Quận Hoàn Kiếm ban hành phương án thí điểm quản lý, phân loại rác tại nguồn năm 2024

  • Cập nhật: Thứ tư, 29/5/2024 | 8:30:36 AM

QLMT - Năm 2024 và những năm tiếp theo, triển khai thực hiện đồng loạt việc phân loại rác thải tại nguồn trên toàn địa bàn quận Hoàn Kiếm; phấn đấu 100% hộ gia đình, cá nhân, các cơ quan, tổ chức thực hiện việc phân loại rác thải.

Thực hiện Công văn số 12442/VP-TNMT ngày 24/10/2023 của Văn phòng UBND thành phố Hà Nội về việc hoàn thiện Đề án phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải tại nguồn trên địa bàn Thành phố; UBND quận Hoàn Kiếm đã xây dựng Phương án và triển khai thí điểm mô hình "Quản lý, phân loại, thu gom, vận chuyển rác thải tại nguồn trên địa bàn Quận Hoàn Kiếm năm 2024”.

Văn bản nêu rõ thực trạng phát sinh rác thải tại Quận Hoàn Kiếm, công tác phân loại, thu gom, vận chuyển rác thải của quận Hoàn Kiếm trong những năm qua, Phương án thực hiện thí điểm mô hình "Quản lý, phân loại, thu gom, vận chuyển rác thải tại nguồn trên địa bàn Quận Hoàn Kiếm năm 2024 cùng các Nhiệm vụ, giải pháp và các quy định về việc tổ chức thực hiện kế hoạch.

Dưới đây, Ban biên tập Môi trường và Đô thị Việt Nam xin giới thiệu toàn bộ Phương án và triển khai thí điểm mô hình "Quản lý, phân loại, thu gom, vận chuyển rác thải tại nguồn trên địa bàn Quận Hoàn Kiếm năm 2024”.

Thực trạng phát sinh rác thải tại Quận Hoàn Kiếm

Theo số liệu thống kê của Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội - Chi nhánh Hoàn Kiếm từ quá trình thu gom, vận chuyển rác thải cho thấy: Thành phần rác thải khá đa dạng và phức tạp (như: Rác thực phẩm; gỗ vụn, phế thải; giấy; nhựa và các loại khác như: kim loại, thủy tinh, sành sứ…); lượng rác phát sinh hàng năm tăng dần, tập trung chủ yếu ở các khu vực đông dân cư (khu vực phố cổ, khu vực 02 phường ngoài đê) và những nơi tập trung nhiều cơ sở kinh doanh buôn bán.

Cụ thể: Lượng rác thải phát sinh trên địa bàn quận năm 2022 là 68.980 tấn (tương đương 188,98 tấn/ngày), trong đó lượng rác thải được thu gom, vận chuyển về Khu xử lý chất thải Nam Sơn sau khi tổ chức phân loại là 68.197 tấn (tương đương 186,843 tấn/ngày), đạt 98,8%, phần còn lại là rác tái chế được Urenco Hoàn Kiếm thu gom. Năm 2023, lượng rác thải phát sinh là 76.409 tấn (tương đương 209,34 tấn/ngày), trong đó lượng rác thải được thu gom, vận chuyển về Khu xử lý chất thải Nam Sơn sau khi tổ chức phân loại là 75.347 tấn (tương đương 206,430 tấn/ngày), đạt 98,6%, phần còn lại là rác tái chế được Urenco Hoàn Kiếm thu gom.


Công tác thu gom, vận chuyển rác thải trên địa bàn quận Hoàn Kiếm trong những năm qua được thực hiện thông qua Hợp đồng dịch vụ với Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội - Chi nhánh Hoàn Kiếm.

Công tác phân loại, thu gom, vận chuyển rác thải trong những năm qua

Kết quả thực hiện việc phân loại rác thải tại nguồn

Thực hiện Kế hoạch số 10/KH-UBND ngày 07/01/2020 của UBND quận Hoàn Kiếm, Urenco Hoàn Kiếm hiện đang triển khai tổ chức phân loại rác trên địa bàn quận Hoàn Kiếm theo tần suất hàng ngày và thứ 7 hàng tuần thông qua 2 hình thức chính là:

Tổ chức triển khai đổi rác lấy quà vào sáng thứ 7 hàng tuần tại 05 điểm: Số 8 Phan Huy Chú, 27 Lý Thái Tổ, hè Phùng Hưng - Cửa Đông, Số 8 Lê Thái Tổ, Số 69 Vọng Hà.

Tổ chức thực hiện thu mua, trao đổi hàng ngày với công nhân môi trường, người thu rác tự do tại 08 điểm tập trung: Cạnh Bệnh viện K, điểm cẩu rác Phùng Hưng (cạnh Vườn hoa Phùng Hưng), điểm cẩu rác Chợ Gạo, điểm cẩu rác ở phố Cao Thắng, Điểm cẩu rác ngã tư Chương Dương (hè con đường gốm sứ), Hè nhà vệ sinh công cộng (đối diệnKem Thủy Tạ), Điểm cẩu rác Hàng Bồ và 52 Hàng Bài (đối diện Công an phường Hàng Bài).

Trong thời gian tổ chức triển khai công tác phân loại rác, khối lượng rác tái chế thu được trên địa bàn quận Hoàn Kiếm như sau:

Năm 2022: đạt 783,9 tấn, trung bình 2,1 tấn/ngày, đạt tỷ lệ khoảng 1,1% trên tổng khối lượng rác trung bình tại địa bàn Quận Hoàn Kiếm.

Năm 2023: đạt 1.062,92 tấn, trung bình 2,9 tấn/ngày, đạt tỷ lệ khoảng 1,4% trên tổng khối lượng rác trung bình tại địa bàn Quận Hoàn Kiếm.

Nhìn chung, với sự cố gắng nỗ lực của các phường và ý thức của một bộ phận nhân dân, Chương trình phân loại rác tái chế bước đầu thu hút và được sự đồng thuận của nhân dân, của xã hội bằng việc giao rác thông qua đổi quà, mua bán. Tuy nhiên, số lượng rác tái chế thu được còn hạn chế, chưa tạo được ý thức tự giác của đông đảo nhân dân trên địa bàn.

Hoạt động thu gom, vận chuyển rác thải

Mô hình và hình thức thu gom, vận chuyển:

Công tác thu gom, vận chuyển rác thải trên địa bàn quận Hoàn Kiếm trong những năm qua được thực hiện thông qua Hợp đồng dịch vụ với Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội - Chi nhánh Hoàn Kiếm.

Hình thức thu gom, vận chuyển: Rác thải phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân, tổ chức, cơ quan đơn vị hành chính sự nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ được công nhân vệ sinh môi trường thu gom bằng xe đẩy tay về các điểm tập kết, tại các điểm tập kết rác được để trên xe đẩy tay; sau đó, xe chuyên dụng của Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội - Chi nhánh Hoàn Kiếm đến thu gom, vận chuyển về khu xử lý rác thải của Thành phố.

Phương tiện thu gom, vận chuyển:

Trên toàn địa bàn quận có 510 xe gom đẩy tay, 19 xe ô tô chuyên dụng để thực hiện việc thu gom, vận chuyển rác thải hàng ngày trên toàn địa bàn quận, đảm bảo không để tồn đọng rác thải.

Điểm tập kết, thu gom rác thải:

Theo Phương án số 211/PA-UBND ngày 27/11/2019 của UBND quận và Phương án phối hợp đảm bảo vệ sinh môi trường của các phường đã thống nhất với Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội - Chi nhánh Hoàn Kiếm, trên toàn địa bàn quận có 92 điểm tập kết, thu gom rác thải. Tại các điểm tập kết, thu gom, rác thải được để trên xe đẩy tay trước khi xe chuyên dụng của Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội - Chi nhánh Hoàn Kiếm đến thu gom, vận chuyển đi xử lý. Tuy nhiên, việc tồn tại nhiều điểm tập kết rác thải trong khu dân cư như hiện nay cho thấy nhiều bất cập và còn có nhiều kiến nghị phản ánh của Nhân dân.

Nhìn chung, công tác phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải trong thời gian qua trên địa bàn quận Hoàn Kiếm đã được các cấp ủy, chính quyền quan tâm chỉ đạo, MTTQ, các đoàn thể và Nhân dân tích cực tham gia; nhận thức của các cấp, các ngành và Nhân dân về bảo vệ môi trường nói chung được nâng lên; hoạt động thu gom, vận chuyển đạt được một số kết quả đáng khích lệ như: Cơ bản lượng rác thải được thu gom, vận chuyển kịp thời, không để tồn đọng rác trên địa bàn; tình trạng rác thải vứt không đúng nơi, không đúng giờ quy định phần nào được hạn chế…

Tuy nhiên, công tác thu gom, vận chuyển rác thải trên địa bàn quận vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần phải được tiếp tục quan tâm giải quyết như: Công tác tuyên truyền về thu gom, vận chuyển rác thải và bảo vệ môi trường chưa thực sự sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân trên địa bàn; ý thức của một bộ phận người dân, tổ chức, đơn vị về công tác phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải còn hạn chế, chưa chấp hành tốt các quy định về bảo vệ môi trường; phương tiện, trang thiết bị thu gom, vận chuyển chưa đồng bộ và chưa hiện đại; số lượng các điểm tập kết, thu gom còn khá nhiều gây mất mỹ quan đô thị, ảnh hưởng vệ sinh môi trường trong khu dân cư…

Nguyên nhân là do: Cấp ủy, chính quyền một số phường chưa thực sự quan tâm, thiếu quyết liệt trong công tác chỉ đạo cũng như xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường; nhận thức của một bộ phận người dân và người đứng đầu của các cơ quan, đơn vị, cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ về công tác bảo vệ môi trường và thu gom, xử lý rác thải còn hạn chế; rác thải phát sinh ngày càng tăng, đa dạng về chủng loại, trong khi công tác phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu…

Phương án thực hiện thí điểm mô hình "Quản lý, phân loại, thu gom, vận chuyển rác thải tại nguồn trên địa bàn Quận Hoàn Kiếm năm 2024

Mục tiêu tổng quát: Rác thải trên địa bàn phải được phân loại theo đúng quy định tại khoản 1 Điều 75 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, công tác thu gom, vận chuyển bảo đảm triệt để ngay trong ngày, hạn chế tối đa việc ô nhiễm môi trường do rác thải gây ra; bảo đảm quận Hoàn Kiếm luôn sáng, xanh, sạch, đẹp, văn minh.

Mục tiêu cụ thể

Về phân loại, thu gom: Năm 2024 và những năm tiếp theo, triển khai thực hiện đồng loạt việc phân loại rác thải tại nguồn trên toàn địa bàn quận Hoàn Kiếm; phấn đấu 100% hộ gia đình, cá nhân, các cơ quan, tổ chức thực hiện việc phân loại rác thải theo đúng quy định tại khoản 1 Điều 75 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; lượng chất thải thu hồi để tái chế, tái sử dụng hoặc chế biến chất thải hữu cơ đáp ứng yêu cầu của thành phố Hà Nội.

Về vận chuyển: Bảo đảm 100% lượng rác thải phát sinh trong ngày trên địa bàn quận Hoàn Kiếm phải kịp thời được vận chuyển đến nơi xử lý theo quy định.

Yêu cầu

Tập trung sự lãnh đạo, chỉ đạo, huy động sự vào cuộc của các cấp, các ngành; tăng cường sự chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác phân loại, thu gom, vận chuyển rác thải, nâng cao nhận thức, ý thức người dân tham gia bảo vệ môi trường.

Triển khai xây dựng đồng bộ hệ thống quản lý, thu gom, vận chuyển rác thải tại nguồn trên địa bàn quận nhằm kiểm soát ô nhiễm, bảo vệ môi trường, cảnh quan, đảm bảo sức khỏe người dân, góp phần thực hiện tốt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Công tác quản lý, phân loại, thu gom, xử lý rác thải là trách nhiệm chung của toàn xã hội, của chính quyền các cấp và các tổ chức, cá nhân trên địa bàn quận. Việc phân loại, thu gom, vận chuyển rác thải được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của chính quyền các cấp.

Phương án cụ thể

Phân loại rác thải tại nguồn

Các cơ quan, đơn vị, hộ gia đình và cá nhân trên địa bàn quận Hoàn Kiếm phải có trách nhiệm tự thực hiện phân loại rác thải thành 04 loại và có bao bì đựng phù hợp, cụ thể như sau:

Loại chất thải

Bao bì đựng rác thải

Yêu cầu khi thực hiện phân loại

(1) Chất thải rắn có thể tái sử dụng, tái chế (gồm: các loại giấy, nhựa, kim loại…)

Đựng trong bao bì (trong suốt) để có thể nhìn thấy loại chất thải đựng bên trong.

- Khuyến khích giảm sử dụng và tái sử dụng.

- Giữ khô, sạch.

(2) Chất thải cồng kềnh (là vật dụng gia đình được thải bỏ có kích thước lớn như: tủ, giường, nệm, bàn, ghế hoặc các vật dụng tương tự khác hoặc gốc cây, thân cây, cành cây…)

Tự vận chuyển hoặc thuê đơn vị vận chuyển đến địa điểm tập kết quy định.

Làm gọn, giảm kích thước để dễ vận chuyển và giảm không gian kho bãi chứa

(3) Chất thải nguy hại (gồm: pin, ắc quy, bóng đèn, chai lọ đựng hóa chất, sơn mực, tivi, tủ lạnh…)

Tận dụng túi, hộp có sẵn.

Để riêng, không để lẫn vào các loại rác khác.

(4) Rác thải còn lại (bao gồm: chất thải thực phẩm và rác thải khác sau đây gọi tắt là rác thải sinh hoạt)

Đựng vào bao bì riêng (túi tiêu chuẩn - nếu có), tận dụng túi sẵn có của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân buộc chặt miệng túi trước khi thải bỏ.

- Trút bỏ nước rác.

- Làm gọn giảm kích thước rác.

Thu gom, tập kết rác thải

Đối với chất thải rắn có thể tái sử dụng, tái chế:

Tổ chức triển khai đổi rác lấy quà hoặc bao bì thu gom vào sáng thứ 7 hàng tuần tại 05 điểm: Số 8 Phan Huy Chú, 27 Lý Thái Tổ, hè Phùng Hưng - Cửa Đông, Số 8 Lê Thái Tổ, Số 69 Vọng Hà.

Tổ chức thực hiện thu mua, trao đổi hàng ngày với công nhân môi trường, người thu rác tự do tại hộ gia đình, cá nhân hoặc 08 điểm tập trung sau:

TT

Tên điểm thu mua, tiếp nhận rác tái chế

Địa chỉ

Ghi chú

1

Hai Bà Trưng

Cạnh Bệnh viện K

2

Điểm cẩu Phùng Hưng

Vườn hoa Phùng Hưng

3

Điểm Chợ gạo

Chợ gạo

4

Điểm Cao Thắng

Phố Cao Thắng

5

Phúc Tân, Chương Dương

Điểm cẩu ngã tư Chương Dương

6

Điểm số 8 Lê Thái Tổ

Hè nhà vệ sinh công cộng

7

Hàng Bồ

Điểm cẩu Hàng Bồ

8

Hàng Bài

52 Hàng Bài

Các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ có ký kết Hợp đồng dịch vụ thu gom với đơn vị thực hiện dịch vụ thu gom: Thực hiện việc thu gom theo Hợp đồng đã ký kết sử dụng dụng cụ thu chứa chất thải rắn sinh hoạt kín khít có nắp đậy theo quy định tại Điều 26, Thông tư 02/2022/TT-BTNMT hoặc túi theo tiêu chuẩn.

Đối với chất thải cồng kềnh:

Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội - Chi nhánh Hoàn Kiếm thực hiện thu gom tại các điểm tập kết đã thống nhất với UBND các phường vào sáng thứ 7 hàng tuần tại các vị trí:

TT

Điểm tập kết chất thải cồng kềnh

Phạm vi thu gom

1

Quán Sứ - Hội Vũ

P.Hàng Bông

2

Hè đối diện 21 Phủ Doãn

P.Hàng Trống

3

Phùng Hưng - Cửa Đông

P.Cửa Đông + P.Hàng Gai

4

Phùng Hưng - Lê Văn Linh

P.Hàng Mã + P.Hàng Bồ

5

Trần Nhật Duật - Cao Thắng

P.Đồng Xuân

6

Trần Quang Khải - Hàng Mắm

P.Hàng Bạc + P.Lý Thái Tổ

7

Trần Quang Khải - Hàng Vôi

P.Lý Thái Tổ

8

Hồng Hà - Bảo Linh

P.Phúc Tân

9

Trần Nhật Duật - Chợ Gạo

P.Hàng Buồm + P.Hàng Đào

10

Trần Quang Khải - đường đi lên cửa khẩu Chương Dương Độ

P.Chương Dương

11

Số 8 Phan Huy Chú

P.Phan Chu Trinh

12

Số 14 Trần Quốc Toản

P.Hàng Bài

13

Số 10 Dã Tượng

P.Trần Hưng Đạo

14

Ngã tư Lý Thường Kiệt – Phan Bội Châu

P.Cửa Nam

15

Vườn Hoa Cổ Tân

P.Tràng Tiền

Ngoài thời điểm thu gom nói trên, nếu các hộ gia đình, cá nhân, cơ quan, tổ chức, cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ có nhu cầu thu gom thì liên hệ trực tiếp theo số điện thoại 024 388072 và phải trả phí thu gom cho Urenco Hoàn Kiếm theo thỏa thuận trên cơ sở số lượng, kích thước thực tế.

Các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ thực hiện ký kết Hợp đồng với đơn vị thực hiện dịch vụ thu gom. Thực hiện việc thu gom theo Hợp đồng đã ký kết.

Đối với chất thải sinh hoạt nguy hại: Đối với hộ dân: UBND 18 phường rà soát bố trí thùng thu gom rác nguy hại, nhất là các khu dân cư tập trung, Tòa nhà chung cư, các siêu thị, các cửa hàng tiện ích…và ký kết hợp đồng với đơn vị thu gom có chức năng thực hiện thu gom theo hợp đồng ký kết.

Đối với các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ: Thực hiện ký kết Hợp đồng với đơn vị thu gom có chức năng và thực hiện theo Hợp đồng đã ký kết.

Đối với rác thải còn lại:

- Hình thức thu gom, tập kết rác thải:

Công nhân vệ sinh môi trường thu gom bằng xe đẩy tay về tập kết tại các điểm tập kết, thu gom đã thống nhất với UBND các phường; tại điểm tập kết, thu gom rác được để trên xe đẩy tay cho đến khi xe chuyên dụng của Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội - Chi nhánh Hoàn Kiếm đến thu gom, vận chuyển về khu xử lý rác thải của Thành phố.

Khi xe chuyên dùng của Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội - Chi nhánh Hoàn Kiếm đến thu gom: Người dân bỏ trực tiếp lên xe.

Thực hiện rải đặt thùng thu rác sinh hoạt theo giờ từ 18h00’ trở đi và người dân bỏ rác sinh hoạt vào thùng, sau đó Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội - Chi nhánh Hoàn Kiếm thu thùng lại, không đặt cố định tạo thành chân rác.

- Thời điểm thu gom: Theo Phương án phối hợp đảm bảo vệ sinh môi trường của các phường đã thống nhất với Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội - Chi nhánh Hoàn Kiếm bắt đầu từ 18h00 hàng ngày (không thực hiện thu gom ban ngày)

- Điểm tập kết rác thải: Theo Phương án phối hợp đảm bảo vệ sinh môi trường của các phường đã thống nhất với Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội - Chi nhánh Hoàn Kiếm.

Các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ có trách nhiệm ký kết Hợp đồng với đơn vị thực hiện dịch vụ thu gom và thực hiện việc thu gom theo Hợp đồng đã ký kết. Trường hợp không thực hiện phân loại sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại Nghị định 45/2022/NĐ-CP.

Vận chuyển rác thải

Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội - Chi nhánh Hoàn Kiếm thực hiện theo Hợp đồng đã ký kết với Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Hoàn Kiếm để vận chuyển rác thải phát sinh của các hộ gia đình, cá nhân không có hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn quận Hoàn Kiếm. Các đối tượng còn lại (gồm: Cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp; các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đang hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có phát sinh chất thải) có trách nhiệm phải ký hợp đồng dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải với Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội - Chi nhánh Hoàn Kiếm hoặc đơn vị cung ứng dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải theo đúng các quy định của pháp luật.

Nhiệm vụ, giải pháp

Công tác tuyên truyền, chỉ đạo, trách nhiệm của hệ thống chính trị

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thực thi nhiệm vụ và Nhân dân trên địa bàn về công tác phân loại rác thải tại nguồn, phong trào chống rác thải nhựa, chấp hành nghiêm túc giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải trên địa bàn; lan tỏa thông điệp vì môi trường "Hành động nhỏ, hiệu quả lớn”.

Nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị xã hội tại các phường; gắn trách nhiệm của người đứng đầu nếu xảy ra các tồn tại, vi phạm trong hoạt động phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải tại các phường.

Đưa công tác bảo vệ môi trường, phân loại và thu gom, vận chuyển rác thải trở thành tiêu chí đánh giá thi đua khen thưởng của các phường, cơ quan, đơn vị, các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc phân loại và hoạt động thu gom, vận chuyển rác thải trên địa bàn; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm

Tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền và các cơ quan, đoàn thể trong công tác kiểm tra, giám sát việc phân loại rác thải của các tổ chức, hộ gia đình, các cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ và hoạt động thu gom, vận chuyển rác của Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội - Chi nhánh Hoàn Kiếm; xử lý nghiêm, kịp thời đối với các trường hợp không thực hiện phân loại rác thải, các trường hợp vi phạm trong việc thực hiện thu gom, vận chuyển rác thải.

Tăng cường vai trò giám sát cộng đồng đối với việc phân loại rác thải của các cơ quan, đơn vị, hộ gia đình, cá nhân và việc tổ chức thực hiện thu gom, vận chuyểncủa Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội - Chi nhánh Hoàn Kiếm.

Các lực lượng chức năng căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình tăng cường kiểm tra nhắc nhở và kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong công tác bảo vệ môi trường; coi đây là một trong những tiêu chí đánh giá thi đua của các đơn vị thuộc quận.

Tăng cường công tác xã hội hóa bảo vệ môi trường

Phát huy vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các hộ dân và các tổ chức, cá nhân trong việc xã hội hóa bảo vệ môi trường.

Huy động sự tham gia của các cơ quan, đơn vị, hộ gia đình và cá nhân trong công tác bảo vệ môi trường.

Áp dụng công nghệ trong hoạt động thu gom, vận chuyển rác thải.

Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội - Chi nhánh Hoàn Kiếm hoặc đơn vị cung cấp dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải trên địa bàn quận có trách nhiệm đầu tư các phương tiện, thiết bị thu gom, vận chuyển áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại để đảm bảo đáp ứng đầy đủ và đồng bộ trong hoạt động thu gom, vận chuyển rác thải.

Tổ chức thực hiện:

Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao; các cơ quan, đơn vị và UBND 18 phường chủ động xây dựng kế hoạch của đơn vị để triển khai thực hiện có hiệu quả Phương án này, cụ thể:

UBND quận:

Ban hành các văn bản chỉ đạo thực hiện phương án phân loại rác tại nguồn gắn với các phương án đảm bảo vệ sinh môi trường và đảm bảo trật tự đô thị, trật tự an toàn giao thông trên địa bàn quận.

Thường xuyên chỉ đạo các đơn vị kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các phường, các lực lượng thực hiện phương án phân loại rác tại nguồn.

Thường xuyên tổ chức kiểm tra, xử phạt các trường hợp vi phạm về VSMT theo Nghị định 45/2022/NĐ-CP của Chính phủ.

Phòng Tài nguyên và Môi trường:

Là cơ quan thường trực, tham mưu UBND quận chỉ đạo các đơn vị triển khai thực hiện Phương án thí điểm mô hình "Quản lý, phân loại, thu gom, vận chuyển rác thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn quận Hoàn Kiếm năm 2024”; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện của các đơn vị; tổng hợp những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện và báo cáo, đề xuất với UBND quận các giải pháp để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của các đơn vị.

Chủ trì phối hợp với UBND 18 phường, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận và Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội - Chi nhánh Hoàn Kiếm xây dựng nội dung tuyên truyền ( Slide, tờ rơi, bài tuyên truyền…), tổ chức Hội nghị tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về công tác bảo vệ môi trường và hướng dẫn kỹ thuật, quy trình thực hiện phân loại, lưu giữ, tập kết chất thải rắn tại nguồn, hạn chế sử dụng túi nilon và các sản phẩm nhựa dùng một lần; phối hợp với các phòng, ban, ngành thực hiện kiểm tra, giám sát việc phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý chất

Tham mưu với UBND quận tổ chức các đợt ra quân hưởng ứng các ngày lễ, sự kiện về môi trường gắn với thu gom rác thải sinh hoạt.

Tham mưu UBND quận thành lập đoàn kiểm tra, tổ chức kiểm tra và đề xuất cơ quan có thẩm quyền xử lý các vi phạm trong quản lý chất thải rắn sinh hoạt theo đúng quy định của pháp luật.

UBND phường 18 phường:

Tuyên truyền, vận động tới mọi người dân, các cơ quan đơn vị trên địa bàn hiểu rõ và tự giác chấp hành công tác phân loại rác trên địa bàn quận; chấp hành nghiêm túc việc bỏ rác đúng giờ và đúng nơi quy định, gắn với chấp hành pháp luật về trật tự đô thị, trật tự an toàn giao thông.

Chủ tịch UBND, Phó chủ tịch UBND phường phụ trách nhà đất - đô thị hàng ngày có trách nhiệm kiểm tra phát hiện, xử lý vi phạm, nếu để xảy ra mất vệ sinh môi trường.

Thường xuyên phối hợp chặt chẽ, kịp thời với Công ty TNHH MTV môi trường đô thị Hà Nội - Chi nhánh Hoàn Kiếm để phát hiện và xử lý người vi phạm vứt, xả rác không đúng giờ và không đúng nơi quy định.

Tổ chức các lực lượng chức năng của phường (đội viên chuyên trách giữ gìn TTĐT, tự quản khu dân cư nếu có) và công an phường; các ban, ngành đoàn thể của phường kiểm tra phát hiện các điểm vi phạm về VSMT, rác tồn đọng kịp thời trực tiếp báo cho URENCO Hoàn Kiếm hoặc thông qua mạng zalo để kịp thời thu gom.

Trong trường hợp nếu phát túi tiêu chuẩn để đựng rác, lập danh sách hộ dân và cấp phát cho các tổ dân phố theo đúng số lượng đã thống kê.

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Hoàn Kiếm:

Giám sát việc phối hợp của Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị - chi nhánh Hoàn Kiếm và UBND 18 phường trong việc thực hiện phân loại rác, nhất là các địa bàn giáp ranh giữa phường với phường và quận Hoàn Kiếm với các quận khác.

Phối hợp với UBND 18 phường tuyên truyền, vận động tới mọi người dân, các cơ quan đơn vị đóng trên địa bàn hiểu và tự giác chấp hành phân loại rác, chấp hành nghiêm túc việc bỏ rác đúng giờ và đúng nơi quy định, cũng như chấp hành các quy định giữ gìn vệ sinh môi trường trên địa bàn đường phố.

Kiểm tra thường xuyên phát hiện vi phạm, tồn tại về vệ sinh mỗi trường trên địa bàn quận, yêu cầu Công ty TNHH MTV Môi trường độ thị - Chi nhánh Hoàn Kiếm, UBND phường chỉ đạo lực lượng chức năng kịp thời xử lý. Cung cấp tài liệu đề lực lượng chức năng xử phạt đối với những tổ chức, cá nhân có hành vi thu gom, thải rác thải không đúng nơi quy định.

Phối hợp với phòng Tài nguyên Môi trường quận trong việc quản lý công tác phân loại rác tại nguồn đảm bảo vệ sinh môi trường.

Định kỳ báo cáo Thường trực Quận ủy, Thường trực HĐND, UBND quận, UBND Thành phố kết quả, công tác triển khai phân loại rác trên địa bàn quận.

Các phòng, ban chuyên môn khác:

Căn cứ Kế hoạch triển khai Phương án này, thực hiện theo đúng chức năng, phân công nhiệm vụ.

Công ty TNHH MTV môi trưởng đô thị Hà Nội - Chi nhánh Hoàn Kiếm:

Công ty TNHH MTV môi trường đô thị Hà Nội - Chi nhánh Hoàn Kiếm phải xác định rõ nhiệm vụ phân loại rác tại nguồn trên địa bàn quận là trách nhiệm chính của đơn vị và tất cả cán bộ, công nhân, viên chức, người lao động của công ty. Do vậy, phải chủ động, tích cực, sáng tạo, nâng cao vai trò trách nhiệm, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, làm cho quận Hoàn Kiếm thực sự sạch - đẹp.

Giao phòng Tài nguyên và Môi trường tham mưu, giúp UBND quận xây dựng Kế hoạch triển khai Phương án này; đồng thời, theo dõi, tổng hợp những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Phương án và kịp thời báo cáo, đề xuất với UBND quận giải pháp khắc phục những khó khăn, vướng mắc.

Quá trình triển khai thực hiện Phương án nếu có khó khăn, vướng mắc; các đơn vị và UBND 18 phường kịp thời phản ánh về UBND quận (thông qua phòng Tài nguyên và Môi trường) và đề xuất những giải pháp cụ thể phù hợp với tình hình thực tiễn triển khai tại đơn vị và UBND 18 phường để UBND quận xem xét, điều chỉnh cho phù hợp.

BBT

Tags Quận Hoàn Kiếm thí điểm quản lý phân loại rác tại nguồn chất thải rắn sinh hoạt

Các tin khác

Quy trình thiết lập bộ dữ liệu lớp phủ mặt đất phục vụ tính toán phát thải khí nhà kính theo QCVN 78:2023 là việc làm cần thiết nhằm tạo cơ sở cho việc thực hiện tốt hơn các nghĩa vụ của Việt Nam về biến đổi khí hậu.

Ngày 12/9/2024 Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Công điện số 94/CĐ-TTg về việc tăng cường công tác vận hành, điều tiết các hồ chứa thủy điện ở các tỉnh phía Bắc.

Cuốn Sổ tay hướng dẫn xử lý nước và vệ sinh môi trường trong mùa bão lụt được Cục Quản lý môi trường (Bộ Y tế) biên soạn nhằm cung cấp những thông tin, kỹ thuật cơ bản nhất về xử lý nước và vệ sinh môi trường phù hợp với thực tế của nhiều địa phương.

Trưa 10/9, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội đã lệnh báo động cấp độ 1 trên sông Hồng tại địa phận một số quận và huyện trên địa bàn thành phố.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục