Quy hoạch chung không gian xây dựng ngầm đô thị trung tâm TP Hà Nội

  • Cập nhật: Thứ bảy, 19/3/2022 | 10:56:32 AM

Quy hoạch chung không gian xây dựng ngầm đô thị trung tâm TP Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được phê duyệt.

Quy hoạch chung không gian xây dựng ngầm đô thị trung tâm TP Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được phê duyệt nhằm cụ thể hóa và bổ sung nội dung quy hoạch chung không gian xây dựng ngầm đô thị, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về xây dựng, quản lý và sử dụng công trình ngầm khu vực đô thị trung tâm thành phố.

Đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước

Theo Quyết định số 913/QĐ-UBND ngày 15/3/2022 của UBND TP Hà Nội về phê duyệt Quy hoạch chung không gian xây dựng ngầm đô thị trung tâm - TP Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỷ lệ 1/10.000, khu vực nghiên cứu chính là đô thị trung tâm TP Hà Nội, thuộc địa giới hành chính 20 quận, huyện gồm: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Cầu Giấy, Tây Hồ, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Hà Đông, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Long Biên, Mê Linh, Đông Anh, Gia Lâm, Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Oai, Thanh Trì, Thường Tín.

Đô thị trung tâm giới hạn bởi: phía Bắc giáp sông Cà Lồ, phía Đông giáp tỉnh Bắc Ninh và tỉnh Hưng Yên, các phía Tây, Tây Nam và phía Nam giáp đường vành đai 4. Diện tích nghiên cứu khoảng 71.600ha (756km2).

Mục tiêu của quy hoạch nhằm cụ thể hóa và bổ sung nội dung quy hoạch chung không gian xây dựng ngầm đô thị của đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011. Kế thừa kết quả nghiên cứu quy hoạch không gian ngầm tại các đồ án quy hoạch chung xây dựng đô thị vệ tinh, quy hoạch phân khu đô thị được duyệt.

Đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về xây dựng, quản lý và sử dụng công trình ngầm khu vực đô thị trung tâm thành phố; Khớp nối, kết nối đồng bộ các không gian xây dựng ngầm trên địa bàn thành phố; Làm cơ sở cho việc triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu không gian xây dựng ngầm đô thị, lập quy hoạch chi tiết không gian xây dựng ngầm cho các khu vực đô thị, lập dự án đầu tư xây dựng ngầm trong khu vực đô thị trung tâm thành phố; Góp phần xây dựng Thủ đô hiện đại, văn minh, phát triển đô thị bền vững.

Quyết định số 913/QĐ-UBND xác định nhu cầu xây dựng công trình ngầm gồm hệ thống giao thông và các công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm, các công trình công cộng ngầm đã được cơ quan thẩm quyền xác định định hướng phát triển và phê duyệt.

Quy hoạch chung không gian xây dựng ngầm đô thị trung tâm TP Hà Nội - Ảnh 1
Ảnh: KT&ĐT

Phân vùng chức năng xây dựng

Phân vùng chức năng để xây dựng công trình ngầm theo chiều ngang, theo chiều đứng, vùng hạn chế, vùng cấm. Trong đó, theo chiều ngang trong đô thị trung tâm các khu vực có tiềm năng xây dựng công trình ngầm gồm: khu vực nội đô, khu vực phát triển mới cao tầng tại Bắc sông Hồng và chuỗi đô thị Đông vành đai 4, các dự án trong vành đai xanh và tại các trục không gian Hồ Tây - Ba Vì, Tây hồ Tây, hồ Tây - Cổ Loa và khu vực dọc theo hành lang các tuyến ĐSĐT (đường sắt đô thị).

Theo chiều đứng thành 03 lớp gồm: lớp nông từ 0-5m, xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm, lối vào tầng hầm của các công trình, các tuyến hầm đi bộ, lớp trung bình từ 5 -15m xây dựng các công trình công cộng ngầm, bãi đô xe ngầm, lớp sâu từ 15 - 30m xây dựng các công trình công cộng ngầm, bãi đỗ xe ngầm, lớp sâu từ 15 - 30m xây dựng hệ thống giao thông ngầm, ĐSĐT, tuynel kỹ thuật chính.

Vùng hạn chế xây dựng công trình ngầm là khu Phố cổ Hà Nội, cấm xây dựng, khai thác không gian ngầm tại Khu vực bảo vệ I gồm các công trình, khu vực được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt ở đô thị trung tâm: Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội, Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, Khu Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Khu Cổ Loa, Khu Đền Hai Bà Trưng, Khu hồ Hoàn Kiếm và Đền Ngọc Sơn. Việc xây dựng các công trình ở khu vực bảo vệ II phải được cấp thẩm quyền chấp thuận theo quy định của pháp luật.

Cấm xây dựng công trình công cộng ngầm, tuynel trong phạm vi khoanh vùng bảo vệ các khu đất quốc phòng - an ninh. Công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm khác có yêu cầu xây dựng cần được Bộ Quốc phòng và Bộ Công an chấp thuận, giám sát, kiểm tra bảo đảm các quy định riêng.

Hạn chế xây dựng hệ thống tuynel kỹ thuật tại khu vực ngoài đê sông Hồng, sông Đuống. Không xây dựng tuynel kỹ thuật chính và các công trình công cộng ngầm, công trình có hầm ảnh hưởng đến an toàn đê và khả năng tiêu thoát lũ.

Quy hoạch không gian

Đối với giao thông ngầm, các tuyến giao thông đường bộ ngầm chủ yếu bố trí tại các nút giao thông khác mức, các quảng trường như: quảng trường sân vận động quốc gia Mỹ Đình, các khu vực công trình đầu mối sân bay, đường sắt quốc gia như sân bay Gia Lâm, khu vực ga Hà Nội, ga Ngọc Hồi, ga Giáp Bát.

Mạng lưới đường sắt đô thị ngầm gồm các tuyến số 2, số 3, số 4, số 5, số 7 và số 8 xây dựng kết hợp với đi trên cao, trên mặt đất và đi ngầm với tổng chiều dài phần xây dựng ngầm khoảng 86,5km và 81 ga ngầm trên các tuyến. Phương án xây dựng ngầm, bổi, đi bằng, vị trí, số lượng ga ngầm các tuyến ĐSĐT được xác định chính xác theo dự án riêng được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Yêu cầu kết nối ĐSĐT ngầm, các tuyến xây dựng trước phải tính toán dự phòng và quy hoạch các vị trí kết nối ngầm tại ga dự kiến giao cắt với tuyến xây dựng sau. Các tuyến xây dựng sau phải hình thành kết nối đồng bộ với tuyến đã xây dựng để tạo dựng hoàn chỉnh liên kết theo quy hoạch.

Quy hoạch chung không gian xây dựng ngầm đô thị trung tâm TP Hà Nội - Ảnh 2
TP Hà Nội vừa có văn bản gửi các Bộ, ngành liên quan về quy hoạch ga ngầm C9- Hồ Hoàn Kiếm thuộc tuyến đường sắt đô thị số 2 Nam Thăng Long-Trần Hưng Đạo.

Định hướng phát triển đô thị theo mô hình TOD. Phát triển đô thị nén, mật độ cao trên cả không gian nổi không gian ngầm xung quanh các ga đường sắt đô thị, với chức năng hỗn hợp. Trong đó, ưu tiên phát triển xây dựng không gian ngầm trong các công trình công cộng, trung tâm thương mại. Tạo lập đầu mối giao thông, theo hướng lấy ga đường sắt đô thị ngầm làm hạt nhân liên kết các trạm dừng, nghỉ bến đầu cuối của các tuyến giao thông cộng cộng: Đường sắt nhẹ một ray, xe buýt và bãi đỗ xe công cộng. Chú trọng phát triển các liên kết trực tiếp hoặc gián tiếp các công trình xây dựng ngầm với ga ngầm thông qua hầm bộ hành. Xây dựng một số quảng trường, không gian công cộng ngầm gắn với các ga ĐSĐT quan trọng.

Nút giao thông ngầm: Bố trí hầm đường bộ tại các nút giao thông khác mức trong các trường hợp khó khăn về quỹ đất, các yếu tố không gian, cảnh quan kiến trúc. Tập trung chủ yếu tại các nút giao thông từ vành đai 3 trở vào.

Hầm ngầm dành cho người đi bộ: xây dựng trên các tuyến đường giao thông cấp đô thị, tại các ngã tư, các quảng trường lớn, các khu vực tập trung hành khách, các nút giao thông khác mức và tại các giao cắt với tuyến đường sắt. Đường ngầm cho người đi bộ phải được trang bị hệ thống thông gió, chiếu sáng, chống thấm, thoát nước theo quy định. Trong đường ngầm cho người đi bộ khuyến khích kết hợp bố trí diện tích phục vụ các nhu cầu thương mại, giải trí, ăn uống và kết nối với phần ngầm của các công trình xây dựng xung quanh.

Đối với bãi đỗ xe công cộng ngầm, tại khu vực nội đô lịch sử, tận dụng tối đa các bãi đỗ xe đã có để xây dựng các bãi đỗ xe ngầm, nhiều tầng, khuyến khích sàn đỗ xe kiểu cơ giới hóa để tiết kiệm quỹ đất. Cho phép bổ sung các bãi đỗ xe ngầm dưới các khu vực vườn hoa, công viên, quảng trường và các công trình công cộng.

Đối với khu vực nội đô mở rộng và các khu vực cải tạo trên các trục hướng tâm thuộc khu vực mở rộng phía Đông vành đai 4, tận dụng tối đa các bãi đỗ xe hiện có, cải tạo xây dựng bãi đỗ xe cao tầng, ngầm.

Các quỹ đất chuyển đổi chức năng trong khu vực nội đô cần bố trí bãi đỗ xe ngầm phục vụ nhu cầu bản thân và đáp ứng một phần nhu cầu công cộng.

Quy hoạch các bãi đỗ xe công cộng ngầm bố trí tại khu vực 04 quận nội thành cũ với 78 địa điểm xây dựng, trong diện tích sàn xây dựng khoảng 104ha, công trình xây dựng từ 3 - 4 tầng hầm tối đa đến 5 tầng hầm đỗ xe và cho phép bố trí kết hợp với các chức năng thương mại dịch vụ. Vị trí, quy mô, công suất các bãi đỗ xe ngầm sẽ được xác định chính xác theo đồ án Quy hoạch bến xe, bãi đỗ xe, trung tâm tiếp cận và trạm dừng nghỉ trên địa bàn thành phố, các đồ án quy hoạch phân khu hoặc các dự án đầu tư riêng được cấp thẩm quyền phê duyệt.

Đối với hệ thống hạ tầng kỹ thuật ngầm dạng tuyến, khu nội đô lịch sử giữ nguyên trạng mạng lưới cống bể, hệ thống hạ tầng kỹ thuật dùng chung đã cơ bản bảo đảm yêu cầu quy hoạch. Xây dựng hào kỹ thuật trên các tuyến đường mới mở phục vụ hạ ngầm 100% hệ thống đường dây, đường ống;

Khu nội đô mở rộng và khu mở rộng phía Nam sông Hồng, giữ nguyên mạng lưới hào kỹ thuật đã xây dựng theo quy hoạch, kết hợp xây dựng tuynel kỹ thuật, hào kỹ thuật trên các tuyến đường mới mở phục vụ hạ ngầm 100% hệ thống đường dây, đường ống;

Khu mở rộng phía Bắc sông Hồng, xây dựng đồng bộ tuynel kỹ thuật chính, nhánh, hào kỹ thuật trên các tuyến đường mới mở để bố trí 100% hệ thống đường dây, đường ống;

Đối với các tuyến ĐSĐT ngầm, bố trí tích hợp các khoang kỹ thuật tương đương với tuynel kỹ thuật để bố trí hệ thống đường dây, đường ống; Đối với các tuyến đường quy hoạch xây dựng mới quy mô B>30m nghiên cứu xây dựng hệ thống tuynel kỹ thuật để bố trí hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật theo quy hoạch.

Quy hoạch chung không gian xây dựng ngầm đô thị trung tâm TP Hà Nội - Ảnh 3
Máy đào ngầm (TBM) thi công phần ngầm tuyến đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội. Ảnh: KT&ĐT

Hệ thống công trình

Khu vực phát triển không gian công cộng xây dựng ngầm, được xác định tại các khu vực tổ hợp ga chuyển tàu hoặc ga ĐSĐT có kết nối với nhau phục vụ hành khách trung chuyển tàu, bao gồm 39 khu vực, tập trung trong khu vực nội đô từ vành đai 3 vào trung tâm với tổng quy mô diện tích 954ha, bố trí các chức năng chính.

Khu vực khuyến khích hình thành không gian công cộng xây dựng ngầm gồm: các khu vực nằm ngoài phạm vi 500m từ đầu mối giao thông công cộng, các khu vực hiện hữu có nhu cầu xây dựng lại như khu tập thể cũ, các khu vực phải di dời ra khỏi nội đô. Định hướng quy hoạch 65 khu vực khuyến khích hình thành không gian công cộng ngầm với tổng quy mô diện tích khoảng 2.171ha.

Đối với phần ngầm của các công trình xây dựng trên mặt đất, bao gồm cả tầng hầm của nhà ở riêng lẻ, sẽ được xác định theo các đồ án quy hoạch chi tiết, tổng mặt bằng các dự án đầu tư được cấp thẩm quyền phê duyêt. Việc xây dựng phần ngầm của các công trình xây dựng trên đất phải tuân thủ các quy định về quy hoạch đô thị, quy chuẩn về xây dựng ngầm, giấy phép xây dựng, bảo đảm trong ranh giới sử dụng đất hợp pháp, không vi phạm chỉ giới đường đỏ, hành lang bảo vệ các công trình hạ tầng kỹ thuật quy định tại Nghị định số 39/2010/NĐ-CP ngày 07/4/2010 của Chính phủ.

Đấu nối tại điểm trung chuyển giữa các tuyến ĐSĐT ngầm, sử dụng mô hình tháp kết nối trực tiếp, hai nhà ga ĐSĐT giao cắt khác cốt tại cùng một vị trí, tại nơi có không gian đô thị lớn, cảnh quan đô thị phù hợp. Đối với những điểm giao cắt tại khu vực không gian nhỏ, yêu cầu cảnh quan đô thị khắt khe thì sử dụng mô hình tách rời, hai nhà ga của hai tuyến giao cắt đặt rời nhau, sử dụng cầu dẫn hoặc đường hầm kết nối hành khách.

Kết nối ga ngầm ĐSĐT với các không gian xung quanh (kết nối không gian): trong phạm vi 100m xung quanh ga ĐSĐT ngầm, xây dựng các lối đi bộ ngầm để kết nối với phần ngầm của các công trình. Thiết lập các quảng trường ngầm gắn kết trực tiếp với ga đường sắt đô thị làm đầu mối của các liên kết ngầm nổi giữa ga với các chức năng đô thị khác.

Đầu nối hệ thống tuynel, hào, cống bể kỹ thuật: đấu nối hệ thống tuynel, hào, cống bể kỹ thuật được thực hiện tại các nút giao của hầm. Nút giao sử dụng kết hợp làm nơi quản lý, vận hành, sửa chữa duy tu bảo đưỡng hệ thống hạ tầng kỹ thuật đi qua. Việc đấu nối các công trình hạ tầng trong tuynel, hào, cống bể kỹ thuật phải bảo đảm phù hợp với quy hoạch được duyệt, phù hợp với yêu cầu kỹ thuật của từng loại đường dây, đường ống, đáp ứng nhu cầu sử dụng đồng bộ.

Việc ban hành quy hoạch chung không gian xây dựng ngầm đô thị trung tâm TP Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, được kỳ vọng góp phần tạo hành lang pháp lý để Hà Nội phát triển sử dụng không gian ngầm đô thị.

Theo tapchixaydung.vn

Tags quy hoạch không gian xây dựng không gian ngầm đô thị Hà Nội

Các tin khác

Quy trình thiết lập bộ dữ liệu lớp phủ mặt đất phục vụ tính toán phát thải khí nhà kính theo QCVN 78:2023 là việc làm cần thiết nhằm tạo cơ sở cho việc thực hiện tốt hơn các nghĩa vụ của Việt Nam về biến đổi khí hậu.

Ngày 12/9/2024 Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Công điện số 94/CĐ-TTg về việc tăng cường công tác vận hành, điều tiết các hồ chứa thủy điện ở các tỉnh phía Bắc.

Cuốn Sổ tay hướng dẫn xử lý nước và vệ sinh môi trường trong mùa bão lụt được Cục Quản lý môi trường (Bộ Y tế) biên soạn nhằm cung cấp những thông tin, kỹ thuật cơ bản nhất về xử lý nước và vệ sinh môi trường phù hợp với thực tế của nhiều địa phương.

Trưa 10/9, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội đã lệnh báo động cấp độ 1 trên sông Hồng tại địa phận một số quận và huyện trên địa bàn thành phố.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục