Ảnh minh họa. Nguồn: TL
Theo Cục Quản lý tài nguyên nước, để phục vụ công tác xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tài nguyên nước 2012, các ý kiến của các địa phương tập trung vào các nội dung chính như sau: Quy định cụ thể, hướng dẫn triển khai các quy định của pháp luật (xác định danh mục hồ, ao, đầm, phá không được san lấp, cơ chế chính sách ưu đãi tài chính đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh có hoạt động tái sử dụng nước thải, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả; quan trắc, giám sát tài nguyên nước, việc tái sử dụng nước thải…). Quy định, xác định rõ trách nhiệm, phân công, phân cấp cụ thể trong việc quản lý tài nguyên nước giữa các cơ quan, bộ, ngành, các cấp chính quyền địa phương, đặc biệt giữa lĩnh vực tài nguyên nước và lĩnh vực thủy lợi.
Cùng với đó, quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ và tổ chức thực hiện nhiệm vụ quản lý, điều phối lưu vực sông; Sửa đổi, quy định rõ về nguồn tài chính phục vụ công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước; tăng cường các nguồn kinh phí phục vụ các nhiệm vụ được giao trong lĩnh vực tài nguyên nước; tái đầu tư cho hoạt động tài nguyên nước.
Đồng thời, quy định rõ về thời điểm đề nghị cấp phép tài nguyên nước cụ thể đối với từng trường hợp và có chế tài, quy định để đảm bảo thực hiện (chưa vận hành, đã vận hành, đối với các công trình thủy lợi; hiện nay hầu hết các chủ đầu tư chỉ thực hiện nộp hồ sơ cấp phép khi công trình sắp đi vào vận hành). Đẩy mạnh thực hiện việc phân cấp, phân quyền cho địa phương trong công tác cấp giấy phép TNN; điều chỉnh, bổ sung để phù hợp với các luật liên quan như luật thủy lợi, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Quy hoạch; Đẩy mạnh việc thực hiện chủ trương khuyến khích xã hội hóa trong lĩnh vực tài nguyên nước...
Về tiến độ thực hiện, Cục Quản lý tài nguyên nước dự kiến gửi hồ sơ lấy ý kiến vào đầu tháng 9/2021; Hoàn thiện Hồ sơ, gửi Bộ Tư pháp thẩm định vào đầu tháng 10/2021; Hoàn thiện Hồ sơ, tiếp thu, giải trình ý kiến Bộ Tư pháp và trình Chính phủ đưa vào chương trình họp vào đầu tháng 11/2021; Chỉnh lý Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật trên cơ sở Nghị quyết cuộc họp của Chính phủ và gửi đến Bộ Tư pháp để lập đề nghị của Chính phủ về Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh trong tháng 12/2021; Chính phủ gửi Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật đến Ủy ban thường vụ Quốc hội để lập dự kiến chương trình xây dựng Luật trước tháng 3/2022.
Cục Quản lý tài nguyên nước sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan tập trung trí tuệ đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tài nguyên nước và một số luật liên quan đến quản lý, bảo vệ tài nguyên nước để trình Lãnh đạo Bộ.
Bên cạnh đó, Cục sẽ phối hợp với các đơn vị nghiên cứu các Luật Tài nguyên nước của một số quốc gia trên thế giới, vận dụng phù hợp với tình hình phát triển ở Việt Nam./.
BL
dangcongsan.vn