Theo đó, tại Công văn số 8995/UBND – NNMT ban hành ngày 6-10-2020, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk chỉ đạo các địa phương và sở, ngành liên quan ngăn chặn, đấu tranh có hiệu quả đối với các hành vi vi phạm pháp luật về động vật hoang dã trên địa bàn tỉnh; quản lý hoạt động gây nuôi động vật hoang dã theo đúng các quy định của pháp luật Việt Nam và Công ước quốc tế về buôn bán các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (Công ước CITES).
Cụ thể: Các địa phương và cơ quan chức năng tuyên truyền, phổ biến, quán triệt tới cán bộ, công chức, viên chức, người lao động chấp hành nghiêm các quy định về không săn bắt, mua, bán, sử dụng, tặng hay nhận quà biếu là các sản phẩm, dẫn xuất có nguồn gốc từ động vật hoang dã trái với quy định của pháp luật; khuyến khích người dân thông tin kịp thời về các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm liên quan đến các quy định về quản lý, bảo vệ động vật hoang dã.
Ảnh minh hoạ.
Các cơ quan bảo vệ pháp luật tiến hành rà soát, kiểm tra, tổ chức theo dõi, xác minh làm rõ, xử lý nghiêm các đường dây khai thác, nuôi, nhốt, mua, bán, vận chuyển trái phép các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm; các hoạt động chế tác, tiêu thụ, trưng bày, quảng cáo, sử dụng bất hợp pháp động vật hoang dã và các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật hoang dã. Kiểm tra, giám sát các làng nghề, cơ sở chế biến, cửa hàng bán đồ lưu niệm… nhằm triệt tiêu tận gốc động lực của nạn săn bắt, buôn bán, nhập khẩu, tiêu thụ bất hợp pháp động vật hoang dã và các sản phẩm của động vật hoang dã. Đồng thời tổ chức triển khai cho các cơ sở kinh doanh trên địa bàn ký cam kết về việc không mua bán, sử dụng, tiêu thụ, trưng bày, quảng cáo mẫu vật động vật hoang dã không đảm bảo nguồn gốc hợp pháp và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Tăng cường việc kiểm tra, quản lý các trại nuôi sinh sản, nuôi sinh trưởng động vật hoang dã, đặc biệt là các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm; thường xuyên theo dõi nguồn gốc nhập, xuất động vật; yêu cầu chủ cơ sở, trại nuôi thực hiện nghiêm quy định về hồ sơ lâm sản và ghi chép vào sổ nhập, xuất lâm sản đầy đủ, kịp thời, đúng quy định…
Các đơn vị chủ rừng có trách nhiệm quản lý, bảo vệ các loài động vật hoang dã, bảo tồn đa dạng sinh học trên diện tích rừng, đất rừng được giao quản lý. Theo dõi và báo cáo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về tình trạng động vật hoang dã, xây dựng nội quy, bảo vệ đối với từng khu rừng có các loài động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm. Chịu trách nhiệm về việc để xảy ra hiện tượng săn bắt, bẫy các loài động vật hoang dã trong lâm phần mình quản lý…
THẾ HOÀN