Chi tiết hóa nội dung biến đổi khí hậu trong Luật Bảo vệ môi trường

  • Cập nhật: Thứ hai, 21/6/2021 | 2:27:31 PM

Chiều ngày 17/6, Thứ trưởng Lê Công Thành đã chủ trì cuộc họp trực tuyến với Tổ soạn thảo xây dựng Thông tư quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) về ứng phó với biến đổi khí hậu. Tham dự có thành viện tổ soạn thảo thuộc các đơn vị liên quan trong và ngoài Bộ TN&MT.


Thứ trưởng Lê Công Thành chủ trì cuộc họp tại điểm cầu trực tuyến Bộ Tài nguyên và Môi trường

Trên cơ sở Luật BVMT 2020 sẽ có hiệu lực từ 01/01/2022, việc xây dựng Thông tư nhằm cụ thể hóa một số nội dung của Luật và Nghị định của Chính phủ quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn (hiện dự thảo Nghị định đã hoàn thiện và đang được lấy ý kiến rộng rãi).

Theo ông Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT) – đơn vị chủ trì soạn thảo, Thông tư sẽ có 3 nội dung chính: Hướng dẫn đánh giá tác động, tính dễ bị tổn thương, rủi ro, tổn thất và thiệt hại do BĐKH; Hướng dẫn thẩm định kết quả kiểm kê khí nhà kính và thực hiện giảm nhẹ phát thải khí nhà kính đối với cơ sở phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính (KNK); Danh mục và hướng dẫn thu gom, tái chế, tái sử dụng và tiêu hủy các chất làm suy giảm tầng ô-dôn, chất gây hiệu ứng nhà kính được kiểm soát. Quá trình xây dựng dự thảo, Cục đã nghiên cứu các quy định quốc tế về thích ứng, giảm nhẹ phát thải và bảo vệ tầng ô-dôn; các đề tài, nhiệm vụ nghiên cứu của các chuyên gia khoa học đầu ngành, các cơ quan có liên quan thuộc các Bộ.

Đối tượng áp dụng Thông tư gồm: Cơ quan tổ chức có liên quan đến hoạt động thích ứng với BĐKH tại Việt Nam, các cơ quan được giao nhiệm vụ xây dựng chiến lược, quy hoạch thuộc trường hợp phải đánh giá tác động môi trường chiến lược; Cơ quan, tổ chức có liên quan đến hoạt động thẩm định kiểm kê KNK và kết quả giảm nhẹ phát thải KNK; Các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động tái chế, tái sử dụng, tiêu hủy các chất làm suy giảm tầng ô-dôn, chất gây hiệu ứng nhà kính có kiểm soát.

Về đánh giá tác động, tính dễ bị tổn thương, rủi ro, tổn thất và thiệt hại do BĐKH, dự thảo Thông tư đưa ra các nội dung về mục đích, thông tin dữ liệu phục vụ đánh giá; các yếu tố trong kịch bản BĐKH sử dụng để đánh giá; nội dung, phương pháp, trình tự đánh giá và trách nhiệm của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND cấp tỉnh.

Qua tham vấn các Bộ, ngành, nội dung đánh giá không chia theo lĩnh vực mà theo 3 hệ thống: tự nhiên, kinh tế, xã hội. Hệ thống tự nhiên gồm các tài nguyên: nước, rừng, đất, khoáng sản, biển, đảo, đa dạng sinh học và các tài nguyên khác. Hệ thống kinh tế gồm các hoạt động sản xuất và dịch vụ, cơ sở hạ tầng thuộc các lĩnh vực: nông nghiệp, lâm nghiệp, giao thông vận tải, xây dựng và đô thị, công nghiệp, năng lượng, du lịch, thương mại và dịch vụ. Hệ thống xã hội gồm: dân cư, y tế, sức khỏe, văn hóa, giáo dục, giới, đối tượng dễ bị tổn thương và giảm nghèo. Dự thảo cũng nhấn mạnh việc đánh giá tác động của BĐKH theo cả tính tính cực và tiêu cực.

Về thẩm định kết quả kiểm kê KNK và thực hiện giảm nhẹ phát thải KNK đối với cơ sở phải thực hiện kiểm kê KNK, dự thảo Thông tư đưa ra các mẫu thẩm định cũng như quy định về hội đồng thẩm định và trình tự đối với báo cáo kiểm kê KNK, kết quả giảm nhẹ phát thải cấp lĩnh vực; yêu cầu đối với thẩm định và trình tự thẩm định báo cáo kiểm kê KNK, kết quả giảm nhẹ cấp cơ sở. Các quy định này nhằm phù hợp quy trình quản lý của Việt Nam, phục vụ nhu cầu về số liệu để có cơ sở thẩm định mức giảm nhẹ phát thải của cơ sở. Quá trình này về sau sẽ được nâng cấp và quốc tế hóa để giúp các cơ sở công nhận tín chỉ các-bon nếu muốn tham gia thị trường các-bon trong thời gian tới. Đồng thời, tạo điều kiện phát triển cho các đơn vị thẩm định đủ năng lực của Việt Nam và nước ngoài.

Về hướng dẫn sử dụng các chất làm suy giảm tầng ô-dôn, chất gây hiệu ứng nhà kính được kiểm soát, dự thảo Thông tư đưa ra danh mục, thông tin, điều kiện sử dụng các chất này, đồng thời, hướng dẫn cụ thể các yêu cầu về thu gom, vận chuyển và tiêu hủy.

Tại cuộc họp, thành viên tổ soạn thảo thuộc các Bộ NN&PTNT, GTVT, KHCN và các đơn bị thuộc Bộ TN&MT, các chuyên gia đã góp ý về bố cục và nội dung của dự thảo Thông tư. Một số ý kiến cho rằng cần quy định cụ thể hơn việc thành lập hội đồng thẩm định để có thể hạn chế việc tăng thêm khối lượng công việc cho các cơ quan quản lý, và cơ chế trách nhiệm của hội đồng cũng chưa rõ ràng. Phần đánh giá tác động, rủi ro tổn thất thiệt hại chưa rõ mục đích thực hiện. Thực tế, dữ liệu đầu vào phần lớn là các hiện tượng thiên tai, thời tiết khởi phát nhanh, rất ít số liệu phi kinh tế, không phản ánh xuyên suốt với các nguy cơ về lâu dài. Một số yêu cầu trong thu gom, vận chuyển, tiêu hủy chất gây suy giảm tầng ô-dôn khó áp dụng hoặc chưa có đơn vị có đủ năng lực tiếp nhận xử lý.

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Thứ trưởng Lê Công Thành đề nghị Cục Biến đổi khí hậu tiếp thu các ý kiến để hoàn thiện dự thảo. Trong đó, việc đánh giá tác động và tính dễ bị tổn thương cần phải xác định rõ mục đích, đối tượng chịu tác động, đặc biệt là trong cộng đồng như doanh nghiệp và người dân. Xem xét các quy định trong kịch bản BĐKH cần có thông tin gì để người sử dụng có thể khai thác, đặc biệt là giúp họ nhận thức được việc phải ứng phó với các tác động có diễn biến về lâu dài. Việc thẩm định kiểm kê và kết quả giảm phát thải của các lĩnh vực, Bộ ngành được tiến hành nhiều năm nay nên có thể rà soát, rút kinh nghiệm để không phát sinh thêm thủ tục hành chính, thuận tiện cho người dân và doanh nghiệp.

Theo Khánh Ly/monre.gov.vn

Tags Thứ trưởng Lê Công Thành Biến đổi khí hậu Luật Bảo vệ môi trường

Các tin khác

Quy trình thiết lập bộ dữ liệu lớp phủ mặt đất phục vụ tính toán phát thải khí nhà kính theo QCVN 78:2023 là việc làm cần thiết nhằm tạo cơ sở cho việc thực hiện tốt hơn các nghĩa vụ của Việt Nam về biến đổi khí hậu.

Ngày 12/9/2024 Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Công điện số 94/CĐ-TTg về việc tăng cường công tác vận hành, điều tiết các hồ chứa thủy điện ở các tỉnh phía Bắc.

Cuốn Sổ tay hướng dẫn xử lý nước và vệ sinh môi trường trong mùa bão lụt được Cục Quản lý môi trường (Bộ Y tế) biên soạn nhằm cung cấp những thông tin, kỹ thuật cơ bản nhất về xử lý nước và vệ sinh môi trường phù hợp với thực tế của nhiều địa phương.

Trưa 10/9, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội đã lệnh báo động cấp độ 1 trên sông Hồng tại địa phận một số quận và huyện trên địa bàn thành phố.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục