Hà Nội xây Cung Thiếu nhi mới, “số phận“ hơn 8.000m2 cơ sở cũ tại quận Hoàn Kiếm sẽ ra sao?

  • Cập nhật: Thứ ba, 16/3/2021 | 1:45:52 PM

QLMT - Hà Nội vừa tiến hành lễ động thổ Cung Thiếu nhi mới với số vốn hơn 1.300 tỷ đồng. Đây là tin mừng cho thế hệ trẻ Thủ đô, nhưng "số phận" của Cung Thiếu nhi cũ sẽ ra sao cũng là điều dư luận đang quan tâm lúc này.

Cung Thiếu nhi Hà Nội cũ nằm trên phố Lý Thái Tổ (Hoàn Kiếm), có diện tích 8.100m2. Thời Pháp thuộc, khu vực Cung Thiếu nhi mang tên "Ấu Trĩ Viên” (vườn trẻ). Toà nhà kiến trúc Pháp trong cung là nơi Hồ Chủ tịch cùng đại diện chính phủ Pháp ký Hiệp định sơ bộ ngày 6/3/1946.

Từ ngày tiếp quản Thủ đô (1954) đến nay, toà nhà vẫn được sử dụng để phục vụ cho thiếu niên, nhi đồng. Trong đó, toà nhà Pháp có phòng truyền thống, phòng học, phòng làm việc của Ban Giám hiệu và một số phòng chuyên môn khác. Từ khu vui chơi chỉ dành cho con em các gia đình giàu có, Câu lạc bộ Thiếu nhi Hà Nội - tiền thân của Cung Thiếu nhi - ra đời ngày 1/6/1955 đã thu hút hàng vạn con em những người lao động đến tham gia sinh hoạt, trở thành lá cờ đầu trong phong trào "việc nhỏ nghĩa lớn, chống Mỹ cứu nước” của thiếu nhi Hà Nội.

Năm 1974, Tiệp Khắc đã giúp đỡ xây dựng toà nhà 6 tầng với diện tích sàn hơn 10.000m2, gồm 100 phòng học. Năm 1985, công trình được cải tạo, nâng cấp.

Trong quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc khu phố cổ (do UBND TP. Hà Nội ban hành năm 2015), quần thể xung quanh toà nhà Ấu Trĩ Viên được yêu cầu bảo vệ nguyên trạng.

ha-noi-xay-cung-thieu-nhi-moi-vi-tri-dat-cu-se-lam-gi-1
Cung Thiếu nhi Hà Nội đã tồn tại hơn nửa thế kỷ.

Hơn nửa thế kỷ qua, biết bao thế hệ người Hà Nội đã gắn bó với Cung Thiếu nhi Hà Nội như ngôi nhà tuổi thơ, bên cạnh tượng đài Vua Lý Thái Tổ và Hồ Gươm huyền thoại.

Tuy nhiên, qua gần 40 năm sử dụng, nhiều trang thiết bị, cơ sở vật chất xuống cấp... Do đó việc xây dựng Cung Thiếu nhi mới rất cần thiết. Tuy nhiên, hiện Hà Nội chưa thông tin việc sau khi hoàn thành dự án Cung Thiếu nhi mới, hơn 8.000m2 cơ sở cũ tại quận Hoàn Kiếm được ví như khu đất kim cương sẽ được sử dụng ra sao? Đây là điều mà người dân đang rất quan tâm khi thực tế đã có nhiều khu vực đất công cộng bị chuyển đổi mục đích thành nhà cao tầng, khách sạn…

ha-noi-xay-cung-thieu-nhi-moi-vi-tri-dat-cu-se-lam-gi-2
PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh.

Nhìn nhận về vấn đề này, chuyên gia kinh tế, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh cho hay, việc xây dựng Cung Thiếu nhi phải vừa đáp ứng nhu cầu, vừa cần thuận lợi cho đi lại. Cung Thiếu nhi cũ nằm ở khu vực trung tâm, đáp ứng được các điều kiện đó, tuy nhiên qua nhiều thập kỷ sử dụng, nay đã cũ kỹ và xuống cấp, không còn phù hợp với nhu cầu trong bối cảnh mới. Việc xây cung mới là cần thiết, nhưng theo vị chuyên gia, cùng với tốc độ đô thị hóa, sự gia tăng dân số thì nhu cầu sinh hoạt, vui chơi, phát huy tài năng, sở trường của con trẻ hiện đang rất lớn. Vì thế, phần đất cũ chỉ cần cải tạo, điều chỉnh để có thể tiếp tục trở thành công trình phúc lợi xã hội, đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí cho thiếu niên ở khu vực trung tâm.

PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh thêm: Đất Cung Thiếu nhi cũ là đất dành cho phúc lợi công cộng, nên phải giữ nguyên mục đích đó để tiếp tục phục vụ lợi ích cộng đồng xã hội, không được thu hồi để rồi sau đó chuyển đổi thành mục đích khác. Giả sử nếu xóa dấu vết Cung Thiếu nhi cũ bằng cách chuyển hóa thành công trình nhà ở hay khách sạn… thì sẽ gây bức xúc lớn trong dư luận, và đó cũng là điều mà dư luận đang lo ngại lúc này.

"Không thể mang đất đó đi đấu giá hay "xẻ thịt” ra để bán cho doanh nghiệp làm dự án nhà ở, khách sạn. Nhất là trong bối cảnh quỹ đất dành cho không gian công cộng đang bị thu hẹp thì càng cần phải thắt chặt, quan tâm, bảo vệ những diện tích còn lại trước nguy cơ bị cắt xén để phục vụ lợi ích tư nhân. Tuyệt đối không được thay đổi mục đích công cộng”, ông Thịnh khẳng định.

TS. KTS. Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch, Kiến trúc Hà Nội cũng cho rằng, việc xây dựng cung mới là hoàn toàn hợp lý, đáp ứng nhu cầu vui chơi của thiếu nhi thành phố vì Cung Thiếu nhi cũ quá chật hẹp, cơ sở hạ tầng cũng đã cũ vì sử dụng từ năm 1955, nay Hà Nội đã mở rộng, cung cũ đã không còn phù hợp để đáp ứng nhu cầu của cấp Thành phố.

Theo vị chuyên gia này thì Cung Thiếu nhi cũ vẫn nên tiếp tục được sử dụng với mục đích làm Cung Thiếu nhi, không thay đổi. Về cấp độ sử dụng của Cung Thiếu nhi cũ có thể thay đổi từ cấp Thủ đô thành cấp khu vực, vùng nhỏ trong nội đô.

Mặt khác, theo TS. KTS. Đào Ngọc Nghiêm, hiện nay, căn cứ vào Luật Thủ đô, căn cứ Nghị quyết HĐND, Thành phố xác định được danh mục các công trình xây dựng bao gồm công trình công cộng và các biệt thự, có giá trị xây dựng trước năm 1954. Đối với các công trình này phải thực hiện trình tự theo đúng quy định của Luật Di sản văn hóa, phải tuân thủ việc hỏi ý kiến của các cơ quan quản lý. Cung Thiếu nhi cũ là một di sản đô thị trước đổi mới, nên bắt buộc phải giữ nguyên, toàn bộ công trình, kiến trúc này không được phá hủy.

Đây cũng là tài sản của Nhà nước, nên quỹ đất này chỉ có thể làm công trình phúc lợi xã hội, không xây dựng chung cư, nhà cao tầng, nếu công trình đã xuống cấp thì Hà Nội cần cải tạo, tu bổ lại để tiếp tục sử dụng.

ha-noi-xay-cung-thieu-nhi-moi-vi-tri-dat-cu-se-lam-gi-3
Cung văn hóa thiếu nhi Hà Nội khi mới hoàn thành (1978 - 1980). Năm 2014 - 2015, Tổ chức Kiến trúc Quốc tế lập hồ sơ để xếp hạng "Công trình di sản Kiến trúc hiện đại thế giới”.

Liên quan đến câu chuyện lấy nguồn lực ở đâu để cải tạo Cung Thiếu nhi cũ, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng, vấn đề quan trọng là Thành phố có kế hoạch để giữ gìn khu đất đã trở thành ký ức của nhiều lớp người Hà Nội và có quyết tâm hay không? Còn nếu đã trân trọng mảng ký ức đó và quyết tâm thì việc đầu tư này không phải quá lớn so với ngân sách của Thành phố.

Trường hợp ngân sách không đủ thì có thể huy động nguồn lực xã hội, của doanh nghiệp, nhưng khó để đảm bảo được phần đất nào đó không bị biến thành của tư nhân. Bởi, đã có quá nhiều câu chuyện như vậy diễn ra trên thực tế khi đất công trở thành "miếng bánh lợi ích" ai cũng muốn xí phần. Nếu không loại bỏ được yếu tố này thì việc huy động nguồn lực này vô hình trung lại "nối giáo cho giặc”.

Chung quy lại, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng, để tránh các "nguy cơ” nói trên trở thành hiện thực, Thành phố cần sớm công bố rộng rãi, minh bạch thông tin về việc sẽ sử dụng Cung Thiếu nhi cũ như thế nào để người dân theo dõi và giám sát.

Hà Nội trong sự phát triển như vũ bão, những rừng bê tông cao tầng mọc lên, những khu đô thị thiếu bản sắc cũng ồ ạt ra đời, tuy nhiên không gian xanh, không gian văn hóa cộng đồng… hay những công trình phúc lợi xã hội khác lại ngày một thiếu vắng. Hệ lụy của sự phát triển thiếu bền vững và mất cân bằng đang dần hiển hiện khi phúc lợi cho người dân thấp, tỷ lệ nghịch với tốc độ đô thị hóa.

Theo các chuyên gia, hơn lúc nào hết, Hà Nội cần thận trọng khi quyết định số phận của các công trình công cộng thay vì vội vã đi theo "phong trào” xã hội hóa để... tư nhân hóa vì lợi ích trước mắt.

Công trình Cung Thiếu nhi mới được xây dựng tại Khu công viên hồ điều hòa CV1 (khu đô thị mới Cầu Giấy, quận Nam Từ Liêm), bao gồm các hạng mục: Nhà hát 800 chỗ; rạp chiếu phim 200 chỗ; nhà thi đấu 500 chỗ; bể bơi 10 làn; nhà học và thư viện; tháp thiên văn...

Dự án được thực hiện trên khu đất gần 40.000m2, diện tích xây dựng hơn 10.000m2, mật độ gần 26%. Thời gian dự kiến hoàn thành vào năm 2024, với tổng mức đầu tư 1.376 tỷ đồng.


Theo Minh Minh - An An/ Reatimes

Tags Hà Nội Cung Thiếu nhi lễ động thổ

Các tin khác

Đến nay, Việt Nam còn thiếu các sản phẩm tài chính xanh đặc thù và cụ thể. Hơn nữa, hành lang pháp lý đã khá hoàn thiện song về tổng thể lại thiếu nhất quán, như phân loại xanh và xác nhận dự án xanh…

LTS: Tại hội thảo khoa học chủ đề “Nước ngọt cho Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)” do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TP.HCM, Hội Khoa học Kinh tế và Quản lý TP.HCM phối hợp tổ chức, một số nhà khoa học đã đề xuất xây thêm 2 hồ chứa trên địa bàn khu vực.

LTS: Tại hội thảo khoa học chủ đề “Nước ngọt cho Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)” do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TP.HCM, Hội Khoa học Kinh tế và Quản lý TP.HCM phối hợp tổ chức, một số nhà khoa học đã đề xuất xây thêm 2 hồ chứa trên địa bàn khu vực.

Việc áp dụng tiêu chuẩn ISO 14064 về Hệ thống quản lý xác minh và tính toán khí nhà kính là yêu cầu tất yếu từ thực tiễn. ISO 14064 đưa ra các hướng dẫn và yêu cầu rõ ràng về định lượng và xác minh lượng phát thải trong kiểm kê khí nhà kính với 3 tiêu chuẩn con: ISO 14064-1, 14064-2, 14064-3.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục