1. Đặt vấn đề
Trong những năm gần đây tốc độ phát triển kinh tế của cả nước ngày càng nhanh, kéo theo đó là quá trình đô thị hóa. Trong quá trình mở rộng ranh giới đô thị, tốc độ tăng diện tích đất khu vực nội đô tại HN và TP.HCM là đáng chú ý nhất (tăng 270 nghìn ha) từ năm 2000-2010. Đô thị hóa của 2 thành phố này lớn hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng các đô thị của cả nước khác trong khu vực, trừ Trung Quốc. Những bất cập đó đòi hỏi có những giải pháp nhằm hướng đến sự "phát triển bền vững” ngay từ bây giờ cho thủ đô Hà Nội.
2. Nội dung
Các đô thị ở Việt Nam hiện nay có chất lượng môi trường đất bị ô nhiễm ngày càng gia tăng. Ô nhiễm môi trường đất được xem là tất cả các hiện tượng làm hàm lượng các chất tự nhiên trong đất tăng lên, hoặc thêm các độc chất lạ (đến mức vượt tiêu chuẩn cho phép), gây độc hại cho môi trường sinh vật và làm xấu cảnh quan.
Nguyên nhân là do đất chịu tác động của các chất thải rừ hoạt động công nghiệp, xây dựng, sinh hoạt và các bãi chôn lấp rác thải; các chất độc hóa học tồn lưu. Chẳng hạn, nước thải từ khu vực sản xuất, các khu dân cư không qua xử lý xả thẳng ra môi trường. một số kênh, mương ngấm vào đất, gây ô nhiễm đất và làm thay đổi hàm lượng các chất hóa học trong đất.
Hiện nay, hầu hết nước thải sinh hoạt ở các đô thị đều không được xử lý mà được xả thẳng ra môi trường. Một số kênh, mương, ao hồ, trong các khu vực đô thị đã trở thành những nơi tiếp nhận nước thải sinh hoạt, thường xuyên bị ô nhiễm, nhất là ở các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM.
Mặt khác, nhiều cơ sở sản xuất không xử lý nước thải, một số bệnh viện và cơ sở y tế lớn với hệ thống xử lý nước thải hoạt động không hiệu quả đã góp phần gây ô nhiễm nguồn nước. Nguồn nước mặt bị ô nhiễm này ngấm vào đất, gây ô nhiễm đất. Ngoài ra, một số khu vực là nơi chứa đựng và lưu trữ các chất thải của quá trình sản xuất, hay chất thải rắn sinh hoạt tiềm tàng nhiều nguy cơ gia tăng ô nhiễm đất. Tại khu vực đô thị, chỉ có khoảng 15% số bãi chôn lấp chất thải rắn bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh. Nước rỉ từ các hầm ủ, bãi chôn lấp không được xử lý theo quy định sẽ ngấm xuống đất gây ô nhiễm đất và nước ngầm.
2.1. Những thách thức do quá trình phát triển đô thị
a. Về mặt xã hội
Đất đô thị tăng nhanh, nhưng tỷ trọng đất dành cho các vấn đề xã hội chưa đáp ứng yêu cầu thực sự của đời sống xã hội. Cụ thể, tỷ lệ đất dành cho xây dựng cơ sở hạ tầng còn thấp (chiếm khoảng 29,78%). Diện tích đất dành cho cấp thoát nước đô thị hiện chưa có quỹ đất để mở rộng theo nhu cầu phát triển. Các hệ thống hiện nay thường dùng chung với các cơ sở hạ tầng khác trên đường phố chính. Yêu cầu với loại đất cho hạ tầng cấp nước chiếm 1%, thoát nước vệ sinh môi trường đô thị trung bình từ 6-7% điều này ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường đất.
Đáng lo ngại, đất bị ô nhiễm sẽ ảnh hưởng trực tiếp sức khỏe con người thông qua tiếp xúc trực tiếp với đất, hoặc qua đường hô hấp do sự bốc hơi của chất gây ô nhiễm đất. Sự xâm nhập của ô nhiễm đất vào tầng nước ngầm cũng trở thành mối nguy hiểm tiềm tàng đe dọa sức khỏe của người dân.
b. Về mặt môi trường
Theo các nhà khoa học, chất thải gây ô nhiễm đất ở mức cao tại đô thị hiện nay chủ yếu là chất tẩy rửa, thuốc nhuộm, màu vẽ, hóa chất và chất thải từ công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, và một số làng nghề ngoại ô của Hà Nội. Nhiều loại chất hữu cơ có trong nước cống, rãnh thành phố, nước thải công nghiệp được sử dụng làm nguồn nước tưới tiêu trong sản xuất nông nghiệp, cũng là tác ngân gây ô nhiễm đất. Nan giải nhất hiện nay là mới chỉ có khoảng 15% bãi chôn lấp chất thải rắn ở trong đô thị bảo quản tiêu chuẩn. Nước rỉ từ các hầm ủ và bãi chôn lấp có tải lượng chất ô nhiễm hữu cơ rất cao, thông qua chỉ số Bod và Cod, cũng như các kim loại nặng như Cu, Zn, Pb, Al, Fe, Cd, Hg. Nước rỉ sẽ ngấm xuống đất gây ô nhiễm nguồn đất.
2.2. Các nguyên nhân khác gây ô nhiễm môi trường đất
Chất lượng môi trường đất tại các khu đô thị Việt Nam hiện nay, đang có xu hướng ô nhiễm do chịu tác động từ các chất thải của hoạt động công nghiệp, xây dựng, sinh hoạt, các bãi chôn lấp rác thải xử trực tiếp nguồn nước thải vào trong lòng đất. Một số đô thị còn chịu ảnh hưởng do các điểm chứa cho phép nhiều lần. Ngoài ra, chất lượng đất khu vực đô thị cũng bị ảnh hưởng đáng kể bởi các hoạt động canh tác rau, hoa màu ven đô.
- Quá trình xây dựng, phát triển công nghiệp và đô thị ảnh hưởng đến môi trường đất thông qua ảnh hưởng đến các tính chất vật lý như xói mòn, nén chặt đất và phá hủy cấu trúc đất do các hoạt động xây dựng và sản xuất. Các chất thải rắn, lỏng và khi có thể được tích lũy trong lòng đất trong thời gian dài gây ra những tác động có tính chất hóa học, có nguy cơ tiềm tàng đối với môi trường đất.
- Nước thải từ khu vực sản xuất, các khu dân cư không qua xử lý xả thẳng ra môi trường theo kênh mương ngấm vào đất, gây ô nhiễm đất và làm thay đổi hàm lượng các chất hóa học trong đất; hầu hết nước thải sinh hoạt ở đô thị đều không được xử lý mà xả thẳng ra môi trường. Một số kênh, mương, ao hồ trong khu vực nội thị đã trở thành những nơi tiếp nhận nước thải sinh hoạt, thường xuyên ô nhiễm như: sông Tô Lịch, sông Nhuệ…
Mặt khác còn rất nhiều các cơ sở sản xuất không xử lý nước thải, một số bệnh viện và cơ sở y tế lớn hệ thống xử lý nước thải hoạt động không hiệu quả cũng góp phần quan trọng gây ô nhiễm nước. Nguồn nước mặt ô nhiễm này ngấm vào đất, gây ô nhiễm đất.
- Môi trường đất tại một số khu vực còn chịu tác động của chất thải từ hoạt động sản xuất công nghiệp. Đất tại các cơ sở sản xuất trong đô thị hiện có hàm lượng kim loại nặng cao, một số khu vực đã vượt QCXDVN 30-MT:2015/BTNMT dành cho đất công nghiệp. Đơn cử ô nhiễm môi trường đất do nước thải khu đô thị, khu công nghiệp, làng nghề: khu đô thị Nam Thăng Long, Khu công nghiệp An Khánh, làng nghề dệt vải Hà Đông.
- Tại Hà Nội (khu đồng mương nổi – Tam Hiệp – Thanh Trì) hàm lượng các kim loại nặng như Cu, Pb, Zn có xu hướng tích lũy cao hơn. Hầu hết các giá trị đo kim loại nặng ở khu vực đã vượt ngưỡng đối với đất nông nghiệp.
- Ô nhiễm đất do sinh hoạt của con người: Hàng ngày, từ sinh hoạt, con người đã thải vào môi trường đất một lượng đáng kể chất thải rắn và chất thải lỏng: trung bình người dân đô thị mỗi ngày sử dụng một lượng nước thải như vậy trong đấy có chứa bao nhiêu là chất độc hại. Những chất độc hại đấy đọng lại nhiều nhất trong môi trường nước và đất. Về chất thải rắn: trung bình mỗi người mỗi ngày thải ra một lượng chất thải rắn từ 0,4-1,8kg/người/ng đêm, lượng phân này xả vào môi trường theo hệ thống thoát nước. Trong rác và phế thải rắn sinh hoạt có phế thải thực phẩm, lá cây, vật liệu xây dựng, các loại bao bì, phân người và súc vật… Trong các loại phế thải sinh hoạt này hàm lượng chất hữu cơ lớn, độ ẩm cao. Nếu không xử lý tốt thì chúng vẫn tồn lưu trong môi trường đấtvà nước, và đó là môi trường cho các loài khuẩn, trong đó có nhiều loại vi khuẩn gây bệnh phát triển.
2.3. Các biện pháp nâng cao chất lượng môi trường đất
- Bảo vệ môi trường đất là vấn đề sống còn của người dân, là yếu tố cơ bản và quan trọng nhất nhằm đảm bảo sức khỏe và chất lượng cuộc sống, góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội.
- Do diện tích đất nông nghiệp còn rất nhiều do vậy một trong những giải pháp nâng cao chất lượng môi trường đất ở Hà Nội là áp dụng các biện pháp sinh học trong nông nghiệp như: lựa chọn các giống cây trồng có tính kháng bệnh cao han chế sử dụng thuốc trừ sâu mà thay bằng các sản phẩm gốc sinh học, thảo mộc hoặc dựa trên nguyên lý sinh học ảnh hưởng tới đất như thiên địch. Tăng độ phì nhiêu của đất. Đây là kiến thức hữu ích nhất trong canh tác nông nghiệp nhằm hạn chế tình trạng đất cằn cỗi, bạc màu…
- Đẩy mạnh hoạt động thanh kiểm tra và xử lý vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường trong quá trình sử dụng đất nông nghiệp. Hoạt động thanh tra, kiểm tra cần phải được quy định rõ về chức năng, thẩm quyền, đồng thời các quy định về vi phạm hành chính về lĩnh vực BVMT trong nông nghiệp cũng cần phải bám sát với thực tiễn, phù hợp với trình độ phát triển về kinh tế, kỹ thuật khu vực nông thôn để việc xử lý có thể dễ dàng triển khai và đảm bảo tính giáo dục, răn đe đối với người vi phạm.
- Hạn chế sử dụng túi nilon: Sử dụng túi nilon là một việc gián tiếp làm gia tăng ô nhiễm môi trường đất. Các loại túi này rất khó phân hủy, thậm chí có thể lên tới hàng chục năm khi ở trong lòng đất. bên cạnh đó, chúng còn gây cản trở quá trình phát triển cây xanh, giảm hô hấp của các sinh vật trong đất. Có thể hiểu tóm gọn những vùng đất nào chứa túi nilon gần như rơi vào tình trạng "chết”. Do đó, bảo vệ môi trường đất bằng cách dùng túi hữu cơ thay thế.
- Tạo dư luận xã hội lên án nghiêm khắc đối với các hành vi gây mất vệ sinh và ô nhiễm môi trường, có chế tài xử phạt nghiêm đúng mọi vi phạm.
- Cần có những giải pháp về cơ chế, chính sách phù hợp, lồng ghép vấn đề bảo vệ môi trường đất trong quy hoạch kinh tế - xã hội.
- Sử dụng đất hợp lý là một yếu tố quan trọng trong việc hợp thành chiến lược bảo vệ môi trường đất và phát triển bền vững.
3. Kết luận
Hà Nội là một địa phương đang có tốc độ phát triển nhanh, đặc biệt tại các quận mới thành lập như Hoàng Mai, Long Biên, Từ Liêm… Sự phát triển nhanh đã mang lại nhiều tác động tích cực: đời sống người dân tăng lên, cũng như mở rộng diện tích khu vực nội thành, góp phần giảm áp lực về dân số với khu vực nội thành…Tuy nhiên những khu vực có tốc độ phát triển nhanh tại Hà Nội đang có nguy cơ phát triển theo hướng thiếu bền vững.
Để nâng cao chất lượng môi trường sống, đặc biệt là cải tạo môi trường đất tại Hà Nội do các ảnh hưởng của sự phát triển kinh tế, cần tiếp tục phồi hợp các bộ, ngành liên quan rà soát, bổ sung, hoàn thiện các chính sách, văn bản, quy định về bảo vệ môi trường đô thị. Tập trung rà soát, đánh giá tác động môi trường, công trình, biện pháp BVMT của các dự án lớn có nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường, nhất là các dự án ở gần các khu vực đô thị, tập trung đông dân cư. Thành phố tập trung xử lý triệt để , di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng ra khỏi khu dân cư; điều tra, đánh giá, khoanh vùng và có kế hoạch xử lý các khu vực gây ô nhiễm tồn lưu trên địa bàn, nhất là các khu vực gần hoặc trong khu vực dân cư, đô thị
Mặt khác, cần tập trung đầu tư xây dựng các khu xử lý chất thải tập trung, nước thải tập trung: khắc phục, cải tạo chất lượng nước các hồ, ao, kênh,, mương, sống chảy qua các khu đô thị, khu dân cư bị ô nhiễm, khu vực bị nhiễm chất độc hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật; đầu tư và phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị; quy hoạch đô thị theo hướng phát triển xanh, bền vững, hài hòa giữa phát triển kinh tế - xã hội và BVMT. Đó sẽ là các giải pháp hữu hiệu nhằm từng bước hạn chế ô nhiễm môi trường đất tại các đô thị hiện nay.
Theo Tạp chí Khoa học Kiến trúc & Xây dựng, Số 36/2019