"Mua sắm xanh” (greenpurchasing) hay "mua sắm sinh thái” (ecopurchasing) là thuật ngữ được sử dụng để chỉ việc mua sắm các sản phẩm và dịch vụ thân thiện với môi trường nhằm giảm thiểu nhiều nhất tác động bất lợi tới sức khỏe và môi trường.
Tại những quốc gia có chi tiêu công chiếm từ 10% - 15% GDP, "mua sắm xanh” là một trong những công cụ chính sách quan trọng nhằm thúc đẩy mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững. "Mua sắm xanh” đòi hỏi các cơ quan chính phủ, doanh nghiệp và người dân cân nhắc sự cần thiết của việc mua sắm cũng như những tác động môi trường của sản phẩm hay dịch vụ này ở tất cả các giai đoạn vòng đời của chúng trước khi đưa ra quyết định mua sắm.
"Mua sắm xanh” có những lợi ích: Nâng cao độ an toàn và sức khỏe cho người dân và cộng đồng; giảm thiểu sử dụng năng lượng và tài nguyên thiên nhiên; phát triển các sản phẩm mới, thân thiện với môi trường hơn; kích thích hình thành thị trường mới đối với vật liệu tái chế và gia tăng việc làm; nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường; tiết kiệm chi phí mua sắm và sử dụng; tuân thủ các quy định pháp luật về môi trường do mua các sản phẩm/dịch vụ xanh sẽ giảm nguy cơ thải các hóa chất độc hại vào đất, không khí và nước.
Tại Việt Nam, thuật ngữ "mua sắm xanh” trước Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020 mới chỉ xuất hiện trong một số văn bản liên quan đến Chiến lược tăng trưởng xanh và Kế hoạch hành động thực hiện chiến lược này.
Nhằm bảo đảm mục tiêu cơ bản trở thành nước công nghiệp, chủ trương của Đảng và Nhà nước ta là thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tuy nhiên, cùng với sự gia tăng dân số và tiêu dùng của xã hội, nước ta đang đứng trước những thách thức to lớn về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Vì vậy, việc triển khai và áp dụng các chính sách "mua sắm xanh” ở Việt Nam nhằm khuyến khích sản xuất và tiêu dùng bền vững trở thành một nhu cầu bức thiết.
Người tiêu dùng mua sắm tại hệ thống siêu thị mini Bách hóa Xanh
Theo Điều 146, Luật Bảo vệ môi trường số 17/2020/QH14 được Quốc hội Khóa 14 thông qua ngày 17/11/2020, có hiệu lực từ 01/01/2022 quy định về Mua sắm xanh. Cụ thể:
1. Mua sắm xanh là việc mua sắm các sản phẩm, dịch vụ thân thiện môi trường được chứng nhận Nhãn sinh thái Việt Nam hoặc được công nhận theo quy định của pháp luật.
2. Ưu tiên thực hiện mua sắm xanh đối với dự án đầu tư, nhiệm vụ có sử dụng ngân sách nhà nước theo quy định của Chính phủ..
Theo PGS.TS Nguyễn Đức Khiển, Nguyên Giám đốc Sở Khoa học công nghệ và Môi trường Hà Nội, để đẩy mạnh triển khai áp dụng "mua sắm xanh” ở Việt Nam, ngoài Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, về phía các cơ quan quản lý nhà nước cần phải lưu ý mấy vấn đề sau:
1. Xây dựng và ban hành khung chính sách, hướng dẫn toàn diện, hiệu quả về "mua sắm xanh”, trong đó ưu tiên thực hiện "mua sắm xanh” tại khu vực công.
2.Nâng cao năng lực và xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên trách nhằm thúc đẩy "mua sắm xanh” với các mục tiêu, chương trình cụ thể.
3. Xây dựng và thực hiện các chiến lược, chương trình quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững.
4. Nghiên cứu và ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích tạo động lực cho các doanh nghiệp tham gia vào ngành công nghiệp sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường.
5. Thúc đẩy và triển khai "mua sắm xanh” song song với các chương trình dán nhãn sinh thái.
6. Tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức của người dân về "mua sắm xanh” để xây dựng thói quen tiêu dùng bền vững và lối sống thân thiện với môi trường.
Sản phẩm thân thiện với môi trường sẽ không có thị trường nếu không được quan tâm đúng mức. Vì vậy, để phát triển ngành công nghiệp môi trường toàn diện, cần thiết phải xây dựng đồng bộ các chính sách về sản xuất và tiêu dùng xanh. Để thúc đẩy "mua sắm xanh” một cách toàn diện và độc lập trên thị trường, hệ thống dán nhãn sinh thái phải được thực hiện. Đồng thời cần phải xây dựng và đào tạo đội ngũ cán bộ chuyên trách về "mua sắm xanh”./.
Luật sư, Tiến sĩ Đồng Xuân Thụ