Dù nhìn dưới góc độ nào thì rõ ràng là người ta đang tìm cách biến một danh thắng quốc gia, di sản thiên nhiên quốc gia và quốc tế thành thứ tài sản dành riêng cho một số người.
Đó là những gì đang diễn ra với dự án Khu đô thị 10B ở phường Quang Hanh, thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh, một dự án được phê duyệt từ năm 2021 với tổng vốn đầu tư hơn 1.230 tỷ đồng, tổng diện tích gần 32 ha, trong đó gần 3,9 ha nằm trong khu vực bảo vệ 2 (vùng đệm) của di tích quốc gia đặc biệt vịnh Hạ Long, chiếm hơn 12% tổng diện tích dự án. Vịnh Hạ Long được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt ngày 12.8.2009, được UNESCO hai lần công nhận di sản thiên nhiên thế giới nhờ giá trị nổi bật toàn cầu về thẩm mỹ năm 1994 và giá trị địa chất - địa mạo năm 2000.
Theo Luật Di sản văn hóa, việc xây dựng công trình trong khu vực 2 của di tích quốc gia phải có sự đồng ý bằng văn bản của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL).
Vùng bảo vệ 2 hay vùng đệm thì cũng là vùng phải bảo vệ, vì nó bảo vệ cho chính vùng lõi của di sản. Tiếc là trong văn bản trả lời tỉnh Quảng Ninh vào tháng 2.2023 về việc triển khai dự án, Bộ VH-TT-DL thay vì kiên quyết bảo vệ toàn vẹn di sản thiên nhiên vịnh Hạ Long thì lại chỉ đề nghị tỉnh và chủ đầu tư "thực hiện các giải pháp thi công phù hợp để giảm thiểu tác động tới cảnh quan vịnh Hạ Long”, không được hạn chế tầm nhìn ra biển cũng như khả năng tiếp cận biển của khách du lịch và người dân. Thực tiễn chỉ ra rằng những đề nghị, khuyến nghị kiểu ấy chẳng có mấy tác dụng với chủ đầu tư một khi dự án đã được cho phép triển khai.
Những "mũi dao chọc vào mắt người xem” từ một dự án khu đô thị lấn biển ở Quảng Ninh. Ảnh: PC
Trên cấp bộ là Chính phủ. Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ngày 8.11.2023 đã giao cho Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ VH-TT-DL, Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh Quảng Ninh kiểm tra các nội dung được các cơ quan báo chí phản ánh tại dự án Khu đô thị 10B, xử lý theo thẩm quyền và đúng quy định.
Đến ngày 14.11, Bộ Xây dựng đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh Quảng Ninh báo cáo về quá trình thực hiện "dự án đô thị lấn biển vùng đệm vịnh Hạ Long” 10B tại phường Quang Hanh, thành phố Cẩm Phả, đồng thời chỉ đạo các sở, ngành liên quan và UBND thành phố Cẩm Phả phối hợp làm việc với Đoàn kiểm tra theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng về dự án trên.
Theo VTC News, các thông tin phản ánh cho rằng dự án Khu đô thị 10B đang được triển khai thực hiện có dấu hiệu lấn ra vịnh Hạ Long cả cây số tính từ đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả và chưa có dấu hiệu dừng lại. Nhiều núi đá của vịnh Hạ Long bị đổ đất san lấp, gần như quây kín thành "hòn non bộ” giữa dự án.
Ban Quản lý vịnh Hạ Long cũng đã có văn bản gửi UBND thành phố Cẩm Phả, Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Tài nguyên và Môi trường về việc dự án đang vi phạm nhiều vấn đề gây ảnh hưởng đến vùng đệm của di sản.
Như vậy, vấn đề ở đây không phải là, không chỉ là vấn đề thủ tục hành chính khi triển khai dự án, cũng không chỉ là vấn đề tác động tới môi trường như Chánh Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ninh đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính tổng số tiền là 125 triệu đồng đối với Công ty TNHH Đỗ Gia Capital trong việc triển khai thi công dự án, hay buộc Công ty TNHH Đỗ Gia Capital phải công khai báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt kết quả thẩm định theo quy định.
Vấn đề cốt lõi ở đây là lựa chọn giữa bảo toàn nguyên vẹn danh thắng, di sản quốc gia hay cho phép lấn biển vô nguyên tắc (lấy 3,9 ha biển thuộc vùng đệm); là thái độ đối với di sản thiên nhiên quốc gia và quốc tế, với danh thắng có một không hai trên thế giới mà thiên nhiên ban tặng cho đất nước ta. Khi một tiền lệ xấu đã được dễ dãi cho qua, ai dám bảo đảm sẽ không có lần hai, lần ba? Mà diện tích biển bị lấn chiếm tới 12% tổng diện tích của dự án chứ nào phải ít ỏi gì?
Vả chăng, nếu vùng biển bị lấn để gọi là phát triển không phải là vùng biển di sản (như Rạch Giá với dự án lấn biển Tây làm khu đô thị), sẽ chẳng ai đặt vấn đề. Nhưng dự án 10B Quang Hanh thì khác, người ta đang "ăn” vào di sản để phục vụ riêng cho những chủ sở hữu tương lai của những ngôi biệt thự đắt tiền trong dự án. Danh thắng, di sản thiên nhiên thì nằm ở một địa phương, nhưng nó là tài sản chung của mọi người dân Việt và nhà chức trách địa phương có trách nhiệm quản lý, gìn giữ nó để mang lại lợi ích không chỉ cho địa phương mình mà còn cho cả nước, và cần làm sao để tài sản chung quốc gia ấy không bị xâm hại, mai một.
Nhìn lại chiều hướng vận động những năm qua, người ta không thể không đặt câu hỏi: sau khi đã tàn phá xong rừng, đem gỗ quý về nhà để biến thành của riêng, thành phương tiện phô trương đẳng cấp "chịu chơi” của không ít quan chức, người có tiền… thì nay, với cùng một kiểu cách suy nghĩ và hành động mang tính "chiếm đoạt” ấy, người ta lại đang biến cảnh quan biển thành của riêng cho một số người. Có điều, gỗ thì đốn hạ rồi đưa về nhà, biến thành của riêng được, còn cảnh quan thiên nhiên, cảnh quan biển thì làm sao đưa "về nhà mình” để biến nó thành của riêng? Thế là người ta đã nghĩ ra cách đưa dự án bất động sản ra biển, quây lấy một vùng biển di sản thiên nhiên quốc gia và quốc tế với núi, với cảnh quan có một không hai, và biến nó thành hòn non bộ của riêng một số người.
Quả thật, một khi đã muốn thì người ta thừa thông minh để nghĩ ra cách!
Theo Đoàn Khắc Xuyên/Người Đô Thị