Thứ nhất, về cơ chế chính sách, tổ chức bộ máy, phát triển nguồn nhân lực: Tập trung rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách liên quan đến công tác khí tượng thủy văn; quy trình vận hành, quản lý hệ thống mạng lưới trạm khí tượng thủy văn quốc gia; đánh giá, tổng kết công tác thi hành Luật Khí tượng thủy văn, điều tra khảo sát, thu thập thông tin phục vụ việc sửa đổi, bổ sung Luật Khí tượng thủy văn. Hoàn thành công tác sắp xếp lại tổ chức, bộ máy theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; xây dựng được nguồn nhân lực chuyên nghiệp, có trình độ, chất lượng đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa Ngành Khí tượng Thủy văn và Chiến lược phát triển Ngành Khí tượng Thủy văn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Thứ hai, về công nghệ thông tin và chuyển đổi số khí tượng thủy văn: Phát triển công nghệ thông tin khí tượng thủy văn bao gồm: hạ tầng số, dữ liệu số và nền tảng số; đảm bảo duy trì hoạt động ổn định, thông suốt của hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin và an toàn thông tin. Hoàn thành cơ sở dữ liệu khí tượng thủy văn quốc gia tập trung, liên thông với các cơ sở dữ liệu chung của quốc gia; ứng dụng công nghệ dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo trong quản lý, khai thác, chia sẻ thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn; số liệu quan trắc tại các trạm thuộc hệ thống khí tượng thủy văn quốc gia được thu nhận sát theo thời gian thực, kiểm soát, lưu trữ theo đúng quy định. Hoàn thành chuyển đổi số lĩnh vực khí tượng thủy văn; số hóa tư liệu giấy khí tượng thủy văn; tăng cường năng lực tính toán chuyên ngành khí tượng thủy văn của hệ thống. Đầu tư mở rộng các trạm thông tin vệ tinh mặt đất, thiết bị thông tin lưu động; vận hành hiệu quả hệ thống cảnh báo đa thiên tai, kết hợp với hệ thống cơ sở hạ tầng thông tin quốc gia.
Kế hoạch số 372/QĐ-BTNMT nhằm tạo ra sự chuyển biến tích cực và nâng cao hiệu quả, chất lượng sản phẩm trong công tác dự báo, quan trắc và thông tin và dữ liệu khí tượng thủy văn theo hướng ứng dụng các công nghệ mới, hiện đại. Ảnh minh hoạ: ITN
Thứ ba, về mạng lưới trạm quan trắc khí tượng thủy văn: Hiện đại hóa công nghệ quan trắc khí tượng thủy văn đến năm 2030 tăng thêm số trạm tự động trên toàn mạng lưới. Nghiên cứu bước đầu áp dụng công nghệ quan trắc bằng vệ tinh, camera, trí tuệ nhân tạo; Tăng dày mật độ ra-đa thời tiết cho các khu vực trên đất liền, khu vực biên giới, các đảo và quần đảo thuộc chủ quyền Việt Nam; lồng ghép mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường quốc gia với mạng lưới trạm khí tượng thủy văn quốc gia; Hiện đại hóa hệ thống kiểm định, hiệu chuẩn phương tiện đo khí tượng thủy văn; Đầu tư, hiện đại hóa hệ thống quan trắc, theo dõi, giám sát thiên tai chuyên dùng, nhất là đối với mưa, bão, lũ, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất, sạt lở bờ sông, bờ biển.
Thứ tư, về Dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn: Nâng cao độ tin cậy dự báo khí tượng thủy văn hàng ngày trong điều kiện thời tiết bình thường; Dự báo đủ độ tin cậy quỹ đạo và cường độ áp thấp nhiệt đới trước 2-3 ngày, tăng thời hạn cảnh báo quỹ đạo và cường độ bão trước 3-5 ngày; Dự báo, cảnh báo lũ đủ độ tin cậy đối với các hệ thống sông lớn ở Bắc Bộ trước 2-3 ngày, ở Trung Bộ trước 1-2 ngày, ở Nam Bộ trước 10 ngày; tăng chất lượng dự báo định lượng mưa lớn trước 2-3 ngày lên thêm 5-10% so với năm 2020; cảnh báo đủ độ tin cậy lũ quét, sạt lở đất trước 6 giờ; tăng thời hạn dự báo thời tiết đến 10 ngày, cảnh báo xu thế diễn biến một số hiện tượng khí tượng thủy văn nguy hiểm đến 1 tháng, cảnh báo hiện tượng ENSO tác động đến Việt Nam, hạn hán, xâm nhập mặn từ 3 tháng đến 1 năm; nâng chất lượng dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn dẫn đầu các nước trong khu vực ASEAN. Đồng thời cung cấp 100% thông tin phân vùng thiên tai, rủi ro thiên tai, giám sát biến đổi khí hậu, tài nguyên khí hậu, tài nguyên nước phục vụ việc xây dựng, thực hiện các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự án trọng điểm của quốc gia.
Thứ năm về ứng dụng khoa học công nghệ, hợp tác quốc tế: Từng bước nghiên cứu làm chủ công nghệ phương tiện đo, thám sát bằng phương tiện bay, vệ tinh khí tượng, mô hình tính toán toàn cầu về khí tượng, mô hình thủy văn, hải văn hiện đại; Tăng cường ứng dụng, chuyển giao công nghệ mới trong dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn; Tăng cường hợp tác quốc tế nghiên cứu quan trắc, đo đạc, thám sát, chia sẻ thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn; đào tạo, cử chuyên gia, đại diện của Việt Nam tham gia vào các cơ quan, tổ chức, diễn đàn điều hành của Tổ chức Khí tượng Thế giới và các tổ chức quốc tế khác về khí tượng thủy văn; Huy động nguồn lực hỗ trợ/tài chính từ các khuôn khổ hợp tác song phương, đa phương và các tổ chức quốc tế quan tâm và có thế mạnh trong lĩnh vực liên quan nhằm hỗ trợ công tác nghiên cứu, ứng dụng trong ngành Khí tượng Thủy văn.
TÚ ANH