Những bản quy hoạch 'thần tốc'
Quanh chúng ta, nhìn đâu cũng ra quy hoạch: từ ồn ào trên báo chí đến âm thầm lan truyền tin nhắn bất động sản. Hay công khai như tấm bảng chỉ giới mở đường đến thì thầm to nhỏ râm ran chốn quán cóc, vỉa hè. Những năm 2000-2005, Hà Nội công bố các bản quy hoạch chuyển đổi hàng ngàn ha cây xanh/mặt nước thành công trình. Tô màu đỏ "đất công cộng” là đất công viên, mở đường nhưng rồi lại cho phép xây khách sạn tư nhân vào đó. Rồi viện dẫn những chuỗi số văn bản dài như mật mã để chứng minh "đúng quy trình”- quy hoạch thật xa lạ và bí hiểm với mỗi chúng ta.
Siêu dự án bất động sản "xanh" có diện tích lớn hơn tổng cộng quận Hoàn Kiếm và Ba Đình đã được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch và trao giấy chứng nhận đầu tư trong thời gian 5 tháng.
Khi hết đất nội thành rồi thì nhắm ra hàng ngàn ha ruộng trũng ven đô, đưa cả đôi bờ sông Hồng lên "bàn tiệc” bất động sản… Trận mưa to cuối năm 2008 đã làm Hà Nội ngập sâu cả tháng trời đã lộ ra năng lực kém cỏi các nhà quy hoạch nghiệp dư đời đầu. Chỉ cần vài tháng trước khi Hà Tây nhập về Hà Nội, hàng trăm dự án quy mô hàng ngàn, hàng chục ngàn ha đất ruộng/đất rừng/mặt nước và vùng thoát lũ đã được giao cho các doanh nghiệp lập quy hoạch kinh doanh bất động sản.
Ví dụ "Khu du lịch quốc tế cao cấp Tản Viên” có diện tích lớn hơn tổng cộng quận Hoàn Kiếm và Ba Đình đã được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch và trao giấy chứng nhận đầu tư trong thời gian 5 tháng. Tháng 4.2010 Hà Nội triển lãm quy hoạch chung đến 2030 tầm nhìn 2050. Trong sơ đồ không gian xanh, dự án Tản Viên được giới thiệu là một trong những 18 vị trí trọng yếu. Chú giải không gian xanh bao gồm: đô thị, tự nhiên, ngoài đô thị, cảnh quan hai bên bờ sông, trồng hoa, lúa cao sản, rau an toàn và sân golf...
So với các nhà quy hoạch đời đầu tô màu đỏ "đất công cộng” vào công viên nhưng dành vài ha để cấp phép xây khách sạn tư nhân thì các nhà quy hoạch đời sau đã "cao tay” hơn. Bởi, trong khi các nhà khoa học sinh thái còn choáng váng chưa rõ các quy hoạch gia lấy có sở đâu để hình thành khái niệm mới của "không gian xanh” thì họ đã hiện thực hóa việc biến không gian quy mô hàng ngàn, hàng chục ngàn ha đất công thành bất động sản tư nhân tô màu xanh với tốc đô kinh hoàng.
So sánh diện tích bình quân đất cây xanh Hà Nội và các thành phố thế giới.
Bình quân cây xanh Hà Nội sẽ cao hơn Tokyo?
Năm 2014 , Hà Nội Phê duyệt quy hoạch cây xanh, công viên, vườn hoa... đặt ra mục tiêu đến năm 2030, tầm nhìn 2050 bình quân diện tích cây xanh đô thị là 18,1m2/ người; đơn vị ở là 2,7m2 người. Nếu đạt thì cây xanh Hà Nội vượt Nhật, Pháp, Canada… chỉ thua Anh, Mỹ , Hà Lan.
Thực tế cả chục năm qua, Hà Nội giao đất cho doanh nghiệp làm các công viên mới nay vẫn quây rào, đắp chiếu, còn công viên cũ thì có nơi bị chiếm dụng làm nhà hàng, bãi đỗ xe tràn lan, vật vã đòi lại cả chục năm nay chưa thấy kết quả nào được công bố.
Ngay cái khách sạn xây trong công viên Thống Nhất đã đình chỉ, đền bù đi chỗ khác rồi nhưng vẫn quây rào cho thê đỗ ô tô cả chục năm nay. Năm 2007, HAIDEP công bố diện tích cây xanh Hà Nội 0,9m2/người, mới đạt 10% so với chuẩn yêu cầu do Tổ chức Y tế thế giới đặt ra là 9m2/người – đến giờ không giảm cũng là may lắm.
Chủ động làm giàu không gian xanh cho Hà Nội
Hà Nội hôm nay không chỉ thiếu cây xanh (đó là chưa kể đường đi chật hẹp, nguồn nước và không khí bị ô nhiễm) mà cần khắc phục/giảm nhẹ thiệt hại các dự án đang sử dụng tiền bạc khối lượng cực lớn nhưng chưa phát huy hiệu quả, là sự lãng phí kinh khủng khi thành phố còn nghèo. Hà Nội cần khu trú lại một vùng không gian để tập trung khắc phục những bất cập này, ví dụ khu vực chung quanh công viên Thủ Lệ.
Mặt bằng kết nối Nam Thăng Long và Vườn treo Thủ Lệ.
Đường trên cao nối các ga đường sắt đô thị, vườn hoa, khu dịch vụ thương mại phổ biến khắp thế giới.
Vườn trên cao Thủ Lệ (Thu Le Sky Garden) sẽ hoàn trả 10 ha không gian xanh bị bớt xén công viên trước đây, kết hợp 1km đường đi bộ trên cao (sky walk) từ ga Thủ Lệ tới ga Kim Mã vừa che đi lối chui từ trên cao xuống đường ngầm xấu xí ồn ào, lại kết nối đi bộ an toàn thú vị từ ga đang thi công tới ga sẽ vận hành. Nếu làm 1,5 km đường đi bộ trên cao nối với ga Cát Linh thì sẽ kết nối đồng bộ 20 km đường sắt đô thị từ hai hướng vào ra thành phố.
Đường xe buýt trên cao nối ga Kim Mã tới Nam Thăng Long vừa kéo dài thêm 6,5 km tuyến giao thông đô thị nhanh, khối lượng lớn (sức chở lớn). Dự án cũng giảm thiệt hại cho thành phố đã giải ngân gần 1.000 tỷ đồng trả tiền tư vấn và giải phóng mặt bằng cho dự án đường sắt đô thị Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo (*). Tận dụng hàng chục ha đất đai dự án đang đắp chiếu và hàng chục ký (kg) bản vẽ thiết kế đường, ga trên cao: nếu không dùng thì không biết bao giờ dự án khởi động lại.
Phối cảnh tuyến xe buýt điện trên cao ( E-BUS Skyway), bên dưới là đường xe đạp trên cao (Cycling Skyway) tại thành phố Hạ Môn (Trung Quốc). Có thể chuyển đổi thành tuyến đường sắt đô thị trên cao khi tích tụ đủ lượng khách và nguồn lực đầu tư.
Chi phí đầu tư cho Vườn treo Thủ Lệ và 8 km đường xe buýt/đi bộ kết nối thấp hơn 1 km đường sắt đô thị ngầm lại tạo ra hàng trăm ngàn mét vuông không gian dịch vụ thương mại gắn với tuyến giao thông đô thị tốc độ cao. Đó sẽ là một lực hút mạnh mẽ từ xã hội. Thành phố gia tăng công sản trị giá hàng chục ngàn tỷ đồng mà không phải bỏ tiền đầu tư, thu lợi lâu dài tiền nhượng quyền khai thác. Hy vọng thay đổi cách tiếp cận Hà Nội ta sẽ chữa lành vết thương đã từng làm thành phố nghèo túng, ốm yếu.
Và như vậy, Hà Nội không chỉ có thêm cây xanh mà còn còn là mảnh đất nuôi dưỡng, vun trồng "Trí tuệ Xanh và con tim bốc cháy/Ngọn đuốc sáng trên con đường mà chúng ta bước đi” (**).
Ngày 18.7.2007, trình bày Quy hoạch 1/2000, Tỉnh Hà Tây duyệt ngày 15.8.2007.
Ngày 18.8.2007, trình bày Quy hoạch 1/2000, Tỉnh Hà Tây duyệt ngày 25.9.2007.mToàn bộ diện tích 1.624,25 ha được chia làm hai giai đoạn:
- Giai đoạn 1: 1.204ha bao gồm toàn bộ các đảo lòng hồ, phần diện tích đất trên bờ (Trại Gà và một phần Trại Bò Việt Nam – Cu Ba).
- Giai đoạn 2: 437.45ha bao gồm khu vực nông trường Sông Đà, toàn bộ khu vực Trại Bò Việt Nam – Cu Ba và một phần đất thuộc xã Tản Lĩnh.
Ngày 14.12.2007 UBND tỉnh Hà Tây trao giấy chứng nhận đầu tư " Khu du lịch quốc tế cao cấp Tản Viên” cho Công ty cổ phần Dầu khí Tản Viên (PVT).
(*) https://baodautu.vn/du-an-tuyen-metro-so-2-ha-noi-dung-hinh-doi-von-d131458.html
(**) Trích lời bài hát : "Tình yêu Hà Nội "của cố nhạc sĩ Hoàng Vân.
Nguồn tin và ảnh : Cổng giao tiếp điện tử UBND thành phố Hà Nội và Chủ đầu tư http://www.pvt.vn/news.php?tinid=23.
KTS Trần Huy Ánh (Ủy viên thường vụ Ban chấp hành Hội Kiến trúc sư Hà Nội)
Theo Người Đô Thị