Phóng viên đã có cuộc trao đổi với TS Trần Hữu Minh - Phó Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, về nội dung này.
Thưa ông, giao thông tiếp cận có vai trò như thế nào trong hệ thống vận tải công cộng của các đô thị lớn, đặc biệt là Hà Nội và TP.HCM?
TS Trần Hữu Minh. Ảnh: Báo Giao thông
TS Trần Hữu Minh - Phó Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia: Hiện nay, các đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM đang đầu tư xây dựng một số dự án đường sắt đô thị (metro) có vốn đầu tư hàng tỷ đô la Mỹ, hay những tuyến xe buýt nhanh BRT có vốn đầu tư hàng chục triệu đô la Mỹ. Nếu không có hệ thống giao thông tiếp cận (*), những tuyến vận tải công cộng khối lượng lớn này khó có thể phát huy được hiệu quả.
Những tuyến tàu điện ngầm, BRT với vai trò là những trục giao thông xương sống của các đô thị lớn, có thể giải quyết vấn nạn ùn tắc giao thông hay không đều phụ thuộc vào hệ thống giao thông tiếp cận có đảm bảo cho người dân được tiếp cận một cách thuận tiện, an toàn và dễ dàng hay không?
Hệ thống giao thông tiếp cận không chỉ kết nối về mặt không gian, bố trí giữa các luồng tuyến có vị trí gần nhau mà còn đảm bảo kết nối về mặt thời gian, công suất. Tôi lấy ví dụ, nếu tuyến metro hoạt động đến 12h đêm nhưng xe bus chỉ hoạt động đến 10h đêm, thì hành khách sẽ không có xe để về nhà khi xuống điểm đỗ. Hoặc tuyến metro có thể chở được vài trăm hành khách, nhưng chỉ có một số lượng ít các phương tiện trung chuyển hoặc điểm dừng cuối lại có vỉa hè quá nhỏ, có thể gây ra tình trạng lộn xộn, hành khách phải đi bộ xuống lòng đường gây mất trật tự an toàn giao thông.
Một điểm đáng lưu ý, là khi tính toán phương án kết nối giữa phương tiện công cộng với nhau và giữa các phương tiện giao thông công cộng với phương tiện cá nhân phải đảm bảo đại đa số người dân có thể tiếp cận, trong đó có nhóm người yếu thế như người già, trẻ con, phụ nữa mang thai… Tại các nhà ga cũng cần tính đến phương án bố trí thang máy, điểm đỗ xe cho các phương tiện trung chuyển, các điểm lên xuống vỉa hè cần có các đường lăn cho các xe lăn có thể di chuyển dễ dàng...
Tuyến đường sắt đô thị trên cao Hà Đông- Cát Linh dự kiến sẽ chính thức đưa vào vận hành vào cuối tháng 3 này. Ông đánh giá như thế nào về công tác chuẩn bị giao thông tiếp cận của tuyến đường sắt đô thị đầu tiên?
Chúng ta dễ dàng nhận thấy, hiện nay các cơ quan chức năng của Hà Nội đang làm việc rất khẩn trương để làm sao đưa vào vận hành, khai thác tuyến đường sắt đô thị Hà Đông - Cát Linh đúng tiến độ. Tại các nhà ga hiện nay đã có các phương án kết nối không gian như bố trí hệ thống vỉa hè dọc trục đường Nguyễn Trãi, các cầu đi bộ, vị trí qua đường… Trung tâm quản lý và điều hành giao thông công cộng Hà Nội cũng đã đề xuất các phương án kết nối trung chuyển hành khách giữa hệ thống vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt với tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông và đã được Sở Giao thông vận tải chấp thuận.
Theo Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, 10/12 các khu gian nhà ga tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông đều có thể bố trí đỗ xe máy, xe đạp phục vụ hành khách tại gầm cầu thang hoặc vỉa hè xung quanh. Chỉ có ga Thượng Đình bên phải không đỗ được xe (vướng khu vực cổng chợ), ga La Thành (trên phố Hoàng Cầu) là bị hạn chế (bên phải không thể bố trí, bên trái chỉ có thể bố trí ở gầm cầu thang). Nguồn: Hà Nội mới
Theo chức năng, nhiệm vụ, Ban quản lý dự án của Bộ Giao thông vận tải có trách nhiệm hoàn thiện dự án. Sau khi bàn giao, các cơ quan của thành phố Hà Nội sẽ tiếp nhận để đưa vào khai thác, vận hành. Chính quyền địa phương có trách nhiệm chính trong quá trình quy hoạch, khai thác, vận hành những công trình hỗ trợ cho việc người dân tiếp cận và sử dụng phương tiện giao thông công cộng.
Thách thức rất lớn mà Hà Nội hiện nay đang gặp phải là trong các phương án quy hoạch trước đây chưa tính toán đến không gian làm chỗ đỗ xe và không gian làm thang máy tại khu vực các nhà ga đường sắt. Đây là những vấn đề thành phố cần giải quyết trong thời gian tới.
Trong ngắn tới, theo ông thành phố Hà Nội cần làm gì để có thể thu hút người dân sử dụng phương thức vận tải công cộng mới mẻ như metro?
Để lựa chọn một phương thức vận tải để đi lại, người dân thường căn cứ vào lợi ích tổng thể của phương tiện vận tải đó. Đối với việc sử dụng phương tiện vận tải công cộng, không chỉ bao gồm mỗi quá trình sử dụng phương tiện công cộng mà còn bao gồm cả giao thông tiếp cận đầu, cuối của phương thức vận tải đó. Nếu hệ thống giao thông tiếp cận được thiết kế và quy hoạch bài bản, mạng lưới phương tiện vận tải công cộng phủ rộng, quá trình tiếp cận của người dân nhanh chóng, thuận tiện và an toàn, người dân sẽ tự chuyển đổi từ phương tiện vận tải cá nhân sang phương thức vận tải công cộng. Và ngược lại, nếu vỉa hè bẩn, không có vỉa hè, quá trình tiếp cận của người dân từ nhà đến các nhà ga, nhà chờ xe bus gặp khó khăn, người dân sẽ vẫn e dè khi sử dụng phương thức vận tải công cộng.
Nhà ga La Khê được đầu tư hiện đại, nhưng nhiều người không tránh khỏi băn khoăn với hàng chục bậc thang bộ, những người già, trẻ em, phụ nữ mang thai... liệu có e ngại khi sử dụng tàu điện trên cao. Nguồn: TTVN
Đối với Hà Nội, để những tuyến đường sắt đô thị khi đưa vào vận hành khai thác phát huy hiệu quả, trước hết các cơ quan chức năng của thành phố cần xem xét điều chỉnh luồng tuyến, thời gian, công suất của hệ thống xe bus hiện hành đảm bảo cho việc kết nối phù hợp với các nhà ga của tuyến đường sắt.
Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cần nhanh chóng có những phương án, kế hoạch xây dựng hành lang an toàn cho người đi bộ, đi xe đạp có thể tiếp cận các nhà ga. Đây là phương thức đi lại phục vụ giao thông kết nối rất bền vững, tiết kiệm hiệu quả và thân thiện với môi trường cần phải được khuyến khích và cần phải được ưu tiên
Về lâu dài, chính quyền địa phương phải vào cuộc quyết tâm và quyết liệt trong việc quy hoạch, xây dựng, thiết kế bố trí không gian cho hệ thống giao thông tiếp cận như xây dựng thang máy, làm bãi đỗ xe trung chuyển tại khu vực các nhà ga metro… Việc đề xuất điều chỉnh các quy định pháp luật, như Luật đất đai, Luật Xây dựng để tạo môi trường pháp lý thông thoáng hơn cho chính quyền địa phương trong việc giải tỏa mặt bằng, tạo được không gian quỹ đất cho xây dựng giao thông tiếp cận cũng cần được tính đến.
Bài học kinh nghiệm của sự thiếu kết nối giữa hai tuyến đường sắt đô thị tại thủ đô Bangkok (Thái Lan), khiến cho hai tuyến đường sắt này không phát huy hiệu quả trong nhiều năm là một thực tế mà chính quyền các đô thị tại Việt Nam cần phải lưu ý và tránh đi vào vết xe đổ.
Xám ơn về những chia sẻ!
Quốc đảo Singapore được biết đến là một thành phố có hệ thống giao thông hiện đại và thông minh nhất trong khu vực Đông Nam Á. Hệ thống giao thông công cộng tốt nhất vừa dễ tiếp cận, hiệu quả, thuận tiện, bền vững đồng thời vừa túi tiền. Từ năm 2002, chính phủ Singapore ứng dụng công nghệ vào hệ thống vé, cho phép người dân sử dụng thẻ EZ-Link trên tất cả các loại hình giao thông công cộng, tạo thuận tiện và linh hoạt cho người dân.
Năm 2017, hệ thống tàu điện ngầm Seoul từng được CNN xếp thứ 2 trong top 9 hệ thống tàu điện ngầm tốt nhất thế giới. Tính đến năm 2019, hệ thống tàu điện ngầm Seul có 23 tuyến, gần 630 ga với tổng chiều dài là 353.2km, trở thành phương tiện vận tải công cộng khối lượng lớn được đông đảo người dân sử dụng.
Hệ thống giao thông tiếp cận phương tiện vận tải công cộng tại thành phố này được quy hoạch và đầu tư bài bản. Ngoài ra, hệ thống làn đường dành cho người đi bộ và đi xe đạp, hệ thống các nhà chờ xe bus được bố trí gần các nhà ga tàu điện ngầm. Tại các điểm này đều bố trí bãi đỗ xe đạp công cộng, miễn phí, tạo thuận lợi cho người sử dụng tàu điện ngầm.
* Giao thông tiếp cận được hiểu là hệ thống các phương tiện, cơ sở hạ tầng, không gian thích hợp... giúp người dân có thể di chuyển từ điểm đầu chuyến đi tới các nhà ga, nhà chờ xe bus và từ các nhà ga trên tuyến đến điểm cuối chuyến đi.
Theo Nguyễn Lê/ Người Đô Thị