Thêm đường ngầm dưới sông Tô Lịch
Mới đây, Công ty cổ phần Tập đoàn Môi trường Nhật Việt (Cty JVE) vừa có thêm đề xuất lập quy hoạch hệ thống cống, cao tốc ngầm dọc sông Tô Lịch (TP Hà Nội) để chống ngập, đây là đơn vị đã từng tham gia xử lý mùi hôi thối trên sông Tô Lịch, bãi rác Nam Sơn bằng Nano-Bioreactor, đồng thời từng công bố ý tưởng cải tạo toàn bộ sông Tô Lịch bằng đề án "Công viên Lịch sử-Văn hóa-Tâm linh Tô Lịch".
Theo đề xuất, dự án mong muốn sẽ giải quyết được 3 vấn đề dân sinh của Thủ đô. Đó chính là ô nhiễm môi trường nước, ùn tắc giao thông nội đô xảy ra hằng ngày và úng ngập khi mưa bão.
Hình ảnh toàn tuyến hầm ngầm khổng lồ chống ngập dọc Công viên Tô Lịch.
Công ty JVE cho biết, hệ thống hầm ngầm khổng lồ chống ngập kết hợp cao tốc ngầm chống ùn tắc nội đô trong đó cao tốc ngầm thiết kế hai tầng, tầng trên bố trí chiều xe chạy theo hướng đường vành đai 3 - Võ Chí Công - sân bay Nội Bài. Tầng dưới bố trí chiều xe chạy theo hướng đường Võ Chí Công - đường vành đai 3 - Linh Đàm.
Mỗi tầng được thiết kế với 3 làn xe, trong đó 2 làn di chuyển chính với tốc độ tối đa cho phép là 80 và 60km/h và 1 làn dừng xe khẩn cấp. Giúp giảm tải lưu lượng xe ô tô lưu thông ở trên tuyến đường để giảm ùn tắc.
Mặt cắt ngang hệ thống hầm ngầm khổng lồ chống ngập kết hợp cao tốc ngầm chống ùn tắc.
Bên dưới đường cao tốc ngầm sẽ là một hệ thống chống ngập khổng lồ bao gồm các giếng thu nước, hầm ngầm thoát nước (đặt phía dưới tầng cao tốc ngầm) và bể điều áp khổng lồ, góp phần giải quyết tận gốc vấn đề ngập úng trong khu vực nội đô. Bao gồm các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Cầu Giấy, một phần quận Tây Hồ, một phần huyện Thanh Trì với tổng diện tích lưu vực là 77,5km2.
Phối cảnh Bể điều áp khổng lồ được thiết kế với dung tích chứa được hàng triệu m3 nước.
Hai hệ thống trên được bố trí trong một đường hầm khổng lồ có đường kính 16,8m chạy dài khoảng 11,65km dọc Công viên Tô Lịch và được thi công bởi máy đào hầm TBM hiện đại nhất hiện nay từ Nhật Bản. Dự kiến độ sâu trên 30m và không ảnh hưởng đến kết cấu công trình, dòng chảy hiện có.
"Việc xây dựng công trình này không chỉ giải quyết được vấn đề hiện tại về úng ngập nội đô mà còn có ý nghĩa quan trọng trong việc đảm bảo an toàn không bị ngập úng cho các công trình hạ tầng ngầm hiện đại trong tương lai như hệ thống các tuyến tàu điện ngầm của thành phố", ông Nguyễn Tuấn Anh-Chủ tịch JVE Group cho biết thêm.
Trước đó, Cty JVE cũng từng gây xôn xao dư luận khi đề xuất "Giải pháp tổng thể” cải tạo toàn bộ sông Tô Lịch bằng đề án "Công viên Lịch sử - Văn hóa - Tâm linh Tô Lịch”. Đề xuất này đã được UBND TP Hà Nội chỉ đạo Sở Xây dựng tiếp thu, nghiên cứu nhưng đến nay chưa có hồi âm.
Dự án chưa thật sự cần thiết?
Nói về dự án trên, ông Ths-KS N.A.Tuấn-Phó Giám đốc Trung tâm Quy hoạch xây dựng 4 cho biết, việc làm đường cao tốc ngầm dưới lòng sông với 3 mục đích chính là giảm ô nhiễm môi trường, ách tắc giao thông và tình trạng ngập úng trên địa bàn. Nhưng đây là một dự án rất tốn kém, vì việc xây dựng đường hầm đòi hỏi công nghệ tiên tiến với mức đầu tư sẽ cao hơn nhiều lần so với đường bộ và đường trên cao.
"Các dự án trọng điểm phải được thực hiện theo quy hoạch, quy hoạch về giao thông Hà Nội đã có các tuyến đường vành đai, đường trên cao...Hơn nữa về mặt chi phí sẽ lớn đi cùng đó phải tính được lợi ích các tuyến đường sẽ thay đổi ra sao, có giảm tải được nhiều ách tắc giao thông không?", ông Tuấn cho biết thêm.
Đánh giá về tính khả thi của dự án, đại diện Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội cho biết sẽ chờ chỉ đạo của thành phố, lấy ý kiến các cơ quan chuyên môn để có thể hiểu rõ thêm về dự án này. Vị này cũng cho biết, đề xuất này sẽ có kinh phí rất lớn, nhiều thủ tục, thời gian có thể sẽ kéo dài trong nhiều năm.
Các chuyên gia đều đánh giá, nếu ý tưởng được thực hiện có thể sẽ giải quyết được 3 vấn đề là giảm ô nhiễm mỗi trường, giảm ách tắc giao thông và giảm ngập úng khi mưa bão. Tuy nhiên, trục đường Láng hiện chưa phải rốn thoát lũ, giao thông tại khu vực trên cũng đang ổn định, đầu tư dự án cần vốn đầu tư lớn nên là việc chưa cần thiết.
Theo Duy Phạm/ Tiền Phong