Cam kết COP26 đòi hỏi Việt Nam phải đầu tư nhiều lĩnh vực hơn đối với năng lượng tái tạo, quản lý chất thải đồng thời phát triển nông nghiệp xanh và vận tải carbon thấp… (Ảnh: Vietnam+)
Theo các chuyên gia, Việt Nam có nhiều cơ hội cho phát triển tài chính xanh. Theo đó cần sớm có các chính sách, công cụ và giải pháp tài chính-tiền tệ đồng bộ giúp quốc gia đạt được các định hướng, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội xanh, bao trùm và bền vững.
Chưa đi sâu vào nhận thức
Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực chỉ ra các cơ hội cho tài chính xanh tại Việt Nam đang rộng mở, vì đây là xu hướng tất yếu. Bên cạnh đó, hành lang pháp lý cho tín dụng, cổ phiếu-trái phiếu xanh, quỹ đầu tư xanh đã dần được hoàn thiện. Hơn nữa, chiến lược tăng trưởng xanh đặt ra yêu cầu nguồn vốn rất lớn từ tín dụng, chứng khoán xanh. Trên thực tế, cam kết COP26 đòi hỏi Việt Nam phải đầu tư nhiều lĩnh vực hơn đối với năng lượng tái tạo, quản lý chất thải đồng thời phát triển nông nghiệp xanh và vận tải carbon thấp…
Tuy nhiên, TS Cấn Văn Lực cũng chỉ ra một số thách thức đối với nền tài chính xanh. Cụ thể, thị trường vẫn chưa có các sản phẩm tài chính xanh đặc thù và cụ thể (bao gồm cả sản phẩm tín dụng xanh và chứng khoán xanh). Về hành lang pháp lý mặc dù khá hoàn thiện, song xét về tổng thể lại thiếu nhất quán, nhất là các quy định về phân loại xanh và xác nhận dự án được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh…
Một yếu tố quan trọng khác được ông Cấn Văn Lực đề cập là việc thẩm định, đánh giá và quản lý rủi ro môi trường, xã hội đang gặp nhiều khó khăn, do đội ngũ chuyên gia, nhân sự trong lĩnh vực này tại Việt Nam rất khá hạn chế. Hiện nay, các cấp quản lý thiếu cơ chế phối hợp và ưu đãi cho các hoạt động tài chính xanh (như ưu đãi thuế-phí, hạn mức tín dụng, lãi suất…).
Việc thẩm định, đánh giá và quản lý rủi ro môi trường, xã hội đang gặp nhiều khó khăn, do đội ngũ chuyên gia, nhân sự trong lĩnh vực này tại Việt Nam rất khá hạn chế. (Ảnh: Vietnam+)
Ông Cấn Văn Lực phân tích các dự án xanh thường có kỳ hạn dài (có thể lên đến 20 năm) với chi phí đầu tư khá lớn. Trong khi, các nguồn vốn cho vay của các tổ chức tín dụng thường là vốn huy động ngắn, trung hạn. Thêm vào đó, nhận thức của các nhà đầu tư thị trường chứng khoán đối với ESG (Môi trường, xã hội và quản trị), tài chính xanh và bền vững chưa cao và đồng đều. Đến thời điểm này, nhiều công ty niêm yết chưa chủ động trong việc đưa ESG vào định hướng kinh doanh và quản trị doanh nghiệp. Do đó, việc phát hành cổ phiếu xanh trên thị trường hầu như chưa có.
Là một nhà đầu tư tổ chức trên thị trường, ông Quan Đức Hoàng, Thành viên HĐQT Công ty Quản lý quỹ Amber, Chủ tịch Quỹ đầu tư A+, cho biết một trong những thách thức chính khi vận hành quỹ đầu tư xanh tại Việt Nam, là việc nhiều doanh nghiệp chưa thực sự hiểu rõ về tiêu chí xanh trong ngành nghề của mình. Vì vậy, các quỹ đầu tư đều có bộ tiêu chí riêng, tuy nhiên điều này cũng mang đến đa dạng về lựa chọn cho cả cho quỹ đầu tư và doanh nghiệp.
Theo ông Quan Đức Hoàn, các quỹ đầu tư xanh có vai trò cung cấp vốn và tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật và quản lý rủi ro, giúp các doanh nghiệp áp dụng các tiêu chuẩn và thực hành bền vững. Các quỹ đầu tư giúp doanh nghiệp tạo ra những thay đổi căn bản trong cách thức sản xuất và tiêu thụ, hướng tới một nền kinh tế xanh và bền vững hơn, bằng cách đầu tư vào các công nghệ xanh, năng lượng tái tạo và các giải pháp kinh tế tuần hoàn.
"Để có thể kết nối và nhận được đầu tư từ các quỹ, các doanh nghiệp cần xác định rõ nhu cầu và lộ trình phát triển, trên cơ đó tìm hiểu kỹ các quy định và tiêu chí của các quỹ trước khi hợp tác,” ông Quan Đức Hoàng chia sẻ.
Cần đồng bộ giải pháp
Để thúc đẩy dòng vốn xanh vào nền kinh tế, ông Cấn Văn Lực khuyến nghị cần triển khai đồng bộ nhóm giải pháp. Bao gồm, việc gắn kết các chiến lược, kế hoạch phát triển và tài chính xanh với quy hoạch, chiến lược phát triển kinh tế-xã hội. Thứ đến, Chính phủ sớm ban hành Danh mục "phân loại xanh,” trong đó có xác định lĩnh vực, ngành nghề ưu tiên và tổ chức thẩm định tiêu chuẩn xanh.
Bên cạnh đó, Chính phủ có cơ chế, tiêu chí, phương thức đo lường và kiểm kê mức độ phát thải khí nhà kính. Đặc biệt là ban hành chính sách định hướng thay đổi hành vi (tiêu dùng, sinh hoạt..) và đầu tư cơ sở hạ tầng xanh, khuyến khích, hỗ trợ đổi mới sáng tạo. Để hiện thực hóa các chính sách trên, Chính phủ cần có cơ chế hỗ trợ tài chính (thuế, phí, lãi suất…) cho các sản phẩm, dịch vụ xanh. Cụ thể là nghiên cứu thành lập "Quỹ chuyển đổi xanh,” "Quỹ đầu tư mạo hiểm xanh,” "Quỹ tăng trưởng xanh.” Chính phủ cũng càn có chính sách thu hút nguồn lực tư nhân tham gia đầu tư xanh, từ đó xây dựng hệ sinh thái tài chính xanh, thành lập thị trường tín chỉ Carbon, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực tham gia quá trình xanh hóa, xây dựng cơ sở thông tin, dữ liệu phục vụ dự báo và quản lý rủi ro môi trường, biến đổi khí hậu.
Chính phủ có chính sách thu hút nguồn lực tư nhân tham gia đầu tư xanh, từ đó xây dựng hệ sinh thái tài chính xanh, thành lập thị trường tín chỉ Carbon. (Ảnh: Vietnam+)
Ông Lê Hoàng Lân, đại diện Vụ Tài chính, tiền tệ - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho rằng để tháo gỡ những khó khăn vướng mắc còn tồn tại, thúc đẩy hoạt động tài chính xanh, Việt Nam cần thực hiện ba nhóm giải pháp hoàn thiện khuôn khổ pháp lý tài chính.
Thứ nhất là nhóm tín dụng xanh. Trong đó, các tổ chức tín dụng cần được hỗ trợ tiếp cận các nguồn vốn dài hạn, ưu đãi hoặc có cơ chế chia sẻ lãi suất cho vay với các tổ chức tín dụng để có thể cung cấp các khoản tín dụng với thời hạn dài và lãi suất ưu đãi cho các ngành/lĩnh vực xanh.
Thứ hai là nhóm trái phiếu xanh, các cấp quản lý cần tăng cường minh bạch công bố thông tin của các doanh phát hành trái phiếu xanh, các báo cáo về sử dụng nguồn vốn từ trái phiếu xanh cần được đánh giá minh bạch, khách quan từ tổ chức có chuyên môn và được công khai để bất cứ nhà đầu tư nào cũng có thể theo dõi nguồn vốn của mình trong từng dự án xanh. Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam cần có sách ưu đãi khuyến khích các nhà đầu tư mua trái phiếu xanh, bởi khi mức thuế đánh trên các công cụ nợ cao hơn có thể làm giảm tính hấp dẫn của trái phiếu.
Thứ ba là xây dựng định hướng cho doanh nghiệp các danh mục dự án xanh ưu tiên, ưu đãi theo lộ trình từ nay đến 2050.
Bà Nguyễn Thanh Nga - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách tài chính, Bộ Tài chính thì nhấn mạnh trong bối cảnh hiện tại, xây dựng và triển khai toàn diện các định hướng, giải pháp tài chính xanh để đổi mới mô hình tăng trưởng xanh là rất cần thiết. Mục tiêu tập trung vào việc nâng cao khả năng huy động và sử dụng các công cụ tài chính xanh nhằm đảm bảo đầu tư hiệu quả.
Do đó, bà Nguyễn Thanh Nga cho rằng cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung theo hướng mở rộng đối tượng chịu thuế bảo vệ môi trường nhằm bao phủ được các nguồn gây tổn hại cho môi trường. Ngành Tài chính rà soát tổng thể các chính sách ưu đãi về thuế, dành ưu tiên lớn hơn cho các dự án tăng trưởng xanh, bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu. Đặc biệt là tăng chi thường xuyên cho sự nghiệp bảo vệ môi trường vì mục tiêu tăng trưởng xanh.
Mặt khác, các quy định về mua sắm công xanh cần phải sớm hoàn thiện. Về đầu tư, các cấu phần của thị trường chứng khoán xanh cần có các giải pháp hỗ trợ triển khai đồng bộ cũng như đối với thị trường bảo hiểm xanh, cần phát triển an toàn, bền vững, hiệu quả.
Ngoài ra, bà Nga nhấn mạnh đến việc hoàn thiện hành lang pháp lý cho phát triển thị trường tín chỉ carbon. Cụ thể là thúc đẩy xây dựng sàn giao dịch tín chỉ carbon cùng với quy chế tổ chức, vận hành để thị trường trong nước chính thức hoạt động, kết nối với thị trường khu vực, thế giới.
Hạnh Nguyễn/vietnamplus.vn