Tăng cường quản lý tín chỉ carbon thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định

  • Cập nhật: Thứ hai, 17/6/2024 | 4:44:05 PM

QLMT - Bộ Công thương vừa ban hành kế hoạch số 4107/KH-BCT về triển khai Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 02 tháng 5 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý tín chỉ carbon nhằm thực hiện đóng góp do quốc gia tự quyết định.

Ngày 14 tháng 6 năm 2024, thực hiện Chi thị số 13/CT-TTg ngày 02 tháng 5 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cuờng quản lý tín chỉ carbon nhằm thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định (Chi thị số 13/CT-TTg), Bộ Công Thương đã ban hành kế hoạch số 4107/KH-BCT với mục đích triển khai thực hiện các nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ Công Thương tại Chỉ thị số 13/CT-TTg. Đồng thời, nâng cao nhận thức, vai trò của các tổ chức và doanh nghiệp ngành Công thương đối với hoạt động mua, bán trao đồi tín chỉ carbon, thị trường carbon trong thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết đinh (NDC) và mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính của Việt Nam.

Bên cạnh đó, yêu cầu các đơn vị chủ trì nhiệm vụ được giao trong Kế hoạch chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện, đảm bảo tiến độ và chất lượng, phù hợp quy định của pháp luật. Đồng thời, đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị thuộc Bộ trong quá trình triển khai các nhiệm vụ được giao; Các hoạt động truyền thông phải đảm bảo đúng nội dung, đúng đối tượng trong phạm vi quản lý của ngành Công Thương.

Trong đó, nhiệm vụ chủ yếu của Bộ Công thương là xây dựng và ban hành kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cấp lĩnh vực đến năm 2025 và giai đoạn 2026-2030 thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương theo quy định tại Nghị định số 06/2022/ND-CP ngày 07 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn, hoàn thành trong Quý II năm 2024.

Tiếp đó, Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu cho cấp có thẩm quyền quyết định việc tổ chức đàm phán, ký kết, triển khai thỏa thuận hoặc hợp đồng với các đối tác quốc tế về chuyển nhượng tín tín chỉ carbon, kết quả giảm phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của ngành công thương phù hợp với mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính của quốc gia. Đánh giá mức độ sẳn sàng tham gia thị trường carbon của một số lĩnh vực có tiềm năng thuộc ngành Công Thương.

Tiến hành rà soát cơ sở pháp lý, tình hình thực tiễn trong nước và kinh nghiệm quốc tế về hoạt động quản lý, mua bán, trao đổi chứng chỉ năng lượng tái tạo (REC) gắn với việc thực hiện mục tiêu giảm phát thải quốc gia, đề xuất quy định quản lý (nếu có);

Sau cùng, tuyên truyền sâu, rộng về các mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, thực hiện NDC, phương thức tạo tín chỉ carbon, tham gia thị trường carbon tự nguyện, tổ chức và phát triển thị trường carbon tuân thủ cho các đối tượng của ngành Công Thương.


Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 2/5/2024 về tăng cường công tác quản lý tín chỉ các-bon nhằm thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định. (ảnh Internet)

Để triền khai các nhiệm vụ của Bộ Công Thương trong thực hiện Chỉ thị số 13/CT-TTg, Bộ Công Thương giao các đơn vị có liên quan thực hiện các nội dung cụ thế sau:

Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện: Xây dựng Kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cấp lĩnh vực đến năm 2025 và giai đoạn 2026-2030 thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương trình lãnh đạo Bộ xem xét, phê duyệt trước ngày 30 tháng 9 năm 2024.

Xây dựng báo cáo kết quả rà soát cơ sở pháp lý, tình hình thực tiển trong nước và kinh nghiệm quốc tế về hoạt động quản lý, mua bán, trao đổi chứng chỉ năng lượng tái tạo (REC) gắn với việc thực hiện mục tiêu giảm phát thải quốc gia, đề xuất quy định quản lý (nếu có) hoàn thành trước ngày 30 tháng 9 năm 2024.

Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu cho cấp có thẩm quyền quyết định để quyết định việc tổ chức đàm phán, ký kết, triển khai thỏa thuận hoặc hợp đồng với các đối tác quốc tế về chuyển nhượng tín chỉ carbon, kết quả giảm phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của ngành Công thương phù hợp với mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính của quốc gia. Đánh giá mức độ sẵn sàng tham gia thị trường carbon của một số lĩnh vực có tiềm năng thuộc ngành Công Thương như sản xuất thép, sản xuất điện.

Bên cạnh đó, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Cục Điều tiết điện lực, Cục Kỷ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp, Cục Công nghiệp, Vụ Pháp chế, Viện năng luợng, Viện Chiến luợc Chính sách Công Thương và các đơn vị có liên quan phối hợp với Vụ TKNL trong quá trình triển khai các nhiệm vụ trong Kế hoạch này.

Đồng thời, các đơn vị truyền thông thuộc Bộ Công thương gồm Cổng Thông tin điện tử Bộ Công Thương (Văn phòng Bộ), Báo Công Thương, Tạp chí Công Thương, Truyền hình Công Thương tổ chức các hoạt động tuyên truyền mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, thực hiện NDC, phương thức tạo tín chỉ carbon, tham gia thị trường carbon tự nguyện, tổ chức và phát triển thị trường carbon tuân thủ cho các đối tượng của ngành Công Thương.

Trong đó, Vụ Tiết kiệm năng luợng và Phát triển bền vững là đơn vị đầu mối tổng vụ họp kết quả thực hiện Kế hoạch này, báo cáo Ban Chỉ đạo về Biến đổi khí hậu tăng trưởng xanh của Bộ Công Thương tại các kỳ họp Ban Chỉ đạo hoặc báo cáo Lãnh đạo Bộ bằng văn bản và các kiến nghị để nâng cao hiệu quả thực hiện.


Việt Nam đã cập nhật Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC), cụ thể hóa các cam kết quốc tế về giảm phát thải. (Ảnh Internet)

Trước đó,  Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 2/5/2024 về tăng cường công tác quản lý tín chỉ carbon nhằm thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định.

Với nội dung thực hiện cam kết về giảm phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Việt Nam đã cập nhật Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC), cụ thể hóa các cam kết quốc tế về giảm phát thải.

Triển khai thực hiện NDC là trách nhiệm của các quốc gia để thực hiện Công ước khung của Liên hợp quốc và Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, trong đó có mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính trong các lĩnh vực năng lượng, nông nghiệp, sử dụng đất và lâm nghiệp, quản lý chất thải, các quá trình công nghiệp. Để bảo đảm thực hiện cam kết giảm phát thải khí nhà kính đến năm 2030 theo NDC và đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050, việc xây dựng và thực hiện kế hoạch giảm phát thải khí nhà kính của các lĩnh vực; phát triển thị trường carbon và các cơ chế quản lý tín chỉ carbon là rất cấp thiết.

Theo đó, phát triển thị trường các-bon và các cơ chế quản lý, trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon là giải pháp quan trọng nhằm thực hiện mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính với chi phí hợp lý, thúc đẩy phát triển, ứng dụng công nghệ phát thải thấp, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và thu nhập của người dân tham gia các dự án giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ và phát triển rừng.

Tại Việt Nam, từ giữa những năm 2000 đến nay đã có nhiều doanh nghiệp triển khai thực hiện các chương trình, dự án tạo tín chỉ carbon và trao đổi tín chỉ carbon ra thế giới trên thị trường tự nguyện, đặc biệt là tín chỉ carbon từ các chương trình, dự án theo Cơ chế phát triển sạch (CDM).

Tuy nhiên, trong thời gian qua, có nhiều thông tin, dư luận xã hội chưa thực sự đầy đủ, toàn diện, chính xác về thị trường carbon và các cơ chế quản lý tín chỉ carbon, đặc biệt là hoạt động tạo tín chỉ, quản lý tín chỉ các-bon từ rừng và một số lĩnh vực khác. Do đó, nhiều tổ chức, doanh nghiệp, người dân hiểu chưa đúng đắn về thị trường carbon và phương thức tạo tín chỉ carbon để có thể giao dịch trên thị trường.

Quản lý tín chỉ carbon bao gồm việc xây dựng và tổ chức triển khai các quy định về cơ chế quản lý việc tạo tín chỉ và trao đổi, mua bán tín chỉ carbon theo hình thức tự nguyện hoặc bù trừ cho hạn ngạch phát thải khí nhà kính; là cơ sở cho phát triển thị trường carbon trong nước và tham gia thị trường thế giới.

Việc trao đổi, mua bán tín chỉ carbon và kết quả giảm phát thải khí nhà kính cần bảo đảm thực hiện mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính quốc gia, hài hòa giữa lợi ích của nhà nước và người dân, doanh nghiệp và các đối tác tham gia./.

SỸ HÙNG

Tags tín chỉ carbon Bộ Công thương Chỉ thị quản lý tín chỉ carbon

Các tin khác

Quy trình thiết lập bộ dữ liệu lớp phủ mặt đất phục vụ tính toán phát thải khí nhà kính theo QCVN 78:2023 là việc làm cần thiết nhằm tạo cơ sở cho việc thực hiện tốt hơn các nghĩa vụ của Việt Nam về biến đổi khí hậu.

Ngày 12/9/2024 Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Công điện số 94/CĐ-TTg về việc tăng cường công tác vận hành, điều tiết các hồ chứa thủy điện ở các tỉnh phía Bắc.

Cuốn Sổ tay hướng dẫn xử lý nước và vệ sinh môi trường trong mùa bão lụt được Cục Quản lý môi trường (Bộ Y tế) biên soạn nhằm cung cấp những thông tin, kỹ thuật cơ bản nhất về xử lý nước và vệ sinh môi trường phù hợp với thực tế của nhiều địa phương.

Trưa 10/9, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội đã lệnh báo động cấp độ 1 trên sông Hồng tại địa phận một số quận và huyện trên địa bàn thành phố.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục