Hoàn thiện hành lang pháp lý cho thị trường các-bon

  • Cập nhật: Thứ sáu, 23/8/2024 | 10:26:40 AM

QLMT - Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đang tiến hành sửa đổi Nghị định số 06/2022/NĐ-CP nhằm cải thiện hành lang pháp lý cho việc phát triển thị trường các-bon tại Việt Nam.

Đây là một bước quan trọng trong chiến lược giảm nhẹ phát thải khí nhà kính (KNK) và bảo vệ tầng ô-dôn, đáp ứng yêu cầu cấp thiết của môi trường và khí hậu toàn cầu.

 

Cục Biến đổi khí hậu cho biết, Bộ TN&MT được giao nhiệm vụ chủ trì xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2022/NĐ-CP. Các sửa đổi này nhằm cụ thể hóa các quy định về tổ chức và phát triển thị trường các-bon, quản lý tín chỉ các-bon trong nước, và cơ chế trao đổi tín chỉ các-bon quốc tế.

Ảnh minh hoạ. ITN

Theo dự thảo sửa đổi, Bộ TN&MT sẽ làm rõ đối tượng tham gia trao đổi hạn ngạch phát thải KNK và tín chỉ các-bon trong nước. Cùng với đó, Nghị định sẽ bổ sung quy định về Hệ thống đăng ký quốc gia, phục vụ cho công tác quản lý nhà nước đối với hạn ngạch phát thải KNK và tín chỉ các-bon. Các quy định chi tiết về cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon trong nước, bao gồm việc công nhận phương pháp luận, phê duyệt dự án, và cấp tín chỉ các-bon cũng sẽ được đưa vào Nghị định sửa đổi.

 

Nghị định sửa đổi sẽ bổ sung phụ lục về danh mục biện pháp và hoạt động khuyến khích giảm phát thải KNK trong hợp tác song phương. Điều này dựa trên cơ sở các biện pháp giảm phát thải có hỗ trợ quốc tế, trong khuôn khổ đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) của Việt Nam. Bộ TN&MT sẽ có trách nhiệm cấp văn bản chấp thuận cho việc chuyển giao tín chỉ các-bon quốc tế. Trong trường hợp không được cấp Thư chấp thuận, tín chỉ các-bon chỉ được sử dụng cho mục tiêu NDC của Việt Nam, không được sử dụng cho mục tiêu quốc tế khác.

 

Bộ Tài chính đang chủ trì xây dựng Đề án phát triển thị trường các-bon tại Việt Nam, nhằm cụ thể hóa tổ chức và quản lý tín chỉ các-bon, một yếu tố quan trọng trong việc thực thi các quy định về giảm phát thải KNK. Các quy định này hiện đã được luật hóa trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, cụ thể tại Điều 91 về giảm phát thải KNK, và Điều 92 về bảo vệ tầng ô-dôn.

 

Việc sửa đổi Nghị định số 06/2022/NĐ-CP sẽ góp phần xây dựng nền tảng pháp lý vững chắc cho sự phát triển của thị trường các-bon tại Việt Nam, đồng thời hỗ trợ thực hiện cam kết quốc gia trong giảm phát thải KNK, bảo vệ tầng ô-dôn, và đối phó với biến đổi khí hậu toàn cầu.

NGỌC HÀ

Tags hành lang pháp lý thị trường các-bon Bộ TN&MT

Các tin khác

Quy trình thiết lập bộ dữ liệu lớp phủ mặt đất phục vụ tính toán phát thải khí nhà kính theo QCVN 78:2023 là việc làm cần thiết nhằm tạo cơ sở cho việc thực hiện tốt hơn các nghĩa vụ của Việt Nam về biến đổi khí hậu.

Ngày 12/9/2024 Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Công điện số 94/CĐ-TTg về việc tăng cường công tác vận hành, điều tiết các hồ chứa thủy điện ở các tỉnh phía Bắc.

Cuốn Sổ tay hướng dẫn xử lý nước và vệ sinh môi trường trong mùa bão lụt được Cục Quản lý môi trường (Bộ Y tế) biên soạn nhằm cung cấp những thông tin, kỹ thuật cơ bản nhất về xử lý nước và vệ sinh môi trường phù hợp với thực tế của nhiều địa phương.

Trưa 10/9, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội đã lệnh báo động cấp độ 1 trên sông Hồng tại địa phận một số quận và huyện trên địa bàn thành phố.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục