TP.HCM: Tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động người dân không xả rác ra đường và kênh rạch

  • Cập nhật: Thứ ba, 7/9/2021 | 4:31:59 PM

UBND TP.HCM đã ban hành Quyết định về Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TU ngày 19/10/2018 (Chỉ thị 19) của Ban Thường vụ Thành ủy về việc tiếp tục thực hiện cuộc vận động “Người dân TP.HCM không xả rác ra đường và kênh rạch, vì Thành phố sạch, xanh và thân thiện môi trường" năm 2021.

100% hộ dân cam kết không xả rác ra đường và kênh rạch

Theo Kế hoạch, UBND TP.HCM sẽ tăng cường các giải pháp nhằm tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị 19; phổ biến, nhân rộng, lan tỏa các công trình, giải pháp, sáng kiến và mô hình có hiệu quả và đề xuất các giải pháp khắc phục tồn tại, hạn chế sau 2 năm triển khai để việc thực hiện Chỉ thị 19 đạt kết quả. Đồng thời, việc triển khai các giải pháp được đồng bộ với thực hiện Kế hoạch "Xây dựng Thành phố Xanh - Thân thiện môi trường giai đoạn 2020 - 2025”

Theo đó, TP.HCM đề ra mục tiêu cụ thể là tiếp tục giữ vững và nâng cao chất lượng các chỉ tiêu đã hoàn thành trong năm 2020 gồm: 100% phường - xã - thị trấn trên địa bàn tổ chức đối thoại với nhân dân về vấn đề vệ sinh môi trường trên địa bàn thành phố; 100% phản hồi của người dân về bảo vệ môi trường và trật tự đô thị được tiếp nhận và xử lý kịp thời; 100% điểm ô nhiễm do tồn đọng rác thải trên địa bàn thành phố được giải quyết và duy trì chất lượng vệ sinh môi trường, mỹ quan tại các khu vực đã cải tạo, chuyển hóa, không để phát sinh các điểm ô nhiễm mới.

Đoàn viên Thanh niên TP.HCM tham gia Chương trình
Đoàn viên Thanh niên TP.HCM tham gia Chương trình "xóa điểm đen ô nhiễm rác thải”.

TP.HCM cũng đặt mục tiêu 100% lực lượng thu gom rác dân lập được chuyển đổi thành các hợp tác xã hoặc doanh nghiệp có tư cách pháp nhân; 100% hộ dân đăng ký thu gom rác thải tại khu vực có tuyến thu gom. Riêng các địa bàn chưa có tuyến thu gom, 100% hộ dân thực hiện xử lý rác thải hợp vệ sinh tại hộ gia đình. Đồng thời, 100% hộ dân sinh sống, kinh doanh ở mặt tiền đường giữ gìn vệ sinh môi trường, tự trang bị thiết bị lưu chứa rác thải; 75% trở lên khu phố - ấp - sạch, không rác ra đường và kênh rạch; 20% phường - xã - thị trấn có ít nhất một công trình phát triển mảng xanh tại các khu dân cư hiện hữu.

Bên cạnh đó, TP.HCM sẽ vận động 100% hộ dân, các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố thực hiện cam kết về giữ gìn vệ sinh môi trường, không xả rác ra đường và kênh rạch. Phấn đấu 70% phường - xã - thị trấn đạt tiêu chuẩn "Phường - xã - thị trấn sạch và xanh, thân thiện môi trường”.

Tuyên truyền song song với xử phạt

Để đạt được các mục tiêu đề ra, TP.HCM sẽ tiếp tục triển khai các chính sách để hỗ trợ chuyển đổi lực lượng thu gom rác dân lập thành hợp tác xã hoặc doanh nghiệp có tư cách pháp nhân; chính sách hỗ trợ chuyển đổi phương tiện thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt; bổ sung vốn cho Quỹ Bảo vệ môi trường để hỗ trợ thực hiện nội dung này. Đồng thời, triển khai hiệu quả, đồng bộ việc tổ chức thực hiện phân loại rác tại nguồn theo quy định mới: chất thải rắn sinh hoạt được phân loại thành 2 nhóm (chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế và nhóm chất thải còn lại).

Đặc biệt, TP.HCM sẽ tiếp tục phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong đẩy mạnh và duy trì thường xuyên công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia bảo vệ môi trường tại địa phương với các hình thức đa dạng và phù hợp với từng nhóm đối tượng. Trong đó, chú trọng các giải pháp tăng cường sự tham gia tích cực của công nhân, người lao động, cộng đồng dân cư nơi cư trú trong các phong trào, sự kiện, hoạt động bảo vệ môi trường tại khu dân cư.

Trong công tác tuyên truyền, cần giới thiệu các công trình, giải pháp, cách làm hay về bảo vệ môi trường; đồng thời tập trung tuyên truyền các quy định về xử phạt trong lĩnh vực vệ sinh môi trường và các hành vi vi phạm bị xử phạt trên các phương tiện thông tin đại chúng để tăng tính răn đe và hiệu quả công tác tuyên truyền.

Cũng theo UBND TP.HCM, bên cạnh công tác tuyên truyền, vận động thì cần đẩy mạnh các giải pháp xử lý vi phạm hành chính trong công tác bảo vệ môi trường nói chung và chất thải nói riêng và xem đây là nhiệm vụ trọng tâm của việc triển khai Chỉ thị 19 giai đoạn tiếp theo.

Theo đó, các Sở, ngành, UBND các quận, huyện, TP. Thủ Đức chỉ đạo tăng cường công tác quản lý Nhà nước, triển khai nghiêm túc và hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát và xử lý  vi phạm hành chính trong lĩnh vực vệ sinh môi trường. Đồng thời, triển khai việc sử dụng hình ảnh trích xuất từ camera thực hiện việc xử lý vi phạm về vệ sinh môi trường theo các quy định, hướng dẫn của cơ quan quản lý Nhà nước .

UBND TP.HCM cũng yêu cầu các cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra, khảo sát việc thực hiện Chỉ thị 19 ở các địa phương, kịp thời phát hiện, biểu dương các mô hình, công trình, giải pháp, cách làm hay để nhân rộng, tạo sự lan tỏa trong cộng đồng dân cư.

Nguyễn Quỳnh
baotainguyenmoitruong.vn

Tags Quyết định UBND TP.HCM Kế hoạch không xả rác ra đường Chỉ thị 19 Xây dựng Thành phố Xanh - Thân thiện môi trường giai đoạn 2020 - 2025 vệ sinh môi trường mỹ quan

Các tin khác

Quy trình thiết lập bộ dữ liệu lớp phủ mặt đất phục vụ tính toán phát thải khí nhà kính theo QCVN 78:2023 là việc làm cần thiết nhằm tạo cơ sở cho việc thực hiện tốt hơn các nghĩa vụ của Việt Nam về biến đổi khí hậu.

Ngày 12/9/2024 Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Công điện số 94/CĐ-TTg về việc tăng cường công tác vận hành, điều tiết các hồ chứa thủy điện ở các tỉnh phía Bắc.

Cuốn Sổ tay hướng dẫn xử lý nước và vệ sinh môi trường trong mùa bão lụt được Cục Quản lý môi trường (Bộ Y tế) biên soạn nhằm cung cấp những thông tin, kỹ thuật cơ bản nhất về xử lý nước và vệ sinh môi trường phù hợp với thực tế của nhiều địa phương.

Trưa 10/9, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội đã lệnh báo động cấp độ 1 trên sông Hồng tại địa phận một số quận và huyện trên địa bàn thành phố.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục