Cách nào để biến hàng trăm triệu tấn 'rác' nông nghiệp thành tiền?

  • Cập nhật: Thứ bảy, 11/9/2021 | 9:36:38 AM

Năm 2020, tổng phụ phẩm nông nghiệp thải ra hơn 156 triệu tấn. Theo Thứ trưởng Trần Thành Nam, nếu như được đầu tư, chế biến nghiêm túc sẽ tạo ra nhiều sản phẩm hữu ích, tăng thêm thu nhập cho nhà nông và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Vậy làm sao để có thể biến 156 triệu tấn phụ phẩm nông nghiệp này thành tiền?

Lãng phí nhiều phụ phẩm nông nghiệp

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng khối lượng phụ phẩm năm 2020 của cả nước là trên 156,8 triệu tấn, bao gồm: 88,9 triệu tấn phụ phẩm sau thu hoạch từ cây trồng, từ quá trình chế biến nông sản của ngành trồng trọt (chiếm 56,7%); 61,4 triệu tấn phân gia súc, gia cầm từ ngành chăn nuôi (chiếm 39,1%); 5,5 triệu tấn từ ngành lâm nghiệp (chiếm 3,5%) và khoảng gần 1 triệu tấn từ ngành thủy sản (10,6%).

Trong đó, riêng khu vực Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), phụ phẩm nông nghiệp chủ yếu từ ngành trồng trọt và chăn nuôi, với hơn 13,9 triệu tấn trong năm 2020 tại Đông Nam Bộ và 39,4 triệu tấn tại ĐBSCL.

Tại hội thảo "Hiện trạng phụ phẩm nông, lâm, thủy sản và đề xuất cách xử lý” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tổ chức ngày 10/9, Tiến sĩ Nguyễn Thị Ngọc Trúc, Viện Cây ăn quả miền Nam cho biết, hiện nay trong quá trình sản xuất và thu hái, chế biến trái cây ở ĐBSCL, miền Đông Nam bộ… lượng hạt xoài, vỏ chuối, vỏ sầu riêng… rất nhiều, nhưng nhiều nơi đang để lãng phí, thậm chí còn gây ô nhiễm môi trường. Trong khi chúng ta có thể tái sử dụng để làm "phân bón hữu cơ” cho cây trồng ngay tại chính những vườn xoài, thanh long, dưa hấu…

Còn Tiến sĩ Võ Tòng Xuân - Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ cho rằng, việc thu gom, tái sử dụng các loại phụ phẩm trong nông nghiệp (chăn nuôi, trồng trọt, thủy sản, lâm nghiệp) không chỉ giúp giảm phát thải khí nhà kính mà còn giúp nông dân có cơ hội làm giàu.

"Hạt nhãn, hạt vải thiều… có rất nhiều công dụng mà chúng ta chưa khai thác hết, không chỉ làm phân bón mà có thể chế biến làm thức ăn cho gia súc, thậm chí làm thực phẩm chức năng… nhưng hiện nay chúng ta đang để lãng phí những thứ rất quý”- TS Võ Tòng Xuân chia sẻ.

Cũng tại hội thảo, Tiến sĩ Mai Thành Phụng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Trang trại và doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam, đề nghị cần đẩy mạnh truyền thông để giúp nông dân và doanh nghiệp vào cuộc, biến phụ phẩm nông nghiệp thành phân bón hữu cơ, giảm phụ thuộc nguồn nhập khẩu.

Theo ông, nếu làm tốt, có thể nâng sản lượng phân bón hữu cơ của các doanh nghiệp hiện nay từ 4 triệu tấn/năm lên 10 triệu tấn/năm. Đồng thời, chính người nông dân cũng có thể sản xuất được nguồn phân bón hữu cơ với sản lượng đạt 30 tấn/năm. Mục tiêu đến năm 2030, chúng ta có thể làm ra tới 50 tấn phân bón hữu cơ, hướng tới giảm nguồn phân bón vô cơ độc hại cho nông sản và môi trường.

Nguồn tài nguyên được ví như
Phụ phẩm nông nghiệp: Nguồn tài nguyên được ví như "vàng” đang bị lãng phí.

Biến 156 triệu tấn phụ phẩm nông nghiệp thành tiền cách nào?

Với số lượng phụ phẩm nông nghiệp khổng lồ được thải ra mỗi năm này, theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thành Nam nếu như được đầu tư, chế biến nghiêm túc sẽ tạo ra nhiều sản phẩm hữu ích, tăng thêm thu nhập cho nhà nông và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Từ đó, Thứ trưởng đặt ra bài toán làm sao để có thể biến khối nguyên liệu khổng lồ với hơn 156 triệu tấn phụ phẩm nông nghiệp này thành tiền?

Theo ông Lê Văn Thiệp, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, trong lĩnh vực trồng trọt hiện nay Việt Nam có nhu cầu sử dụng khoảng 11 triệu tấn phân bón vô cơ, với mức trung bình sử dụng là 1.000 kg/ha.

Tuy nhiên, hiệu quả sử dụng phân bón vô cơ chỉ đạt ở mức 45 - 50%. Năm 2020, Việt Nam đã sử dụng 19,5 triệu tấn phân bón hữu cơ, trong đó nông hộ tự sản xuất là chủ yếu, chiếm khoảng hơn 16 triệu tấn và sản xuất công nghiệp là 2,3 triệu tấn. Trung bình cả nước sử dụng phân bón hữu cơ khoảng 1.431 kg/ha, trong đó khu vực ĐBSCL có mức trung bình rất thấp, chỉ đạt 392 kg/ha.

Theo đánh giá, tiềm năng phụ phẩm nông nghiệp của Việt Nam có thể mang lại giá trị lên đến 4-5 tỷ USD/năm, tuy nhiên năm 2020 chỉ đạt 275 triệu USD. Vì vậy, theo ông Chinh, cần có các chính sách thu hút các doanh nghiệp vào thu gom, xử lý, chế chế biến các phụ phẩm nông nghiệp. Trong đó, tập trung ưu tiên làm ra các sản phẩm giá trị gia tăng cao, sau đó mới đến chế biến phân hữu cơ.

GS.TS Nguyễn Quang Thạch, Viện trưởng Viện sinh học (Học Viện Nông nghiệp Việt Nam) cho rằng, chế biến các phụ phẩm nông nghiệp nếu chỉ dựa vào cách làm truyền thống, như ủ phân hữu cơ thì sẽ rất lâu.

Vì vậy, cần ứng dụng công nghệ vào chế biến. Hiện nay, có doanh nghiệp làm phân hữu cơ chỉ hơn 1 tuần là ra sản phẩm. Họ sử dụng máy móc băm nhỏ, tách nước, gia nhiệt để làm khô nguyên liệu, tiêu diệt tất cả vi sinh vật gây hại, mầm bệnh… Sau đó sẽ bổ sung vi sinh vật có lợi để tạo ra sản phẩm.

Với khối lượng 156 triệu tấn phụ phẩm nông nghiệp, sẽ là nguồn nguyên liệu cực kỳ quý. Nếu được chế biến, đưa vào sử dụng sẽ tạo ra một nền nông nghiệp tuần hoàn. Đầu ra của quy trình sản xuất này sẽ là đầu vào của quy trình sản xuất khác, cho hiệu quả kinh tế cao hơn”, GS.TS Nguyễn Quang Thạch đánh giá.

Từ những ý kiến, đề xuất trên, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết, thời gian tới, ngành nông nghiệp cần tập trung để khai thác được hết tiềm năng lợi thế từ phụ phẩm nông nghiệp. Phải xác định, phụ phẩm nông nghiệp không phải thứ bỏ đi, mà đầu ra của lĩnh vực sản xuất này sẽ là đầu vào của lĩnh vực sản xuất khác, mang lại giá trị cao hơn và tạo thành chuỗi nông nghiệp tuần hoàn.

Bộ NN-PTNT cũng đang xây dựng, hoàn thiện và nhân rộng các mô hình nông nghiệp 4F (Thức ăn - Trang trại - Thực phẩm - Phân bón hữu cơ), quy trình nông nghiệp tuần hoàn hở hoặc kín để có cơ sở thực hiện việc tiêu thụ các sản phẩm là phụ phẩm nông nghiệp trong thời gian tới.

Huyền Phạm
doanhnghiep.vn

Tags phụ phẩm nông nghiệp giảm thiểu ô nhiễm môi trường phụ phẩm nông lâm thủy sản nông nghiệp 4F

Các tin khác

UBND Quận Hai Bà Trưng vừa ban hành kế hoạch về thí điểm “Quản lý, phân loại và thu gom chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn Quận Hai Bà Trưng năm 2024 - 2025”.

Ngày 25/4, đoàn viên thanh niên của Công ty Cổ phần dịch vụ hàng không sân bay Tân Sơn Nhất (SASCO) đã cùng nhau trồng hơn 1.000 cây đước trên vùng rừng ngập mặn ven biển huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre.

UBND TP.HCM vừa có văn bản yêu cầu các sở ban ngành, chính quyền địa phương, các cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường các phương án phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh mùa khô.

Phái đoàn EU tại Việt Nam, Cơ quan Phát triển Pháp AFD vừa phối hợp với UBND huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh tổ chức hội thảo khởi động chương trình tăng cường năng lực chống chịu biến đổi khí hậu của 4 tỉnh ven biển Bắc Trung Bộ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục