà sán lạn. Nó thể hiện trước nhất ở các đường phố đều đặn, sắp đặt khang trang, có nhiều khoảng ở giữa để trồng cỏ và kể cả các tượng đồng kỷ niệm. Chiều tối đến, hai bên đường, đèn điện được thắp sáng như một dãy những quả bóng lấp loáng, thả phấp phới, rất ngoạn mục.

Trong khi ấy, một cây bút người Anh đến Sài Gòn năm 1925,  cũng "phải lòng” ngay với những con đường sạch đẹp và rợp bóng cây xanh của Sài Gòn. Trong du ký Nam Á(**), nhà văn Horace Bleackley gọi đó là những đường hầm lạnh mát (cool tunnel) chống đỡ ánh nắng chói chang. Thậm chí, ông nói người Anh cần học hỏi người Pháp về việc trồng cây trên đường phố ở các thành phố thuộc địa miền nhiệt đới.   

Quả thật, Sài Gòn không ngẫu nhiên có được khung cảnh trên. Giờ đây ngắm nhìn các bản vẽ phối cảnh 3D quy hoạch Sài Gòn 1880 và 1900, các thế hệ đời sau hẳn ngỡ ngàng trông thấy người Pháp thiết kế một thành phố êm đềm với hai tông màu xanh và đỏ! Đó là màu xanh của các hàng cây chạy dọc các đường phố và bờ sông cùng bờ rạch thoáng đãng. Và rồi những công viên lớn, những thảm cỏ xanh, những bồn phun nước giữa phố. Xa xa, vòng ngoài thành phố, là đồng ruộng và vườn tược xanh tươi. Trong khi ấy, màu đỏ là màu ngói của những dãy phố thấp tầng đều đặn và những dinh thự duyên dáng - làm hợp điểm của các giao lộ. Đặc biệt, nhà thờ lớn có toàn thân màu gạch đỏ và hai tháp chuông cao vút!


canh-sac-va-khi-vi-pho-phuong-nha-cua-sai-gon-100-nam-truoc-2
Khu Phố Chợ Bến Thành và nhà ga xe lửa Sài Gòn, bình dân và hiện đại, kết nối hiệu quả dân cư-thương mại-giao thông (ảnh tư liệu).

Cách xếp đặt ấy, theo đúng phong cách thiết kế của Haussman - người chỉnh trang Paris cùng thời. Tuy nhiên, các kiến trúc sư Pháp khi đến xứ sở sông nước nhiệt đới này đã bổ sung vào một mô hình đô thị mới mẻ so với châu Âu. Họ đã sáng tạo Sài Gòn là Garden City (thành phố Vườn), hay City of Garden (thành phố trong Vườn)! Phải chăng đó chính là mô hình đô thị chất lượng cao mà Singapore - thời nay đã và đang làm được, khiến nhiều nơi khác phải ganh tỵ? Còn chúng ta, rất đáng tiếc và đáng trách khi không giữ được khung cảnh tuyệt vời ấy. Mặt khác, sang thế kỷ 21, Sài Gòn đang trở nên khô khan và đơn điệu, bởi những khối bê tông dồn nén mọi phía!

Các dinh thự quý phái và trang nghiêm

Phạm Quỳnh kể con đường đẹp nhất và trang nghiêm nhất của Sài Gòn là con đường đi thẳng vào Dinh Toàn Quyền mà người sở tại gọi là Tòa Chánh Soái (nay là Dinh Độc lập). Tác giả viết, hai bên đường có các khu vườn trồng những cây lớn, tối trông như hai đám rừng nhỏ. Ông miêu tả nhiều chi tiết bề thế và thanh thoát của dinh thự này, đặc biệt là ngôi vườn rộng lớn xung quanh dinh. Phạm Quỳnh cho rằng nó đẹp hơn và trông không nặng nề như Dinh Toàn Quyền ở Hà Nội. Buổi tối, khi dinh được thắp đèn sáng choang, trông xa tưởng tượng như một lâu đài bằng ngọc có trăng chiếu, chon von ở giữa khoảng rừng rậm tĩnh mịch u sầu, khác nào như trong truyện thần tiên vậy. 

Giờ đây, cây xanh hai bên đại lộ Lê Duẩn và ngôi vườn lớn quanh dinh còn đó. Song chúng ta không còn được cảm giác thần tiên như người xưa thụ hưởng, bởi không gian ở khu vực này đã bị vây quanh bởi nhiều cao ốc vượt lên hẳn chiều cao của dinh và Nhà thờ Đức Bà. Thêm nữa, nhiều cờ quạt, panô và banner quảng cáo hay tuyên truyền thường xuyên hiện diện tại đây. Chưa kể nhiều hình thức và phương tiện trang trí lòe loẹt tràn ngập vào các dịp lễ hội. 

Cũng may, Sài Gòn còn giữ được một số dinh thự quý phái mang đường nét châu Âu phong cách Tân Cổ Điển như Nhà Bưu điện, Dinh Thống Đốc (nay là Bảo tàng thành phố), Dinh Xã Tây (trụ sở UBND TP.HCM), Dinh Thượng Thơ (59-61 Lý Tự Trọng), Tòa án, Nhà hát Lớn… Kế đến, một số tòa nhà bề thế hòa hợp yếu tố Pháp và bản địa, được gọi là phong cách Đông Dương như Nhà Rồng, Nhà Hải Quan, Nhà Chú Hỏa (Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM), Ngân hàng Đông Dương (Ngân hàng Nhà nước), Phòng Thương mại Pháp (Sàn giao dịch chứng khoán).

Hết thảy các dinh thự này hiện tại so với những bức ảnh chụp nguyên gốc vào đầu thế kỷ trước, kỳ diệu thay vẫn còn khá nguyên vẹn. Nếu không còn những lâu đài này - chữ của Phạm Quỳnh gọi các dinh thự Pháp, Sài Gòn không chỉ bị tước đi đường nét hội nhập văn hóa Á-Âu đặc sắc mà còn tan biến nhiều cột mốc ký ức vô giá của biết bao thế hệ trẻ già!

Phố Tây hoa lệ và lịch lãm

Hồ Biểu Chánh, nhà văn đặc sệt Nam kỳ, nổi tiếng từ những năm cuối 1920, không chỉ viết sắc sảo về đồng quê Lục Tỉnh. Trong nhiều tiểu thuyết, ông còn miêu tả một Sài Gòn đô hội với đủ khung cảnh Phố Tây, Phố Ta và Phố Tàu. Trong đó, Phố Tây chính là các con đường phồn hoa Catinat (Đồng Khởi), Charner (Nguyễn Huệ), Bonard (Lê Lợi) và đường chạy dọc bờ sông từ quảng trường Rigault de Genouilly (Mê Linh) đến khách sạn Majestic, từng có thời mang tên Napoléon.

Các con đường này tập hợp các cửa hàng bách hóa, nhà hàng, khách sạn, tửu quán, tiệm cà phê, tiệm nhảy, show room xe hơi, tiệm thuốc Tây và hãng buôn nổi tiếng… Nhà văn Bleackley ghi nhận đường Catinat lịch lãm chẳng khác gì Bond Street của London hay Rue de La Paix của Paris. Nơi đây, dập dìu tài tử, giai nhân và ngay cả văn nhân mà sự thâm nhập điển hình của văn hóa Pháp, trở thành tập tục mới của người Sài Gòn chính là nhâm nhi cà phê, đọc báo, uống bia, tán gẫu và "bát phố” vào chiều tối và cuối tuần!


canh-sac-va-khi-vi-pho-phuong-nha-cua-sai-gon-100-nam-truoc-3
Giao lộ Lê Lợi - Nguyễn Huệ những năm 1920 với dinh thự và nhà phố Tây phương (ảnh của Crespin, nhiếp ảnh gia Pháp ở Sài Gòn đầu thế kỷ 20).

Những bức ảnh và thước phim xưa về Sài Gòn những năm 1920-1930 cho thấy nhà cửa trên các con đường trên là nhà phố liền dãy hay nguyên khối 3-4 tầng. Chúng không còn là những nhà ngói đơn lẻ 1-2 tầng như vào cuối thế kỷ 19. Đáng chú ý, ở đầu đường Catinat đã mọc lên 2 chung cư căn hộ cao cấp đầu tiên của Sài Gòn, mang phong cách Art Décor duyên dáng. Đó là tòa nhà 26 La Grandière (Lý Tự Trọng), xây dựng năm 1930, từng là nơi đặt văn phòng và nhà riêng của lãnh sự Mỹ.

Gần đó, tòa nhà 213 Catinat, xây dựng năm 1935, đối diện công viên Pages (Chi Lăng). Tòa nhà này được nhiều lãnh sự quán đặt văn phòng, đồng thời cũng là trụ sở của Tổng cục Du lịch Đông Dương. Vào năm 2009, không may tòa nhà 213 đã bị phá bỏ để lấy đất mở rộng cánh trái của trụ sở UBND TP.HCM.

Trong khi đấy, Phố Tây còn là các con đường villa - biệt thự, nằm ở các khu vực kế cận vườn Tao Đàn và Tân Định, Đa Kao. Nhiều biệt thự mang kiểu dáng bắc Pháp, nam Pháp với nhiều phong cách kiến trúc khác nhau theo tùy thời kỳ. Nhiều biệt thự theo dạng bungalow - kiến trúc 2-3 tầng, có bậc thang cao dẫn lên tầng trên với nhiều khung cửa lớn trổ ra nhiều mặt đón gió. Tất cả đều có sân vườn rộng và cây xanh bao quanh.


canh-sac-va-khi-vi-pho-phuong-nha-cua-sai-gon-100-nam-truoc-4
Bức tranh phối cảnh 3D quy hoạch Sài Gòn năm 1900 cho thấy Sài Gòn Xưa (quận một, quận ba và quận tư ngày nay) được thiết kế là Garden City (tranh đang lưu tại trụ sở UBND TP.HCM).

Các biệt thự Pháp cổ điển vẫn đang tồn tại - ở liền kề ngoài mặt phố hoặc tập hợp kín đáo trong các hẻm lớn bên trong các đường Sương Nguyệt Ánh, Bùi Thị Xuân, Tú Xương, Lê Quý Đôn, Ngô Thời Nhiệm, Điện Biên Phủ, Võ Thị Sáu, Trần Quốc Thảo, Phạm Ngọc Thạch, Đặng Dung, Đặng Tất… Theo thống kê, hiện chỉ riêng khu vực phường 6 và phường 7 quận ba đang có đến 111 biệt thự quý hiếm! 

Phạm Quỳnh lúc đến thăm Sài Gòn lần đầu, chỉ mới 26 tuổi, nhưng đã suy ngẩm: Cái cảm giác của người mới bước chân tới đây là cái cảm giác vui, vui mà tin cậy ở cái tương lai, chớ không phải buồn mà thương tiếc cho sự ký vãng. Mặt khác, ông nhận xét: Nếu cái hình thức mới cũng đủ mà các đặc sắc cũ vẫn còn thì mới thật xứng đáng vậy. Vâng, dù đã hơn 100 năm, lời nói đó vẫn thể hiện cái nhìn cao kiến trong xây dựng đô thị.

Ngày nay, quy hoạch và thiết kế đô thị cũng như xây dựng sinh hoạt của từng gia đình, đều cần giữ được sự hài hòa giữa XƯA và NAY, giữ được các di sản và giá trị hay đẹp của quá khứ,  trong lúc vẫn phát triển cái mới cho hiện tại và tương lai. Mong là Sài Gòn phải và sẽ làm được như thế để vẫn giữ được cảnh sắc và khí vị của một đô hội quốc tế nhưng chân dung và chất lượng sống đều có được những bản sắc riêng bền vững - xuyên thời gian!

Phố Ta bình dân, náo nhiệt

Phạm Quỳnh khen kiến trúc và không gian của chợ Bến Thành rất vĩ đại, hơn hẳn chợ Đồng Xuân. Trong đó, theo ông, ấn tượng nhất là chiếc tháp đồng hồ khổng lồ, đem đến cảm giác vững vàng và lực lưỡng như một pháo đài. 

Vây quanh chợ Bến Thành là ba dãy phố lớn: Schroeder (Phan Châu Trinh), Vienot (Phan Bội Châu), Espagne (Lê Thánh Tôn) và các con phố nhỏ phân cách các khối nhà như Courbet (Nguyễn An Ninh), Sabourain (Lưu Văn Lang), Garros (Thủ Khoa Huân). Đây là các phố chuyên buôn bán vàng, trà rượu, vải vóc, quần áo, giày dép, hàng tiêu dùng từ thượng hạng đến trung lưu. Đan xen vào đó là các khách lầu (nhà hàng và khách sạn), tiệm nước, quán ăn. Cả ba đều là loại nhà phố shop-house ba tầng cao ráo, rộng rãi và kiên cố. Theo cụ Vương Hồng Sển, tại khách lầu Cửu Long Giang ở góc Espagne-Garros vào những năm 1910 chính là nơi đầu tiên trình diễn đờn ca tài tử. Tòa nhà này hiện còn nguyên dáng xưa, phần trên lầu hiện trở thành nhà hàng Pizza 4P nổi tiếng. 

Theo khảo sát của người viết, ở dãy phố Phan Châu Trinh (tên xưa là Schroeder), mỗi căn dài đến 30m, rộng khoảng 5m, phần ngoài tầng trệt là cửa hàng, bên trong có không gian làm bếp hoặc kho hàng. Mỗi nhà có cầu thang lớn dẫn lên hai tầng trên, chia ra nhiều phòng to. Mái nhà lợp ngói, bên dưới là tầng thông khí, có thể qua lại từ nhà này qua nhà kia. Khác với các dãy shop-house ở Singapore do người Anh thiết kế có nhiều chi tiết thể hiện hoa văn và đường nét hòa hợp Âu-Á-Ấn, các nhà phố chung quanh chợ Bến Thành có kiểu dáng đơn giản hơn nhưng rất phù hợp cho thương mại và sinh hoạt.

Hiện tại, dãy phố Phan Châu Trinh, hầu như còn giữ được kiểu dáng xưa chưa bị kiến trúc mới xen vào. Cả khu chợ Bến Thành bao gồm CHỢ và PHỐ rất xứng đáng được xếp hạng và tôn vinh là Di sản kiến trúc và lịch sử.


canh-sac-va-khi-vi-pho-phuong-nha-cua-sai-gon-100-nam-truoc-5
Hào Sĩ Phường (206 đường Trần Hưng Đạo B, quận 5, TP.HCM) với hơn 100 năm tồn tại giữa lòng đô thị, vẫn giữ nguyên được kiến trúc độc đáo từ thuở ban đầu.

Gần khu chợ Bến Thành, các dãy Phố Ta thời đó là các đường phố tiếp giáp ga xe lửa, đại lộ La Somme (Hàm Nghi), cảng Khánh Hội, dọc kênh Bến Nghé (Cầu Muối, Cầu Ông Lãnh, Cầu Kho). Xa hơn, Phố Ta còn có ở các vùng Phú Nhuận, Bà Chiểu (lúc ấy thuộc tỉnh Gia Định) với quy mô nhỏ, vẫn còn là vùng nửa thôn nửa thị. Chủ nhân thực sự các nhà phố phần lớn lại là các ông chủ địa ốc người Hoa, người Ấn. Riêng cộng đồng Ấn cũng có một "Little India” riêng biệt ở khu Chợ Cũ với trung tâm là góc Chaigneau (Tôn Thất Đạm) - Mac Mahon (Nam Kỳ Khởi Nghĩa). Dấu tích lớn của "Little India” là ngôi đền Hindu ở góc phố trên.

Sài Gòn cho đến 1920-1930, chỉ có khoảng 100.000 người (không tính Chợ Lớn). Phần đông người Việt là giới bình dân sống trong các nhà lá ở các xóm thợ, gần nơi chợ búa hay ven kênh rạch. Còn những người khá giả hoặc ở nhà phố, hoặc ở biệt thự. Hồ Biểu Chánh viết có nhiều ngôi nhà một tầng cất riêng dọc các con đường, có mái ngói cao hình tam giác cân, dân quen gọi là nhà bánh ít.

Phố Tàu - thành phố song sanh

Chợ Lớn thời ấy là một thành phố riêng biệt về cả hành chính và kiến trúc. Mãi đến năm 1930-1931, người Pháp mới bắt đầu hợp nhất Sài Gòn và Chợ Lớn trong một đơn vị hành chính chung. Đồng thời, mở rộng và làm thêm đường bộ thông suốt hai đô thị. Khi Phạm Quỳnh từ Sài Gòn qua Chợ Lớn, đã thốt lên: Cái cảnh tượng Chợ Lớn thật là sầm uất phồn thịnh có một nhưng nghiễm nhiên là một tỉnh Tàu! Hẳn nhiên là thế, vì ở Chợ Lớn không những nhiều đền miếu mà ngay cả các dãy nhà phố, nhà kho, chung cư, thuyền bè cũng đều có chữ Hán và mang màu sắc và đường nét kiến trúc Trung Hoa. Cư dân tại đây đa số là người Hoa bao gồm người Minh Hương lâu đời và người từ Trung Quốc sang nhập cư mỗi năm mỗi đông. 

Bleackley ghi nhận phố phường Chợ Lớn huyên náo từ sáng đến tối. Thành phố này không chỉ là nơi buôn bán họp chợ trên bến dưới thuyền mà còn là trung tâm công nghiệp với nhiều nhà máy xay lúa, xay bột và nhiều xưởng làm hàng tiểu thủ công. Thêm nữa, Chợ Lớn còn là nơi lui tới ăn uống và giải trí nhộn nhịp về đêm không chỉ của người Hoa. Cả Phạm Quỳnh và Bleackley đều ngạc nhiên khi ngắm nhìn Chợ Lớn là thành phố không ngủ. 

Có lẽ dấu tích kiến trúc duy nhất thuần châu Âu điển hình ở Chợ Lớn vẫn còn hiện diện đến giờ là nhà thờ Francis Xavier (nhà thờ Cha Tam), xây dựng năm 1902. Trong khi ấy, Chợ Lớn từng có một kiến trúc đặc sắc kiểu Pháp đồ sộ là Dinh Xã Tây (tòa thị chính), ra đời năm 1889. Tòa nhà này không còn nữa, vào những năm cuối 1950 đã bị phá bỏ để xây dựng Đại học Y Khoa.

Hiện tại, các dãy nhà phố shop-house, biệt thự xưa cũ của Chợ Lớn ở các đường Marins (Trần Hưng Đạo đoạn từ nhà hàng Đồng Khánh đến Châu Văn Liêm), Rieuner (Lương Nhữ Học), Jaccaréo (Tản Đà), Thomson (Hồng Bàng), Tổng Đốc Phương (Châu Văn Liêm)… vẫn còn đây đó. Nhờ vậy, ta có thể hình dung một Chợ Lớn tân tiến, với nhiều kiến trúc kết hợp Pháp - Hoa đã ra đời vào đầu thế kỷ 20. Từ năm 1928, Chợ Lớn có thêm chợ Bình Tây, bề thế lớn lao hơn cả chợ Bến Thành. Ngôi chợ này trở thành biểu tượng của Chợ Lớn! Đó cũng là cột mốc phát triển mới mạnh mẽ của Phố Tàu - thành phố song sanh, sau này sáp nhập hẳn vào đô thành Sài Gòn! 


Theo Phúc Tiến/ Người Đô Thị

Tags Cảnh sắc Sài Gòn 100 năm trước khí vị phố phường

Các tin khác

Đại dịch Covid-19 đã khiến các doanh nghiệp đau đầu với bài toán phân bổ ngân sách dành cho quảng cáo, nhưng đối với những doanh nghiệp sở hữu nền tảng này, điều gì còn lại cho họ?

Toàn cảnh Hội nghị

Quy hoạch tỉnh Bắc Kạn là một nội dung rất quan trọng của tỉnh, là cơ sở để lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý toàn diện, thống nhất trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, hội nhập, đối ngoại trên địa bàn.

Kể từ năm 2006 và trong hơn 30 lần tổ chức, Giải thưởng Cộng đồng Kiến trúc Thế giới WA Award đã đánh giá và công nhận các dự án có tiềm năng truyền cảm hứng, tạo dấu ấn trong kiến ​​trúc đương đại. Năm 2021, giải thưởng với tên gọi WA Awards 10+5+X 37rd Cycle đã thu về 42 đồ án dự thi từ 22 quốc gia khác nhau, trải dài từ Thái Lan, Úc, Ấn Độ, Trung Quốc… Việt Nam tự hào có 4 công trình được gọi tên trong danh sách thắng giải. Trân trọng giới thiệu đến bạn đọc các công trình Việt Nam đạt giải tại cuộc thi lần này.

Trong tổng thể không gian đô thị trung tâm Thủ đô Hà Nội được định hướng phát triển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, dòng sông Hồng như một điểm tựa để thành phố phát triển cân bằng hai bên trong tương lai.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục
 
Thời sự